6 loài có vẻ ngoài siêu thực ngỡ như sinh vật từ hành tinh khác "lạc trôi" tới Trái Đất
6 loài vật có đặc điểm kỳ lạ này khiến hầu hết những ai lần đầu thấy đều ngỡ ngàng tưởng chúng vừa từ hành tinh khác ghé thăm Trái Đất.
1. Cá mắt trống
Cá mắt trống có tên gọi tiếng Anh là Barreleye fish hay Macropinna microstoma là một loài cá có vẻ ngoài độc đáo vừa được các nhà khoa học tìm thấy. Kỳ lạ là cá mắt trống có một cái đầu trong suốt, có thể nhìn thấy rõ mọi cơ quan bên trong của nó.
Thế nhưng điểm đặc biệt của cá mắt trống không chỉ ở cái đầu mà còn là đôi mắt hình ống của chúng. Nguyên nhân là bởi chúng sống ở vùng biển sâu từ 600-800m, nơi không ánh sáng không chiếu tới được nên đôi mắt đã phát triển trở nên cực nhạy để phát hiện ra con mồi.
Đôi mắt hình ống của chúng có thể quay từ dạng nằm ngang sang thẳng đứng và nằm trong một bộ phận hình khiên chứa đầy dịch lỏng trong suốt trên đầu. Khi nó hướng mắt lên trên, nó có thể nhìn xuyên qua cái đầu trong suốt của mình để tìm kiếm con mồi. Trong làn nước biển, đôi mắt của cá mắt trống phát ra tia sáng màu xanh lá cây rất đẹp mắt.
2. Bọ Picasso
Bọ Picasso hay còn được gọi là bọ Zulu hud là một loài côn trùng thuộc nhóm Sphaerocoris annulus. Chúng sống chủ yếu ở Châu Phi và được tìm thấy ở sa mạc Sahara nóng bỏng. Sở dĩ loài bọ này được đặt tên theo tên của danh họa Picasso bởi những màu sắc sặc sỡ trên cơ thể. Theo các nhà khoa học, bọ Picasso sử dụng màu sắc để phát ra lời cảnh báo những kẻ săn mồi nên tránh xa mình. Bọ Picasso dù được mệnh danh là một trong những loài côn trùng đẹp nhất nhưng thực chất chúng vẫn có họ hàng với bọ xít nên có thể toát ra mùi vô cùng khó chịu.
3. Chim bắt ruồi Hoàng gia Amazonian
Nhìn từ xa, chim bắt ruồi Hoàng gia Amazonian rực rỡ như một vũ công trong lễ hội Carnaval vậy. Với chiếc mào nhiều màu sắc, chim bắt ruồi Hoàng gia Amazonian chưa bao giờ vắng mặt trong các bảng vàng xếp hạng những chú chim có bộ lông đẹp nhất thế giới.
Mô tả khoa học của chim bắt ruồi Hoàng gia Amazonian lần đầu được công bố vào năm 1776 bởi nhà động vật học người Đức Philipp Ludwig Statius Müller. Nhà khoa học này đã đặt cho chúng cái tên coronatus, theo tiếng Latinh nghĩa là vương miện, xuất phát từ chiếc mào trên đầu chúng.
Chim bắt ruồi Hoàng gia Amazonian sống chủ yếu ở Nam Mỹ. Chúng được thành 2 phân loài, trong đó, một loài sống ở dãy Andes thuộc lãnh thổ từ Colombia đến Venezuela và Peru, loài còn lại – ở Venezuela, Guiana và Brazil.
Chim bắt ruồi Hoàng gia Amazonian có chiều dài từ 15 đến 17,5 cm. Chúng thường làm tổ trên cây, gần mặt nước để tránh kẻ thù. Thức ăn của chúng thường là các loại côn trùng.
4. Rồng bay
Nếu bạn cho rằng rồng chỉ có truyền thuyết thì hẳn bạn đã nhầm, tại Philippines thực sự có 1 loài rồng tồn tại. Đó chính là loài rồng bay Philippines. Tuy nhiên, loài rồng bay này không có kích thước khổng lồ như những con rồng thường thấy trên phim ảnh, trái lại, chúng rất nhỏ và vô hại.
Trên thực tế, các nhà khoa học đã xác định rằng rồng bay là một loài bò sát có tên gọi là thằn lằn Draco. Chúng sống trong các khu rừng ở Philippines. Rồng bay có vẻ ngoài khá bắt mắt, thân hình nhỏ bé, thon dài, đặc biệt là trên người có mang có thể xòe ra như những đôi cánh. Rồng bay nhờ có đôi cánh này có thể dễ dàng bay lượn và săn mồi. Ngoài ra chúng còn sử dụng khả năng của mình để tìm bạn tình.
5. Thằn lằn cá sấu Mexico
Thằn lằn cá sấu Mexico sở dĩ được gọi tên như vậy là bởi chúng có vẻ bề ngoài giống như cá sấu. Loài thằn lằn này được phát hiện vào năm 1864 bởi Edward Drinker Cope, một nhà chăn nuôi người Mỹ. Thằn lằn cá sấu Mexico có màu xanh đặc trưng rất đẹp mắt. Thế nhưng, màu sắc của chúng có thể thay đổi tùy theo ánh sáng UVB mà chúng tiếp xúc. Chúng thường có màu xanh lá cây khi tiếp xúc với ánh sáng Mặt trời nhưng nếu đặt dưới ánh sáng UVB thì chúng sẽ chuyển sang màu xanh mòng két.
Chiều dài thân của thằn lằn cá sấu Mexico khoảng 150 -160 mm, đuôi dài 171-210 mm. Chúng là loài di chuyển chậm chạp và có xu hướng cắn khi bị đe dọa. Tuy nhiên thằn lằn cá sấu Mexico đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng do mất đi môi trường sống. Hiện chúng chỉ còn khoảng 100 cá thể.
6. Cá mặt trăng
Cá mặt trăng hay còn gọi cá mola là một loài cá biển thuộc bộ cá nóc, chúng thường sinh sống ở vùng nước sâu và có nhiệt độ thấp ngoài đại dương. Loài cá này có hình dáng khá kỳ lạ. Chúng có thân hình bầu dục tròn ở phía trước và dẹt về phía đuôi. Toàn thân chúng được bao phủ bởi một lớp da trơn mỏng. Lớp da có màu xám hoặc nâu.
Chiều dài thân của cá mặt trăng có thể đạt từ 3,5-5,5m, nặng từ 1400 kg đến 1700 kg. Đặc biệt, miệng của chúng rất nhỏ, mỗi hàm có hai răng dính vào nhau tạo thành cái mỏ. Do cấu tạo miệng như vậy nên chúng không thể nuốt mồi to mà chỉ chuyên ăn giáp xác nhỏ và các phiêu sinh vật khác. Dù thân hình lớn nhưng do kích thước ngắn nên cá mặt trăng bơi rất yếu, chúng thường hay thả trôi thân theo dòng nước.
Cá mặt trăng là một trong những loài cá đẻ nhiều trứng nhất ở đại dương. Chúng chỉ mang thai trong 3 tuần, nhưng mỗi lần có thể đẻ khoảng 300 triệu trứng. Trứng của chúng trôi lơ lửng theo các dòng hải lưu. Cá mặt trăng khi còn nhỏ vẫn bơi bình thường như những loại cá khác, nhưng khi trưởng thành chúng mới bắt đầu trở nên lười biếng chỉ thả trôi theo các dòng hải lưu.