6 tháng đầu năm 2022, Viettel đạt mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 4 năm

Chia sẻ Facebook
10/08/2022 13:41:48

Theo công bố của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) ngày 7/8, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022, Viettel đạt mức tăng trưởng 2 con số. Đây là mức tăng trưởng cao nhất mà Viettel đạt được trong vòng 4 năm trở lại đây.

Tại thị trường Việt Nam, Viettel tiếp tục giữ vững vị trí số 1 về viễn thông với 54% thị phần thuê bao di động và trên 40% thị phần thuê bao internet cáp quang FTTH.

6 tháng đầu 2022, Viettel đã có nhiều chính sách thu hút khách hàng sử dụng công nghệ 2G, 3G lên hạ tầng 4G, đạt lũy kế gần 40 triệu thuê bao 4G, nâng tỷ trọng thuê bao 4G lên gần 75%; phát sóng 168 trạm 5G tại 24 tỉnh, thành. Viettel đặt mục tiêu trong năm 2022 sẽ thử nghiệm 5G tại toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Lĩnh vực viễn thông nước ngoài của Viettel tăng trưởng gần gấp đôi tăng trưởng của viễn thông thế giới. Doanh thu dịch vụ của Viettel tăng trưởng tại tất cả 9/9 thị trường so với cùng kỳ. Trong đó, 6/9 thị trường có mức tăng trưởng 2 con số gồm Movitel (Mozambique) 38,6%; Mytel (Myanmar) 79,6%; Natcom (Haiti) 28,6%; Lumitel (Burundi) 22,4%; Telemor (Timor Leste) 15,9% và Halotel (Tanzania) 14,2%.

Trong lĩnh vực giải pháp công nghệ thông tin và dịch vụ số, Viettel đẩy mạnh kinh doanh các dịch vụ mới như TV 360, Viettel Money, eSport, các giải pháp cho ngôi nhà thông minh (smart home) và camera an ninh…

Viettel đồng thời bắt đầu quá trình xúc tiến đưa các sản phẩm công nghệ ra thị trường quốc tế như các dịch vụ B2B tại Myanmar; dịch vụ an toàn thông tin mạng tại Đức; hợp tác với Tập đoàn công nghệ Nvidia (Mỹ) mở rộng hệ thống kinh doanh với các công ty trí tuệ nhân tạo (AI) trên toàn cầu; kinh doanh thiết bị mạng viễn thông, máy thông tin tại một số thị trường Đông Nam Á, Nam Á; xuất khẩu cáp quang….

Trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất, Viettel có lực lượng sẵn sàng tham gia huấn luyện, chiến đấu với khả năng làm chủ các trang thiết bị công nghệ cao trên cả môi trường thực và môi trường số do chính Viettel nghiên cứu, sản xuất. Về lĩnh vực thương mại điện tử và logistics, Viettel đã xây dựng chiến lược đầu tư hạ tầng logistics, tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt trong lĩnh vực bán lẻ và phân phối.

Phát biểu tại hội nghị sơ kết, Đại tá Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel cho biết: "Năm 2022 là năm thứ 3 Viettel tuyên bố chuyển dịch thành một công ty công nghệ, công ty cung cấp dịch vụ số. Viettel sẽ tiếp tục hành trình tiên phong trong việc tận dụng những công nghệ này để mang đến hạnh phúc cho người dân, sự thịnh vượng cho đất nước; trở thành doanh nghiệp số 1 về an ninh mạng, về các sản phẩm chuyển đổi số để xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số… Viettel cũng sẽ cộng hưởng các nguồn lực cả trong và ngoài Viettel, cả trong và ngoài Việt Nam để có các sản phẩm số đột phá, dẫn dắt thị trường".

Trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu hợp nhất của Viettel đạt 79,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ Tập đoàn đạt gần 72.000 tỷ đồng, tăng 11,6%. Lợi nhuận trước thuế của Viettel đạt 26,6 nghìn tỷ đồng, tăng 21,7% so với cùng kỳ.

Chia sẻ Facebook