60% doanh nghiệp hài lòng với cơ chế 1 cửa quốc gia
Khoảng 60% doanh nghiệp hài lòng việc thực hiện thủ tục hành chính qua 1 cửa quốc gia và các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành.
Đây là kết quả khảo sát của Tổng cục Hải quan với Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Tại Hội nghị công bố kết quả khảo sát được tổ chức vào 3/11, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội cho rằng các thủ tục hành chính đã có nhiều cải cách đáng kể, nhưng vẫn cần phải tiếp tục thông thoáng hơn nữa.
Tiết kiệm thời gian từ 26 - 54%, tiết kiệm chi phí từ 18 - 82%, việc bảo mật tốt, đây là đánh giá của hơn 3.000 doanh nghiệp được tham gia khảo sát về cơ chế 1 cửa quốc gia .
Bên cạnh những mặt tích cực, 64% doanh nghiệp cho biết họ vẫn gặp sự cố trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính và có 59% doanh nghiệp cho biết họ gặp ít nhất một khó khăn nào đó trong quá trình kiểm tra chuyên ngành.
Cuộc khảo sát được thực hiện trong một năm với 12 thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành. Nhiều chuyên gia cũng nhận định thực hiện thủ tục trên cổng thông tin 1 cửa quốc gia đã giúp các doanh nghiệp giảm đáng kể thời gian và chi phí, nhưng 60% doanh nghiệp hài lòng vẫn chưa cao, vẫn còn nhiều dư địa để các bộ ngành tiếp tục cải cách hơn.
"Các con số đạt ở mức trung bình từ 40 - 60%, rất ít đạt 70%. Nhiều cải cách và nỗ lực của chúng ta đáng được ghi nhận, nhưng vẫn đang ở mức trung bình", ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, đánh giá.
"Đối với ngành thực phẩm, chỉ Cục An toàn thực phẩm và 2 đơn vị là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thực hiện được dịch vụ công cấp độ 4. Tuy nhiên từ năm 2018 đến nay, sau 4 năm, vẫn không có gì thay đổi, vẫn chỉ nguyên 3 đơn vị đó trên toàn quốc, còn tất cả đơn vị khác của an toàn thực phẩm vẫn làm hồ sơ giấy", ông Nguyễn Hoàng Huy, Đại diện Tiểu ban Thực phẩm Dinh dưỡng của EuroCham, cho biết.
Hiệp hội Logistics Việt Nam tính toán, trong thời gian tới, chỉ cần chuyển đổi thủ tục thanh lý tờ khai tại cảng từ thủ công sang điện tử là các doanh nghiệp logistics đã có thể tiết kiệm được 500 triệu USD 1 năm.
"Cỡ 500 triệu USD 1 năm. Đấy chính là chi phí giao dịch mà các doanh nghiệp phải bỏ ra, nếu như vẫn tiếp tục thực hiện thủ tục thanh lý tờ khai tại cảng bằng thủ công", ông Trần Đức Nghĩa, Ủy viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, cho hay.
Tính đến ngày 17/10 năm nay, cơ chế 1 cửa quốc gia đã có 250/261 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối, với gần 5 triệu bộ hồ sơ của hơn 55.000 doanh nghiệp.