7 mô hình chuyển đổi số đang được Yên Bái thực hiện thế nào?

Chia sẻ Facebook
26/07/2022 05:07:37

Bên cạnh 3 mô hình đang nghiên cứu hoàn thiện, Yên Bái cũng triển khai 7 mô hình chuyển đổi số. Tỉnh hướng tới mục tiêu dù “đi sau” nhưng sẽ “đuổi kịp, tiến cùng” về kinh tế xã hội với các địa phương khác.

Theo đại diện Sở TT&TT Yên Bái, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã xác định đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số là một trong những giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn đến năm 2025. Chuyển đổi số chính là cơ hội để một tỉnh nghèo như Yên Bái dù “đi sau”, nhưng có thể “đuổi kịp, tiến cùng”, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các địa phương khác.

Tháng 7/2021, Tỉnh ủy Yên Bái đã ra Nghị quyết 51 chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và trong 1 năm qua, UBND tỉnh đã ban hành hơn 20 chương trình, kế hoạch về thực hiện chuyển đổi số.

Đại diện Sở TT&TT Yên Bái cũng cho biết, Yên Bái đã chọn triển khai chuyển đổi số theo cách riêng, kết hợp cả làm “từ trên xuống” và “từ dưới lên”. Các mô hình được lựa chọn triển khai tập trung vào địa điểm có tương tác nhiều với người dân, doanh nghiệp và những việc thay đổi căn bản nhận thức, thói quen trong hoạt động của các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước.

Bên cạnh 3 mô hình chuyển đổi số đang được nghiên cứu hoàn thiện gồm doanh nghiệp chuyển đổi số, nhà văn hóa số và gia đình số, đã có 7 mô hình chuyển đổi số được Yên Bái triển khai là: Xã phường, thị trấn chuyển đổi số; sở, ngành chuyển đổi số; trường học chuyển đổi số; tổ chuyển đổi số cộng đồng; sổ tay Đảng viên điện tử; huyện chuyển đổi số; công dân số.


Xã, phường, thị trấn chuyển đổi số

Sở TT&TT Yên Bái cho biết, trên cơ sở đánh giá chuyển đổi số tại xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn sau 6 tháng thực hiện, từ tháng 11/2021 đến tháng 4/2022, Sở đã đúc rút thành các tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể theo 4 trụ cột là hạ tầng số, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Từ kết quả thí điểm tại Tú Lệ, Yên Bái đã ra kế hoạch chuyển đổi số xã/phường/thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh.

UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Kế hoạch thực hiện chuyển đổi số xã/phường/thị trấn trên địa bàn với 2 mức: Chuyển đổi số gồm 17 chỉ tiêu và Chuyển đổi số nâng cao được bổ sung thêm 8 chỉ tiêu. Trong năm 2022, yêu cầu mỗi huyện, thị xã, thành phố lựa chọn tối thiếu 30% xã, phường, thị trấn triển khai chuyển đổi số.


Sở, ngành chuyển đổi số

Ở cấp tỉnh, Sở TT&TT Yên Bái là đơn vị đầu tiên thực hiện cơ quan chuyển đổi số thông qua việc ban hành 1 Nghị quyết liên tịch thể hiện quyết tâm chính trị của tập thể. Nghị quyết đưa ra 24 mục tiêu cụ thể về chuyển đổi số và trong 3 tháng thực hiện có 22/24 mục tiêu (92%) đã được hoàn thành

Sở TT&TT đang xây dựng Nghị quyết liên tịch thực hiện chuyển đổi số nâng cao trong năm 2022, đồng thời báo cáo UBND về mục tiêu 100% sở, ngành ban hành kế hoạch chuyển đổi số năm nay.


Trường học chuyển đổi số

Từ tháng 3 đến tháng 6/2022, Sở TT&TT Yên Bái đã phối hợp với Sở GD&ĐT lập kế hoạch thí điểm chuyển đổi số tại 2 trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành và THCS Quang Trung. Kết quả đã hoàn thành 9/10 chỉ tiêu, đạt tỷ lệ 90%.

Sở TT&TT đã báo cáo UBND tỉnh mục tiêu đến năm 2025, 100% các trường học hoàn thành chuyển đổi số.


Tổ chuyển đổi số cộng đồng

Các Tổ công nghệ số cộng đồng đã được thành lập tại 100% xã, phường, thị trấn của Yên Bái. Tổng số thành viên các Tổ chuyển đổi số cộng đồng là 8.526, chiếm gần 1% dân số tỉnh.

Sở TT&TT tỉnh đã tập huấn cho các Tổ chuyển đổi số cộng đồng những kiến thức cơ bản về công nghệ số; kỹ năng, hướng dẫn triển khai Sổ tay Đảng viên điện tử; tập huấn triển khai nền tảng VOVbacsi24 và các nền tảng sàn thương mại điện tử Vỏ Sò, PostMart.


Sổ tay Đảng viên điện tử

Trong 3 tháng (từ tháng 3 đến hết tháng 5), Yên Bái đã thí điểm triển khai nền tảng sổ tay Đảng viên điện tử tại 61 chi bộ, cài đặt nền tảng cho 1.736 Đảng viên trực thuộc 3 tổ chức Đảng. Đến nay, 100% các chi bộ đã sử dụng nền tảng trong sinh hoạt chi bộ định kỳ hàng tháng.

Nền tảng Sổ tay đảng viên điện tử dự kiến sẽ được mở rộng triển khai tới tất cả các chi bộ trực thuộc Đảng bộ Yên Bái từ tháng 9.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã đồng ý chủ trương mở rộng triển khai nền tảng Sổ tay Đảng viên điện tử tới tất cả các chi bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh Yên Bái, bắt đầu từ tháng 9/2022.


Huyện chuyển đổi số

Sở TT&TT đang phối hợp với huyện Văn Yên triển khai thí điểm mô hình “Huyện chuyển đổi số” với 41 chỉ tiêu cụ thể. Đến nay, đã hoàn thành 38/41 chỉ tiêu, đạt 92,7%. Trên cơ sở kết quả tại huyện Văn Yên, Sở sẽ hoàn thiện mô hình chuyển đổi số cấp huyện và đề xuất UBND tỉnh nhân rộng ra các huyện, thị xã, thành phố trong năm 2022.


Công dân số

Sở TT&TT đang phối hợp với thành phố Yên Bái thí điểm mô hình công dân số với mục tiêu trong năm 2022, 70% công dân trưởng thành của thành phố Yên Bái trở thành công dân số.

Mô hình thí điểm công dân số đưa ra 6 chỉ tiêu chính: Có thiết bị thông minh kết nối Internet; được hướng dẫn kiến thức, kỹ năng cơ bản sử dụng các nền tảng số, sử dụng Internet an toàn; cài đặt nền tảng số hỗ trợ, tư vấn khám sức khỏe từ xa; cài đặt nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt; cài đặt nền tảng mua sắm trực tuyến; cài đặt nền tảng học, tự học.


“Yên Bái mong muốn nhận được chia sẻ của các địa phương khác về các mô hình chuyển đổi số mà tỉnh đang làm để từng bước hoàn thiện hơn, triển khai hiệu quả theo tinh thần chuyển đổi số là quá trình, không phải đích đến” , đại diện Sở TT&TT Yên Bái nhấn mạnh.


Vân Anh

Chia sẻ Facebook