7 lầm tưởng tai hại về đột quỵ

Chia sẻ Facebook
17/10/2022 21:02:14

Đột quỵ thường khởi phát đột ngột và diễn biến khó lường, do vậy khi xảy ra đột quỵ nếu xử lý sai cách sẽ mất đi cơ hội hồi phục của bệnh nhân.

Dưới đây là bạn nên tránh:


Sai lầm 1: Không đưa bệnh nhân tới viện ngay

Theo bác sĩ BSCKI Phạm Văn Cường, khoa Đột quỵ não (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), không ít trường hợp bệnh nhân đột quỵ không được đưa tới viện kịp thời vì người nhà chờ bệnh nhân tỉnh lại mới đưa tới viện. Lý do là nhiều người có suy nghĩ "sợ bệnh nhân đang chảy máu não nên vận chuyển khiến bệnh nhân nặng hơn". Đây là một lầm tưởng tai hại, nguy hiểm cho bệnh nhân, mất đi thời gian "vàng" hồi phục.

Theo chuyên gia, tế bào não rất nhạy cảm với việc thiếu oxy. Khi mạch máu não bị tổn thương, cứ 1 phút trôi qua sẽ có 2 triệu tế bào não bị mất đi và ảnh hưởng rất nhiều đến chức năng của bệnh nhân sau này.

Bác sĩ Cường cho biết khi bệnh nhân xảy ra đột quỵ, người nhà cần gọi ngay cấp cứu 115 để bệnh nhân được đưa tới bệnh viện sớm nhất. Bệnh nhân sẽ được cấp cứu dùng thuốc tiêu sợi huyết, tái thông mạch máu. Thời gian dùng thuốc tiêu sợi huyết tốt nhất là trong vòng 3 - 4,5 sau khi xảy ra đột quỵ. Còn can thiệp tái thông bằng dụng cụ thì tốt nhất là trong 6 tiếng.

Nếu quá thời gian trên, việc can thiệp sẽ không còn hiệu quả do tổn thương quá nhiều. Bệnh nhân mất khả năng phục hồi, để lại di chứng lớn như liệt, hôn mê, thậm chí tử vong. Các bệnh nhân chảy máu não cũng cần được đưa đến bệnh viện sớm để sử dụng các biện pháp cầm máu, kiểm soát huyết áp, chống phù não và các biện pháp điều trị khác thích hợp.


Sai lầm 2: Châm kim 10 đầu ngón tay cho người đột quỵ

Bác sĩ Cường cho hay đây là "mẹo" được truyền tai rất nhiều. Bác sĩ Cường khuyến cáo việc châm kim vào đầu ngón tay cho chảy máu không thể cứu được người bệnh, ngược lại còn khiến bệnh tình nặng hơn. Khi châm kim, bệnh nhân sẽ bị đau, dẫn tới tăng huyết áp. Châm kim vào ngón tay cũng làm mất đi thời gian vàng của bệnh nhân.

Châm kim vào ngón tay cũng làm mất đi thời gian giờ vàng của bệnh nhân


Sai lầm 3: Tự ý sử dụng các loại thuốc điều trị hoặc phòng đột quỵ

Bác sĩ Cường khẳng định bệnh nhân không nên tự ý sử dụng ác loại thuốc dự phòng hoặc điều trị đột quỵ. Việc này không có lợi, thậm chí các loại thuốc này còn có thể gây hại đến sức khỏe người sử dụng.


Sai lầm 4: Cạo gió khi bị đột quỵ

Bác sĩ Cường cho biết khi bệnh nhân bị đột quỵ thường có những biểu hiện như tê bì chân tay, liệt chân tay hoặc nửa người, mặt lệch, nói khó, chóng mặt, đau đầu… Chính vì những biểu hiện này nên nhiều người cho rằng người bệnh bị cảm và tiến hành đánh gió, cạo gió mà không đi khám ngay, làm mất thời gian vàng điều trị.


Sai lầm 5: Chủ quan, bỏ qua dấu hiệu đột quỵ

Rất nhiều trường hợp chủ quan, thấy hơi tê tay nhưng không nghĩ đến đột quỵ nên đợi xem có đỡ hay không. Khi liệt, bệnh nhân tới viện đã rơi vào hôn mê.

Bác sĩ Cường cho hay điển hình là bệnh nhân 74 tuổi bị liệt nhẹ, nói khó, hơi méo miệng nhưng chủ quan không tới viện. Nam bệnh nhân đi ngủ để xem sáng mai có đỡ không. Sáng hôm sau khi tỉnh dậy, bệnh nhân đã liệt nửa người, lơ mơ. Bệnh nhân tới viện cấp cứu đã quá mất giờ can thiệp. Vài ngày sau, bệnh nhân đi vào hôn mê.

Trường hợp bệnh nhân này đã được cứu sống nhưng bị di chứng rất nặng nề đó là liệt người.

Hay như bệnh nhân nam 76 tuổi có tiền sử chóng mặt tiền đình. Trước lúc đi ngủ, bệnh nhân nói với người nhà thấy choáng váng nên đi ngủ sớm, hôm sau, người nhà gọi dậy thì bệnh nhân đã hôn mê. Tại bệnh viện, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị nhồi máu não toàn bộ bán cầu não, sau đó bệnh nhân tử vong.


Sai lầm 6: Nghe theo lời đồn vô căn cứ về đột quỵ

Bác sĩ Cường cho biết có nhiều lời đồn vô căn cứ về đột quỵ như "thực dưỡng đánh bay đột quỵ và tập luyện theo môn phái để điều trị đột quỵ".

"Tôi đã từng có bệnh nhân vào viện điều trị và được chỉ định dùng thuốc thường xuyên, tuy nhiên khi về nhà, bệnh nhân nghe lời đồn rằng tập môn thể dục theo môn phái sẽ giúp cải thiện bệnh. Tuần đầu tiên tập, sức khỏe ổn hơn nên bệnh nhân bỏ luôn dùng thuốc. Sau khi ngừng thuốc chưa đến 1 tuần thì bị đột quỵ, may mắn nhà ở Hà Nội nên được đưa vào viện sớm và giữ lại được tính mạng. Sau đó, bệnh nhân sợ không dám tập luyện môn phái ấy nữa", bác sĩ Cường nói.


Sai lầm 7: Nhầm với bệnh khác

Đột quỵ não nhẹ có những triệu chứng giống với liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên nên nhiều người đi tìm phương pháp điều trị chưa đúng. Do vậy, khi có các triệu chứng như méo mặt, khó nói, ăn rơi vãi, bệnh nhân cần đến viện gấp để bác sĩ thăm khám và tìm nguyên nhân chính.

Chia sẻ Facebook