6 loại vũ khí mới Trung Quốc có thể sắp đưa vào trang bị

Chia sẻ Facebook
20/06/2023 11:59:30

VietTimes – Trong tình hình ngày nay khi các loại tàu sân bay, máy bay chiến đấu, tên lửa đạn đạo của Trung Quốc đã đầy đủ, truyền thông Trung Quốc nói có thể vẫn còn nhiều vũ khí tối tân chưa được họ công bố.

Phối cảnh 1 trong 3 chiếc tàu đổ bộ tấn công Type-75 hiện có trong trang bị của quân đội Trung Quốc (Ảnh: Toutiao)

Trong số những vũ khí tối tân này, tới đây sáu loại có thể sẽ sớm được đưa vào sử dụng, chúng đều là những vũ khí được Trung Quốc coi là “quốc chi trọng khí” (vũ khí quan trọng của quốc gia) và “sẽ làm nản lòng kẻ xâm lược”. Đó là những vũ khí nào?

Tàu đổ bộ tấn công Type 076

Hiện Trung Quốc đã có các tàu đổ bộ tấn công Type 075, nhưng số lượng hiện tại mới chỉ có 3 chiếc, rất có thể trong tương lai sẽ đóng thêm một số tàu nữa.

Tuy nhiên, đối với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) Type 075 hiện tại vẫn còn một số khiếm khuyết, hoặc vẫn còn một số công nghệ mà Trung Quốc đã có được nhưng chưa được sử dụng trên Type 075, chẳng hạn như máy phóng điện từ.

Mô phỏng thiết kế tàu đổ bộ tấn công Type 076 (Ảnh: Twitter)

Nhiều người đã rất chú ý đến tin tức về "tàu đổ bộ tấn công kiểu máy phóng điện từ" của Trung Quốc, cộng với việc UAV trở nên nổi bật trên chiến trường Nga-Ukraine; nhiều người bắt đầu tin rằng trong tương lai Trung Quốc sẽ tung ra một kiểu tàu đổ bộ tấn công có thể phóng một số lượng lớn máy bay không người lái để cải thiện đáng kể năng lực tác chiến đổ bộ của PLA.

Tàu ngầm hạt nhân Type 096

Type 096 là tàu ngầm hạt nhân chiến lược thế hệ thứ ba của Trung Quốc. Hiện tại, tàu ngầm hạt nhân chiến lược chủ lực của Trung Quốc là Type 094, nhưng loại này đối với Trung Quốc hiện nay có rất nhiều vấn đề, vấn đề lớn nhất là nó không đủ lớn.

Lượng choán nước của tàu lặn Type 094 chỉ là 12.000 tấn, so với 24.000 tấn của tàu ngầm Borei (Борей) của Nga thì Type 094 chỉ lớn bằng một nửa.

Tàu ngầm càng lớn càng tốt, trong đó trực quan nhất là trang thiết bị hỗ trợ sự sống đầy đủ hơn, giúp thủy thủ đoàn tàu ngầm có thể lặn trong thời gian dài hơn.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các tàu ngầm hạt nhân lớp Typhoon do Liên Xô chế tạo có lượng choán nước trên 40.000 tấn, thậm chí bên trong còn được trang bị nhà thi đấu, bể bơi, bồn tắm nước nóng...

Nguyên nhân khiến Trung Quốc trước đây không thể chế tạo tàu ngầm hạt nhân hơn 20.000 tấn là: một mặt các tàu ngầm càng lớn thì phải đối mặt với vấn đề tiếng ồn lớn hơn; thứ hai là hệ thống công nghiệp quốc gia chưa đóng được vỏ tàu ngầm kích thước lớn.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Ty-094 của Trung Quốc (Ảnh: Toutiao).

Hai vấn đề khó này đã gây ra thử thách lớn cho Trung Quốc nên tàu ngầm hạt nhân Type 094 được đưa vào trang bị từ năm 2008, chỉ có lượng choán nước 9.000 tấn.

Ngoài ra, Type 094 hiện đã được trang bị 6 chiếc, theo chiến lược “phát triển từng bước nhỏ chạy nhanh” của Trung Quốc, con số này có nghĩa là trong tương lai Trung Quốc sẽ không đóng quá nhiều tàu Type 094, mà sẽ chỉ đóng các tàu ngầm hạt nhân chiến lược tiên tiến hơn.

Như tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 091 của Trung Quốc, trước đó đã đóng tổng cộng 5 chiếc và được đưa vào biên chế từ năm 1974. Type 094 nhiều hơn Type 091 và thời gian phục vụ cách Type 091 chưa đầy 30 năm. Theo kinh nghiệm này, có thể phải 10 năm nữa tàu Type 096 mới được đưa vào sử dụng.

Máy bay ném bom H-20

H-20 có thể nói là một chủ đề phổ biến trong giới hâm mộ quân sự Trung Quốc, bởi nó là chiếc duy nhất trong "Gia tộc 20" chưa lộ diện.

Và trước đó, nhiều nhân vật chính thức, đặc biệt là Dương Vĩ (Yang Wei), kỹ sư trưởng thiết kế J-20, đều bóng gió về sự tồn tại của H-20, vì vậy không khó để đoán ra tiến độ của loại máy bay ném bom này, rất có thể đã gần đưa vào phục vụ.

Về mặt định vị, loại máy bay ném bom này rất gần với máy bay ném bom chiến lược B-2 của Mỹ, đồng thời nó cũng là loại máy bay ném bom chiến lược có khả năng tàng hình.

Đối với Trung Quốc, giá trị lớn nhất của H-20 là tải trọng lớn. Tải trọng tối đa của H-6 là 9 tấn, tải trọng chiến đấu thực tế vào khoảng 3 đến 7 tấn.

Nếu H-20 tiến xa hơn trên cơ sở của B-2 thì tải trọng chiến đấu thực tế của loại máy bay ném bom này có thể lên tới hơn 15 tấn, điều này sẽ nâng cao đáng kể khả năng ném bom của PLA.

Hình vẽ mô phỏng máy bay ném bom H-20 (Ảnh: Toutiao).

Và nếu khả năng tàng hình của H-20 được cải thiện nhiều, nó cũng sẽ tăng cường hơn nữa mối đe dọa của PLA đối với các căn cứ của Mỹ ở đảo Guam và Hawaii.

Đảo Guam cách đại lục Trung Quốc 3.000 km, căn cứ ở Hawaii cách Trung Quốc đại lục 8.000 km, muốn tấn công nhanh ở khoảng cách xa như vậy chỉ có thể dựa vào tên lửa đạn đạo và máy bay ném bom chiến lược.

Vì vậy, sự tồn tại của H-20 sẽ giúp đảo ngược rất nhiều tình thế “Mỹ công Trung thủ” trong lĩnh vực quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ.

Chiến đấu cơ thế hệ thứ 6

Trong thế giới máy bay chiến đấu có một chuẩn tắc là máy bay ném bom có thể phục vụ rất lâu, nhưng máy bay chiếm ưu thế trên không thường bị đào thải đầu tiên.

Thông thường mà nói, máy bay chiếm ưu thế trên không là sản phẩm của công nghệ hàng không đỉnh cao, và là biểu tượng cho mức độ hướng nội cao của các cường quốc quân sự trong lĩnh vực không quân.

Để duy trì ưu thế trên không của mình, các cường quốc quân sự sẽ áp dụng công nghệ hàng không tiên tiến nhất của mình cho máy bay chiếm ưu thế trên không tuyến đầu, điều này cũng dẫn đến việc máy bay chiếm ưu thế trên không ở tuyến đầu thường chỉ có “tuổi thọ” của 20 năm hoặc lâu hơn.

Hình vẽ khái niệm máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu của Trung Quốc (Ảnh: Toutiao).

Chiến đấu cơ J-20 của Trung Quốc thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2011, đến nay đã 12 năm. Theo quy luật này, sẽ chỉ còn khoảng 10 năm trước khi có chuyến bay đầu tiên của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của Trung Quốc.

Hiện nay Trung Quốc đã sản xuất hàng loạt J-20, đang lên kế hoạch thiết kế máy bay thế hệ thứ 6.

Tại Triển lãm hàng không quốc tế Chu Hải trước đây, mô hình ý tưởng của máy bay thế hệ thứ sáu Trung Quốc đã được tiết lộ, trước đó, Đại học Công nghiệp Tây Bắc cũng tiết lộ một nhóm thiết kế đã đưa ra 8 loại phương án cho máy bay thế hệ thứ 6.

Vì vậy, chiếc máy thế hệ thứ 6 dường như vẫn nằm ngoài tầm với, nhưng thực sự đang có tiến độ tốt.

Tên lửa Dongfeng-27 (DF-27)

DF-27 là tên lửa đạn đạo tầm trung - xa với tầm bắn tối đa 8.000 km.

Sở dĩ loại tên lửa này được săn đón chủ yếu là do các tài liệu do Mỹ rò rỉ có đề cập đến sự tồn tại của DF-27, đồng thời Mỹ cũng quan sát được vụ phóng thử DF-27.

Điều này cho thấy DF-27 không chỉ tồn tại mà tiến độ còn rất tốt, đã ở vào giai đoạn bắn thử nghiệm. Đối với Trung Quốc, vai trò chính của loại tên lửa có tầm bắn 8.000 km như vậy là đối phó với căn cứ hải quân Mỹ ở Hawaii.

Hình vẽ mô phỏng vụ phóng thử tên lửa tuyệt mật DF-27 (Ảnh: Toutiao).

Căn cứ Hải quân Hawaii là điểm tựa của Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương, nếu nó bị phá hủy thì Hải quân Mỹ muốn tấn công Trung Quốc phải xuất phát từ lục địa Mỹ.

Ngoài ra, tầm bắn của DF-27 cũng gây ngạc nhiên. Tóm lại từ DF-21 đến DF-26, và bây giờ là DF-27, tầm bắn của tên lửa đạn đạo thông thường của Trung Quốc ngày càng xa hơn, đã đạt tới tầm bắn của tên lửa liên lục địa.

Điều này không khỏi khiến người ta suy nghĩ đến một vấn đề, nếu tên lửa thông thường của Trung Quốc cũng có thể đạt được tầm bắn 10.000 km, điều đó có nghĩa là lục địa Mỹ bất cứ lúc nào cũng nằm trong tầm ngắm của tên lửa thông thường Trung Quốc. Khi đó, cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ xảy ra nhiều tình huống bất ngờ.

Tên lửa Dongfeng-51 (DF-51)

Tên lửa DF-51 của PLA được coi là tương đương, thậm chí trội hơn tên lửa Sarmat của Nga (Ảnh: Toutiao).

Hiện tại, tên lửa liên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn của Trung Quốc chủ yếu là DF-41, nhưng tầm bắn của DF-41 vẫn còn chút vấn đề, bởi vì nó phải bay qua Bắc Cực để bao phủ toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ, nếu bay qua Thái Bình Dương thì có chút miễn cưỡng.


Theo tiết lộ của trang Zhihu , ý tưởng và mục tiêu thiết kế DF-51 sẽ là mẫu tên lửa liên lục địa mang 10 đầu đạn có thể cùng lúc tấn công các mục tiêu khác nhau, tầm bắn 15.000km, sử dụng 3 phương pháp dẫn đường hỗn hợp gồm quán tính, thiên văn và hệ thống Beidou. Đây sẽ là loại “vũ khí ngày tận thế” của PLA, có thể mạnh hơn tên lửa Sarmat của Nga.

Cùng với nhiều khía cạnh khác của thiết kế tên lửa đạn đạo, theo phía Trung Quốc, việc họ nhanh chóng sản xuất và đưa ra tên lửa liên lục địa DF-51 hoàn toàn mới cũng là điều bình thường.


Theo Toutiao

Chia sẻ Facebook