7 phong tục Giáng sinh của Nhật Bản khiến du khách ngạc nhiên
Cách tổ chức Giáng sinh ở Nhật Bản và nước ngoài khác nhau, vì thế mọi người đến du lịch vào dịp này đều rất ngạc nhiên.
Ở Nhật Bản , khi bắt đầu sang tháng 11, đồ trang trí Giáng sinh xuất hiện trong các cửa hàng, văng vẳng bên tai là những bài hát Giáng sinh.
Giáng sinh là thời điểm thú vị cả ở nước ngoài và ở Nhật Bản, nhưng bạn có biết người nước ngoài rất ngạc nhiên trước phong tục Giáng sinh của Nhật Bản không?
1. Cây Giáng sinh nhỏ
Điều đầu tiên khiến người nước ngoài ngạc nhiên là kích thước của cây thông Noel. Tất nhiên trong thành phố có rất nhiều cây lớn, nhưng cây thông Noel ở đây là cây được trang trí ở mỗi nhà.
Nhà ở Nhật nhỏ hơn nhà ở nước ngoài nên kích thước của cây thông cũng sẽ nhỏ hơn. Ở nước ngoài, nhiều nhà trang trí cây cao hơn người lớn nên không có gì lạ khi du khách phương Tây ngạc nhiên khi thấy những cây thông nhỏ trong các gia đình Nhật Bản.
2. Giày bốt Giáng sinh
Người phương Tây ngạc nhiên khi thấy những đôi ủng Giáng sinh chứa đầy đồ ăn nhẹ xếp hàng trong các cửa hàng.
Giày bốt Giáng sinh là sản phẩm độc đáo của Nhật Bản vào dịp này, việc bán hàng bắt đầu từ những năm 1950. Đó là thứ bạn không thấy ở châu Âu hay châu Mỹ.
Nhiều người có thể đã từng thấy những chiếc tất Giáng sinh được trưng bày trên lò sưởi trong phim. Ở nước ngoài, ngay cả ở những ngôi nhà không có lò sưởi, người ta thường trưng bày những chiếc tất Giáng sinh làm đồ trang trí vào dịp này.
Những chiếc tất Giáng sinh này chứa đầy những vật dụng nhỏ như nhu yếu phẩm hằng ngày, đồ ngọt, văn phòng phẩm và các đồ linh tinh, không chỉ trẻ em mà cả người lớn cũng có những chiếc tất riêng.
Những đôi bốt Giáng sinh Nhật Bản có thể lấy ý tưởng từ những chiếc tất Giáng sinh này.
3. Món quà Giáng sinh bên cạnh giường
Ở Nhật Bản, có nhiều cha mẹ bí mật để quà bên gối con sau khi con đi ngủ. Ở các nước khác, người ta có phong tục đặt quà dưới cây thông Noel, vì vậy phong tục này của Nhật Bản có thể làm người nước ngoài ngạc nhiên.
Ở nước ngoài, quà được đặt dưới gốc cây trước Giáng sinh nên khi Giáng sinh đến gần, số lượng quà tăng lên. Ông già Noel cũng để quà dưới gốc cây thông Noel.
4. Ăn gà rán KFC
Nhiều gia đình ở nước ngoài ăn gà tây vào dịp Giáng sinh, vì vậy họ rất ngạc nhiên khi người Nhật đặt hàng KFC vào dịp Giáng sinh.
Bữa tối Giáng sinh ở nước ngoài tùy thuộc vào từng gia đình, nhưng món chính là gà tây (hoặc thịt bò nướng hoặc giăm bông nướng), với nhiều loại rau như khoai tây, cà rốt, cải Brussels, đậu xanh, khoai lang, bánh pudding Yorkshire, sốt nam việt quất và nhiều thứ khác.
Vì vậy, thật ngạc nhiên khi thấy các cửa hàng KFC ở Nhật Bản trở nên đông khách hơn bình thường và thậm chí còn bán cả gà trước.
5. Ăn bánh bông lan
Cũng giống như KFC, người dân các nước khác rất ngạc nhiên khi thấy bánh Giáng sinh được đặt trước hoặc bán trên đường phố. Ở nước ngoài, người ta không ăn bánh bông lan vào dịp Giáng sinh.
Vào dịp Giáng sinh, người phương Tây thường ăn bánh táo, bánh bí ngô, bánh tart socola, bánh pho mát, bánh gừng… Tuy nhiên, các loại bánh này không thấy vào dịp Giáng sinh ở Nhật.
6. Giáng sinh là sự kiện dành cho những cặp tình nhân
Ở Nhật Bản, Giáng sinh là một sự kiện quan trọng đối với các cặp đôi, nhưng đối với những người ở nước ngoài, Giáng sinh là ngày dành cho gia đình.
Dành thời gian cho gia đình và bạn bè thân thiết là điều phổ biến ở nước ngoài. Vì vậy, những cặp đôi đã quen nhau một thời gian thường đón Giáng sinh tại một (hoặc cả hai) nhà của họ.
Ngược lại, ở Nhật Bản, các đợt giảm giá dịp Giáng sinh, dùng bữa tại nhà hàng, lưu trú tại khách sạn lại diễn ra sôi nổi từ khoảng tháng 11. Có vẻ như Giáng sinh đã trở thành một sự kiện lớn dành cho các cặp tình nhân.
7. Giáng sinh không phải là một ngày lễ
Giáng sinh không phải là ngày nghỉ lễ ở Nhật Bản. Trừ khi là cuối tuần, người Nhật thường đi làm hoặc đi học vào ngày 25/12, nhưng ở châu Âu và Mỹ, Giáng sinh là ngày nghỉ lễ nên các công ty và trường học đều đóng cửa.
Ở nước ngoài, trong mùa Giáng sinh, các đường bay và đường bộ trở nên đông đúc người dân trở về quê hương cùng gia đình. Có thể thấy rằng, Giáng sinh ở các nước phương Tây không khác gì đón năm mới ở Nhật Bản.
Phan Hằng (Theo Eikaiwa)