6 dấu hiệu nhiễm ký sinh trùng ở người

Chia sẻ Facebook
21/01/2024 05:05:45

Khi ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể người, nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời chúng sẽ hút máu hoặc chất dinh dưỡng của con người để sinh sôi, phát triển. Từ đó gây ra nhiều tác hại cho cơ thể như tổn thương gan, não, phổi, thận, suy dinh dưỡng, thiếu máu...

Nước ta có điều kiện khí hậu và tập quán sinh hoạt rất thuận lợi cho sự phát triển của ký sinh trùng như nhiễm giun, sán… nên việc phát hiện sớm nhiễm ký sinh trùng là vô cùng quan trọng.

Bệnh ký sinh trùng dễ xâm nhiễm khi có các yếu tố thuận lợi, nhất là tại các nước nhiệt đới có khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, đây là điều kiện tốt cho các loài ký sinh trùng dễ phát tán, sinh sôi. Ngoài ra, tập tục sinh hoạt cũng sẽ tạo điều kiện cho ký sinh trùng có cơ hội "tấn công" con người.

Ở nước ta do điều kiện khí hậu và tập tục sinh hoạt của một số địa phương nên dễ tạo điều kiện cho các loại ký sinh trùng phát triển. Điển hình như việc lấy phân động vật bón cho cây trồng như rau, cây ăn trái... đây sẽ là điều kiện để ký sinh trùng xâm nhiễm.

Ngoài ra, nhiều người không tuân thủ ăn chín, uống sôi. Đặc biệt ký sinh trùng có thể tồn tại trong thức ăn nấu chưa chín như thịt bò, thịt lợn, cá, cua, ếch hay rau sống… đây là nguồn mang rất nhiều mầm bệnh giun sán, đặc biệt là sán dây hay sán dải. Đáng lo ngại khi theo quan niệm của nhiều người, những thức ăn bổ dưỡng tươi sống như thịt tái không qua chế biến sẽ tốt, nhưng thực ra nó ẩn chứa mầm bệnh ký sinh trùng rất cao.


Dấu hiệu nhiễm ký sinh trùng ở người

Nhiễm ký sinh trùng có thể âm thầm hoặc có dấu hiệu cảnh báo, nhưng dễ trùng lặp với rất nhiều bệnh lý thường gặp. Ngoài ra, bệnh nhiễm ký sinh trùng do đa dạng chủng loại nên cũng có những biểu hiện khác nhau. Tuy nhiên, người nhiễm ký sinh trùng có thể gặp những biểu hiện dưới đây:


- Ngứa hoặc nổi mề đay

Bệnh ký sinh trùng ở người sẽ gây ra một số vấn đề trên da như phát ban đỏ, chàm, dị ứng. Ngoài ra, các chất thải từ ký sinh trùng tích tụ trong da lâu ngày sẽ dẫn đến sưng tấy, tổn thương da, gây viêm nhiễm.


- Sốt kéo dài

Nhiễm ký sinh trùng thường có dấu hiệu sốt kéo dài, có thể sốt cao kèm cơ thể rét run hoặc có thể sốt trong thời gian ngắn rồi cắt cơn. Đôi khi sốt kèm theo đau bụng, tiêu chảy, chán ăn…


- Bất thường ở hệ tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa hoặc có các biểu hiện tiêu chảy, đầy hơi, chướng bụng… là những dấu hiệu thường gặp ở người nhiễm ký sinh trùng đường tiêu hóa, nhưng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh đường ruột khác. Chất thải ký sinh trùng có thể gây táo bón, đầy hơi, buồn nôn... cho người nhiễm bệnh.


- Sụt cân, suy dinh dưỡng

Nhiễm ký sinh trùng gây ảnh hưởng đến hoạt động đường ruột. Cơ thể người bệnh dễ gặp triệu chứng như táo bón, chán ăn, đau bụng, tiêu chảy… Ngoài ra, một số loài ký sinh trùng hút máu và dinh dưỡng từ vật chủ, điều này sẽ khiến vật chủ bị sụt cân, thậm chí suy dinh dưỡng.


- Ngứa vùng hậu môn

Ngứa hậu môn là đặc trưng của người nhiễm giun, đặc biệt là giun kim. Người nhiễm thường bị ngứa quanh hậu môn vào ban đêm, khi giun cái đẻ trứng.


- Thiếu máu

Phần lớn ký sinh trùng sau khi ký sinh vào cơ thể người sẽ hút máu của vật chủ để duy trì sự sống, phát triển và sinh sôi. Do đó, người nhiễm ký sinh trùng nếu không được phát hiện có thể dẫn đến tình trạng bị thiếu máu.

Trên thực tế, khi ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể người có thể gây ra phản ứng ban đầu như sốt, ngứa. Những biểu hiện nhẹ ban đầu sẽ dễ dàng bị bỏ qua do nhầm lẫn với nhiều căn bệnh khác. Nhiều trường hợp nhiễm ký sinh trùng có biểu hiện âm thầm, chỉ được phát hiện khi vô tình đi khám sức khỏe định kỳ.

Tùy mỗi loại ký sinh trùng khác nhau, mà có các phương pháp xét nghiệm phù hợp như: Xét nghiệm phân, máu, sinh học phân tử PCR, ngoài ra có thể sử dụng thêm những phương pháp hỗ trợ để xác định chuẩn xác như máy CT, MRI… Vì vậy, khi có một trong các biểu hiện nghi ngờ thì cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.


Theo Sức khỏe& Đời sống

Chia sẻ Facebook