6 yếu tố định hình chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine
Với việc hồi kết của xung đột Nga-Ukraine còn rất xa, các chuyên gia đánh giá 6 yếu tố lớn sẽ ảnh hưởng đến quỹ đạo của cuộc giao tranh trong những tháng tới.
Khi xung đột Nga -Ukraine có xu hướng kéo dài sang năm mới, những gì xảy ra trong vài tháng tới sẽ phần nào giúp trả lời câu hỏi liệu các lực lượng của Moscow có thể ngăn chặn hoặc thậm chí đảo ngược đà tiến của quân đội Ukraine trên chiến trường hay không.
Thời tiết mùa đông khắc nghiệt
Mùa lầy lội ở Ukraine vẫn chưa kết thúc. Nhiệt độ đã giảm xuống mức có thể tạo băng nhưng vẫn chưa đủ để làm cứng mặt đất. Ngay cả những phương tiện bánh xích cũng phải vật lộn để di chuyển qua những địa hình không được trải nhựa. Trên phần lớn chiến tuyến phân chia các lực lượng Nga và Ukraine, nhịp độ của cuộc xung đột đã chậm lại.
Nói chung, các chỉ huy của cả hai bên đang theo dõi và chờ đợi băng giá mùa đông đủ độ để mở ra một cơ hội mới cho các hoạt động tấn công. “Một khi mặt đất chắc chắn hơn, tôi tin rằng chúng tôi sẽ tiếp tục các cuộc phản công và chiến dịch giải phóng đất đai của chúng tôi”, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov cho biết hôm 25/12.
Một khi mặt đất cứng lại và sông suối ao hồ cũng thành mặt băng bằng phẳng – dự kiến vào giữa tháng 1/2023, có khả năng cường độ của cuộc xung đột sẽ gia tăng. Điều đó có thể sẽ có lợi cho Ukraine, bên đã chứng tỏ mình có khả năng điều động quân sự nhanh hơn. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết như vậy cũng sẽ gây khó khăn hơn cho các lực lượng tiến công trong việc xây dựng trận địa và bảo vệ các vị trí mới giành được.
Các lực lượng Ukraine được đánh giá có lợi thế hơn so với đối phương khi nhận được các thiết bị hiện đại chuyên dụng cho mùa đông do phương Tây viện trợ.
Đường tiếp tế của Ukraine ngắn hơn và quân đội Ukraine đang luân phiên ra vào tiền tuyến, cho phép họ nghỉ ngơi và hồi phục sức khỏe. Họ cũng tỏ ra có động lực cao hơn các lực lượng Nga.
Nếu thời tiết lạnh giúp ích cho các binh sĩ Ukraine ở tiền tuyến, thì nó sẽ khiến cuộc sống của thường dân trở nên khó khăn hơn khi cơ sở hạ tầng năng lượng và sưởi ấm trên khắp Ukraine bị hủy hoại.
Giao tranh ở Bakhmut
Giao tranh ở Donetsk đã biến thành tác chiến chiến hào trong những tháng gần đây với những trận chiến ác liệt trên từng đơn vị lãnh thổ và khu định cư xung quanh Bakhmut.
Nga được cho là coi thành phố này là mục tiêu chính, tin rằng việc chiếm được nó sẽ cho phép họ cắt đứt các tuyến tiếp tế của Ukraine và cho phép các lực lượng của họ tiến về phía Sloviansk và Kramatorsk ở phía Bắc Bakhmut.
Nỗ lực của Nga nhằm giành quyền kiểm soát thành phố Bakhmut ở khu vực Donetsk đã mang tầm quan trọng tâm lý vượt ra ngoài ý nghĩa chiến lược của nó.
Trong khi đó, Ukraine dường như đã nỗ lực rất nhiều trong việc bảo vệ Bakhmut để khiến càng nhiều quân Nga sa lầy ở đây càng tốt. Ngay cả khi Bakhmut thất thủ, các lực lượng của Kiev vẫn có thể thoải mái rút lui đến các vị trí cao hơn, dễ phòng thủ hơn.
Bộ Quốc phòng Anh gần đây đã chỉ ra rằng phần lớn giao tranh ở Bakhmut chỉ xảy ra ở khu vực trống trải nằm về phía đông thành phố. Nếu giao tranh di chuyển vào các khu vực đô thị, điều đó có thể sẽ có lợi cho bộ binh được đào tạo bài bản của Ukraine.
Các cuộc tấn công của Ukraine
Nhiều nhà phân tích quân sự tin rằng Ukraine vẫn giữ được phần lớn thế chủ động chiến lược của cuộc chiến sau khi nước này giành lại những vùng lãnh thổ quan trọng do Nga nắm giữ mùa thu vừa qua. Họ tin rằng Ukraine sẽ muốn tiếp tục tấn công trong mùa đông và nếu có thể sẽ đẩy lùi các lực lượng Nga.
Ông Mykola Bielieskov, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia có trụ sở tại Kiev, một cơ quan cố vấn được chính phủ Ukraine hậu thuẫn, cho rằng thời điểm của những cuộc tiến công tiếp theo không quan trọng.
“Nếu Ukraine có khả năng và nếu cơ hội tiến công đến vào mùa đông, chúng ta có thể làm điều đó ngay trong mùa đông mà không cần đợi đến mùa xuân và ngược lại”, ông nói.
Các nhà phân tích quân sự cho biết có hai hướng rõ ràng cho các cuộc tấn công của Ukraine. Đầu tiên sẽ nhắm vào một tuyến đường giữa các thành phố phía đông Svatove và Kreminna ở vùng Luhansk, nối với đường cao tốc quan trọng R-66. Mục tiêu thứ hai sẽ nhằm vào các thành phố Melitopol và Berdyansk ở vùng Zaporizhzhia ở phía Nam. Nếu Ukraine thành công ở các khu vực này, họ sẽ có thể cắt đứt các tuyến tiếp tế và liên lạc chính giữa Nga và Crimea.
Phòng tuyến của Nga
Sau khi rút lui khỏi Kherson, quân Nga đã hình thành một tuyến phòng thủ mới, với tiền tuyến ngắn hơn. Các ước tính của phía Ukraine chỉ ra rằng mặt trận đã thu hẹp từ khoảng 700 dặm (1.126 km) xuống còn khoảng 550 dặm (885 km), trong đó 240 dặm (386 km) được tạo thành từ các rào chắn tự nhiên như sông suối. Và người Nga hiển nhiên có thể ngăn chặn mọi hướng tấn công mà người Ukraine định sử dụng.
Các lực lượng của Moscow đã đào chiến hào để bảo vệ phần lớn mặt trận và xa hơn nữa, với tuyến phòng thủ kéo dài đến Crimea và thậm chí đến các bãi biển ở đó để ngăn chặn các cuộc đổ bộ tiềm tàng của quân Ukraine. Các đội hình đang được xây dựng theo chiều sâu, khi Nga triển khai thêm quân dự bị.
Người Ukraine sẽ có thể nhìn thấy nơi đối phương xây dựng trận địa, và mùa cây khô lá rụng vừa qua đã khiến các vị trí của Nga trở nên khó che giấu hơn.
Các khu vực rộng lớn mà các lực lượng Nga đang đào bới cho thấy Moscow đang “chuẩn bị cho bất kỳ tình huống bất ngờ nào có thể xảy ra”, theo ông Bielieskov.
Còn ông Michael Clarke, giáo sư nghiên cứu quốc phòng tại Đại học King’s College London, cho rằng Nga dường như “hy vọng điều gì đó sẽ xảy ra”, chẳng hạn như sự hỗ trợ của phương Tây sẽ “bốc hơi” trong mùa đông lạnh giá, hoặc sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine sẽ suy yếu khi ảnh hưởng của Đảng Cộng hòa gia tăng.
Nhưng cũng không thể loại trừ việc sự ủng hộ mà Nga nhận được từ các đồng minh cũng bị suy yếu.
Mặt trận thứ hai
Các quan chức cấp cao của Ukraine gần đây cho rằng Nga đang chuẩn bị cho các cuộc tấn công lớn hơn nữa ở Ukraine, với kế hoạch kết hợp một nửa trong số 300.000 quân dự bị chưa được gửi ra mặt trận với các đơn vị hiện có để tiến hành một cuộc tấn công vào đầu năm tới. Điều này có thể bao gồm một cuộc tấn công về phía thủ đô Kiev từ lãnh thổ Belarus.
Nhưng ông Phillips O’Brien, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học St. Andrews ở Scotland, không cho rằng một cuộc tấn công tổng lực từ Belarus vào Kiev có thể sẽ sớm xảy ra. “Sẽ cần có kế hoạch và tập hợp lực lượng”, ông nói, và “cả hai điều này đều tương đối dễ quan sát thấy”.
Các sự kiện bên ngoài Ukraine
Nếu Nga đang hy vọng sự ủng hộ của phương Tây sẽ dao động, thì điều đó vẫn chưa xảy ra. Chuyến thăm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tới Washington trong tháng này chứng tỏ rằng sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine vẫn vững chắc. Cho đến nay, sự hỗ trợ từ các chính phủ châu Âu dường như vẫn được duy trì ngay cả khi các nền kinh tế suy yếu dưới sức nặng của việc giá năng lượng leo thang.
Nằm trong gói hỗ trợ mới nhất của Mỹ là khẩu đội phòng không Patriot đầu tiên giúp bảo vệ lưới điện của Ukraine và các cơ sở hạ tầng khác khỏi các cuộc tấn công từ máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo và hành trình.
Đại sứ quán Nga tại Washington gọi động thái Mỹ chuyển giao Patriot cho Ukraine là một “bước đi khiêu khích có thể dẫn đến những hậu quả khó lường”.
Tuy nhiên, để vận hành Patriot, các lực lượng Ukraine sẽ cần thời gian tiếp nhận huấn luyện. Điều đó nghĩa là ít nhất phải đến mùa xuân hệ thống này mới có thể được đưa vào sử dụng.
Trong khi giao tranh có vẻ đóng băng trên thực địa, một số nhà lãnh đạo tiếp tục nói về các điều kiện để khôi phục hòa bình ở Ukraine.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng phương Tây nên đảm bảo an ninh cho Nga như một phần của bất kỳ cuộc đàm phán nào nhằm chấm dứt đụng độ quân sự ở Ukraine.
Nhưng đàm phán hòa bình còn lâu mới xảy ra. Ông Zelenskyy tuyên bố rằng mục tiêu của Ukraine là giành lại tất cả lãnh thổ đã mất kể từ năm 2014, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra tham vọng theo chủ nghĩa tối đa và mô tả cuộc xung đột là một phần của cuộc đấu tranh lâu dài giữa Nga và phương Tây .
Minh Đức (Theo WSJ, Newsweek)