6 bài toán cần giải để thu hút khách du lịch quốc tế giai đoạn cuối năm 2022
Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh cho biết nhằm tận dụng cơ hội thu hút khách du lịch quốc tế những tháng cuối năm 2022, ngành du lịch Việt Nam cần tập trung giải quyết 6 vấn đề cơ bản.
Trong cuộc họp bàn về tình hình triển khai các giải pháp thúc đẩy phục hồi du lịch do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vào ngày 17/8, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau khi mở lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3 đến nay, ngành du lịch đã tập trung vào thị trường nội địa và đạt được những kết quả phục hồi ấn tượng.
Tổng thu đạt 316.000 tỷ đồng. Số doanh nghiệp lữ hành trở lại hoạt động và cấp phép mới đã tăng trở lại, với 2.563 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 1.060 doanh nghiệp lữ hành nội địa.
Sau đại dịch, 90% các cơ sở lưu trú hoạt động trở lại, đạt trên 55% công suất phòng với các ngày trong tuần, dịp cuối tuần đạt trên 95%, nhất là những điểm đến có sức hấp dẫn lớn. Hoạt động vận tải, hàng không đáp ứng khá tốt nhu cầu du khách nước ngoài.
Theo thống kê, từ đầu năm 2022 đến nay, ngành du lịch đã phục vụ gần 72 triệu lượt du khách trong nước (kế hoạch cả năm 2022 là 60 triệu lượt), 733.000 lượt du khách quốc tế.
Mặc dù vậy lượng khách du lịch quốc tế vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam đang tăng trưởng khoảng 50% - 75%, mức tăng cao thứ 4 thế giới. Đặc biệt là kể từ sau khi mở cửa hoàn toàn từ 15/3/2022, chỉ số này của Việt Nam đã liên tục duy trì mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới, hứa hẹn tốc độ phục hồi mạnh mẽ du lịch quốc tế của ngành Du lịch nước nhà.
Một là, làm mới sản phẩm du lịch.
Việc phát triển sản phẩm du lịch là một trong những vấn đề then chốt để tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế sau đại dịch. Du lịch Việt Nam tiếp tục tập trung đầu tư, phát triển và làm mới các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo đang được khai thác như: Du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa (bao gồm ẩm thực và di sản); du lịch sinh thái (bao gồm du lịch cộng đồng) và du lịch đô thị (bao gồm du lịch MICE). Trong đó, sản phẩm du lịch biển đảo đã được định hình rõ nét hơn với việc hình thành các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, giải trí chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Một số sản phẩm bổ trợ cũng được quan tâm phát triển: du lịch thể thao, du lịch kết hợp chữa bệnh, du lịch mạo hiểm… Bên cạnh đó, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng cần được quan tâm, đầu tư phát triển đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Hai là, đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực du lịch.
Sau hai năm bị tàn phá bởi làn sóng COVID-19, nguồn nhân lực du lịch suy giảm, nhiều nhân sự đã rời bỏ thị trường. Các địa phương và doanh nghiệp du lịch cần có chính sách thu hút nhân lực du lịch đã thôi việc, chuyển việc trở lại phục vụ trong ngành du lịch. Tăng cường các hoạt động liên kết hợp tác trong đào tạo nhân lực du lịch. Hợp tác đào tạo nhân lực du lịch giữa các địa phương trong cùng khu vực, giữa doanh nghiệp du lịch và các cơ sở đào tạo, hợp tác với các tổ chức quốc tế.
Ba là, nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến.
Trước đại dịch, thương hiệu Du lịch Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận được giới truyền thông chuyên ngành và khách du lịch quốc tế đánh giá cao. Năng lực cạnh tranh ngành Du lịch Việt Nam tăng 12 bậc (từ 75/141 nền kinh tế năm 2015 lên 63/140 nền kinh tế năm 2019), xếp từ 13/22 (tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương). Du lịch Việt Nam đã nhận được nhiều giải thưởng của Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (WTA).
Tuy nhiên, sau đại dịch các nước trong khu vực và trên thế giới chuẩn bị sẵn sàng bằng nhiều chính sách hỗ trợ để thu hút khách du lịch quay trở lại. Du lịch Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia và điểm đến trên toàn cầu. Vấn đề cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao sức hấp dẫn điểm đến hiện nay luôn là một trong những vấn đề quan trọng nhất để thu hút khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam.
Bốn là, đẩy nhanh chuyển đổi số trong ngành du lịch.
Năm là, đổi mới công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Các doanh nghiệp, các địa phương tập trung triển khai thật tốt Chiến dịch xúc tiến, quảng bá "Live fully in Vietnam" (Sống trọn vẹn tại Việt Nam). Phát huy hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, tổ chức chương trình giới thiệu du lịch, tham gia các hội chợ quốc tế ở nước ngoài.
Sáu là, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp du lịch.
Sau hai năm chịu tác động nặng nề do đại dịch COVID-19, doanh nghiệp cần có thời gian để phục hồi. Vì vậy, các chính sách hỗ trợ đang có cần tiếp tục kéo dài ít nhất đến hết năm 2023 như chính sách giảm giá điện, giảm thuế VAT, giảm tiền thuê đất, giảm phí cấp phép lữ hành, cấp thẻ hướng dẫn viên và các chính sách giảm giá vé tham quan, kích cầu du lịch của các địa phương.
Mộc An