7 sự thật thú vị về chú mèo máy Doraemon, nhiều người đọc truyện cả chục năm cũng chưa chắc biết hết
Bạn có biết lý do vì sao tay Doraemon tròn vo nhưng vẫn cầm nắm được đồ vật hay sự thật Dorami cũng không có tai?
Mèo Ú Doraemon chính là người bạn thân của cả thế hệ 8X, 9X và thậm chí 10X. Dù đã kết thúc đột ngột vào năm 1996 sau sự ra đi của họa sĩ Fujiko F. Fujio, Doraemon vẫn tiếp tục đồng hành cùng hàng triệu độc giả cho đến tận bây giờ.
Câu chuyện về chú mèo máy đến từ tương lai và Nobita, Shizuka, Suneo, Jaian,... hấp dẫn độc giả nhỏ tuổi không chỉ vì dễ thương, gần gũi mà còn ẩn chứa rất nhiều bài học nhẹ nhàng về tình bạn, tình cảm gia đình và truyền tải biết bao ước mơ của trẻ thơ. Thế nhưng đọc Doraemon từ bé đến lớn, bạn đã biết hết về những sự thật thú vị sau đây chưa?
1. Ý nghĩa tên các nhân vật trong truyện
Cái tên Doraemon là sự kết hợp của 2 chữ: Dora và Emon. Dora là chơi chữ từ “Nora” trong “Nora-Neko” - có nghĩa là mèo hoang, còn “emon” là hậu tố thường dùng trong tên các bé trai Nhật Bản thời xưa. Nói một cách dễ hiểu, Doraemon có thể dịch đơn giản là “một chú mèo hoang”.
Trong khi đó, Nobi có nghĩa là rất thông minh, siêu phàm. Trái lại, các nhân vật khác thì có cái tên khá phù hợp với tính cách. Cụ thể, Shizuka hàm nghĩa yên bình, tĩnh lặng. Suneo có nghĩa là cậu bé gầy hay hờn dỗi. Jaian chính là chơi chữ từ từ Giant trong tiếng Anh, nghĩa là to lớn. Bên cạnh đó, họ Takeshi của cậu bé còn có nghĩa là sức mạnh.
2. Tay của Doraemon tròn như vậy thì cầm nắm đồ vật bằng cách nào?
Một thắc mắc thường thấy là họa sĩ Fujiko vẽ bàn tay của mèo máy Doraemon tròn vo nhưng rõ ràng cậu chàng không gặp khó khăn gì trong sinh hoạt thường ngày khi cầm nắm đồ vật. Lý do là vì bàn tay của mèo ú có chất kết dính và sức mạnh chân không đáng kinh ngạc, cho phép mọi thứ dính vào nó. Thông tin này đã được giải thích trong tập 11 bộ truyện ngắn. Nói một cách dễ hiểu, công nghệ trong lòng bàn tay Doraemon tương tự như lực hấp dẫn của trái đất.
3. Doraemon ban đầu không có màu xanh
Mèo máy ban đầu được sinh ra có làn da màu vàng, giống như người em gái Dorami của mình. Thế nhưng một “tai nạn” thảm khốc đã xảy ra từ trước cả khi cậu lên máy thời gian trở về quá khứ sống cùng Nobita. Doraemon đã bị lũ chuột cắn mất tai trong lúc ngủ. Vì quá buồn và sốc, cậu đã uống một viên thuốc tên là “nỗi buồn” và tác dụng phụ của nó là biến lớp sơn màu vàng thành màu xanh như chúng ta quen thuộc. Vì lũ chuột, Doraemon không chỉ mất tai mà cũng mất luôn màu sơn ban đầu của mình.
4. Có bao nhiêu bảo bối trong túi thần kỳ?
Ngay từ tập truyện đầu tiên, tác giả đã nhắc đến một chi tiết là Doraemon lôi ra từ trong túi thần kỳ của mình 4.500 món bảo bối để “khoe” với Nobita. Còn trong thực tế, các fan bộ truyện đã đếm được tổng cộng 1.963 món bảo bối đã xuất hiện trong 1.344 chương chuyện.
5. Doraemon cũng có thành tích ở trường dở tệ như Nobita
Mèo ú khi còn học ở trường robot trong thế kỷ 22 cũng không hề có thành tích tốt. Đó là lý do mà sau khi tốt nghiệp, anh chàng không được nhận được công việc nào. Mãi đến khi Sewaishi Nobi, chắt của Nobita thuê Doraemon quay về thế kỷ 20 để “cứu rỗi” cuộc đời ông cố thì Doraemon mới có công việc chính thức đầu tiên. Ban đầu, bố mẹ của Sewashi cũng khá lưỡng lự với quyết định này nhưng vì Sewashi thích mèo ú nên kiên quyết thuê cậu về.
6. Dorami cũng không có tai giống Doraemon
Dorami là em gái của Doraemon và vẫn sống ở thế kỷ 22 cùng cậu bé Sewashi Nobi. Dù là robot nhưng hai người vẫn là “anh em” vì cùng được sản xuất tại nhà máy Matsushiba, cùng sử dụng chung một loại dầu và giống nhau đến từng linh kiện. Dorami được sản xuất 2 năm sau anh trai nên là một sản phẩm hoàn thiện hơn.
Có một thông tin mà rất ít người đọc nhận ra, đó là Dorami cũng không có tai mèo. Chiếc “tai” màu đỏ mà chúng ta nhầm tưởng thực ra là chiếc nơ mà cô nàng đeo lên để làm điệu.
7. 1293 - con số “thần kỳ” của Doraemon
Doraemon có mã sản xuất là MS-903. Cậu có chiều cao là 129,3 cm, nặng 129,3 kg, mạnh 129,3 mã lực, vòng đầu 129,3 cm và có thể chạy với vận tốc 129,3 km/h, nhảy cao 129,3 cm khi gặp nguy hiểm, nhất là khi nhìn thấy chuột. Chưa hết, sinh nhật của mèo máy khi viết theo kiểu Nhật sẽ là ngày 12/9/3 (12 ở đây là năm 2112, người Nhật thường viết theo thứ tự năm/tháng/ngày). Thực chất, họa sĩ Fujiko đã cố tình gắn các đặc điểm, thông tin của Doraemon với con số 1293 cho dễ nhớ và tạo sự đặc biệt.
Nguồn: Thebuzzmedia