5G có thể giải quyết được nhiều vấn đề trong y tế

Chia sẻ Facebook
02/06/2022 23:48:44

5G hứa hẹn tương lai về một hệ sinh thái y tế mới có thể đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân lẫn nhà cung cấp một cách hiệu quả và quy mô.

Thật khó để chỉ ra lĩnh vực nào không được hưởng lợi từ sự phát triển của công nghệ di động thế hệ thứ 5 (5G). Y tế cũng vậy. Giới chuyên môn đánh giá 5G sẽ tạo nên hệ sinh thái y tế mới có thể đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân lẫn nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách chính xác, hiệu quả, thuận tiện, tiết kiệm chi phí và theo quy mô lớn.

Trong bối cảnh đại dịch đã gây căng thẳng cho toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới, 5G càng được kỳ vọng làm nên sự biến đổi đặc biệt đến tất cả thành phần quan trọng cấu thành nên hệ thống chăm sóc sức khỏe ngày nay.


Tiềm năng từ thuở sơ khai

Kể từ những ngày đầu thử nghiệm 5G, tiềm năng của công nghệ này trong việc chuyển đổi ngành y tế thường xuyên được trích dẫn trong các nghiên cứu từ chẩn đoán đến phẫu thuật từ xa. Trong cuộc khảo sát của GSMA Intelligence đối với các hãng khai thác di động vào đầu 2020, 62% số người được hỏi cho rằng telehealth (theo dõi hằng ngày các chỉ số đo mà không cần thường xuyên đến phòng khám của bác sĩ) và telemedicine (chẩn đoán bệnh hoặc theo dõi người bệnh từ xa, cùng các dịch vụ y tế viễn thông nói chung) là những lĩnh vực mang lại tiềm năng phát triển lớn, cao hơn 12% so với ngành bảo mật và gần bằng phân tích dữ liệu hệ thống.

Việc hợp tác điều trị giữa các bác sĩ, chuyên gia y tế dễ dàng hơn với sự trợ giúp của 5G. Ảnh: China Daily.

Dù việc thực hiện phẫu thuật từ xa qua mạng di động vẫn cần nhiều năm để phát triển, rất nhiều ứng dụng sử dụng công nghệ kết nối mới đang được triển khai toàn cầu, bên cạnh các dự án thử nghiệm khác.

Tại Trung Quốc, y học từ xa đã được nghiên cứu trong 20 năm, nhưng công nghệ vẫn là một vấn đề lớn. Trong thời gian đại dịch covid-19 diễn ra, kết nối băng thông rộng di động (eMBB) của 5G hỗ trợ bệnh theo dõi sức khỏe từ xa, giảm mức độ phơi nhiễm khi hạn chế tối đa việc trực tiếp đến gặp bác sĩ hoặc cơ sở chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, điều này cũng hữu ích với các bệnh nhân không thể dễ dàng đi đến bệnh viện. Nhờ đó, chất lượng y tế được nâng cao, việc khám chữa bệnh ra các vùng sâu vùng xa cũng mở rộng.

Một số dự án y tế nổi bật tại quốc gia này có thể kể đến "Hướng dẫn, giám sát hoặc trực tiếp nội soi/ phẫu thuật từ xa", với sự hợp tác giữa bệnh viện nhân dân Xinchang cùng với Huawei. Ngoài ra, còn có dự án "Theo dõi, khám chữa bệnh từ xa" của bệnh viện CUHK Medical centre và dự án robot phẫu thuật từ xa giữa Huawei cùng với bệnh viện Beijing Jishuitan. Những ứng dụng của 5G ghi nhận sự phát huy hiệu quả rõ rệt, giúp giải quyết được tính kịp thời trong việc khám chữa bệnh - điểm mấu chốt trong nâng cao tỉ lệ thành công của ngành y tế.

Hệ thống 5G chất lượng cao còn tạo cơ hội hợp tác giữa các chuyên gia y tế, các bác sĩ trung tâm, địa phương hay tuyến đầu chống dịch bất kể khoảng cách địa lý. Đồng thời, bệnh nhân có thể ở nhà, nhận chẩn đoán, đơn thuốc lẫn thuốc đặc trị được gửi đến trực tiếp, tăng cường khả năng ứng phó và giảm nguy cơ lây nhiễm chéo do chuyển bệnh nhân.

Trung tâm chỉ huy phản ứng y tế khẩn cấp từ xa - dự án của Huawei cùng China Unicom trong thời gian covid-19 diễn ra đã kết nối 147 bệnh viện từ 108 quận và 18 thành phố, hỗ trợ hợp tác giữa các chuyên gia, cho phép phân bổ nguồn lực tốt hơn và cung cấp hướng dẫn điều trị bởi bác sĩ. Hệ thống cũng cung cấp các nguồn lực y tế chất lượng cao cho vùng sâu vùng xa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra từ xa đối với bệnh nhân trong các khu cách ly và tổ chức những buổi hội thảo trực tuyến cho các chuyên gia y tế đầu ngành.


Lợi ích cho toàn bộ hệ thống

Cùng với sự tiến bộ của hệ sinh thái IoT trong y tế, khả năng của các thuật toán thông minh trong chăm sóc sức khỏe cũng dần tăng lên. Cơ sở hạ tầng 5G giúp việc sử dụng AI phân tích dữ liệu bệnh nhân theo thời gian thực được gửi đến các nền tảng đám mây trở nên dễ dàng và đáng tin cậy hơn.

Có thể nói, AI như được sinh ra một lần nữa với sự góp sức của 5G. Trí thông minh nhân tạo cho phép các bác sĩ phân tích trạng thái của từng bệnh nhân theo thời gian thực, khả năng chẩn đoán và dịch vụ chăm sóc sức khỏe được cải thiện bất kể bệnh nhân nằm ở đâu. Điều này giúp tiết kiệm chi phí, giảm thời gian tiếp cận dịch vụ chăm sóc và mang lại sự linh hoạt cho người dùng cuối. Trước đó, dự án "Giải pháp hồ dữ liệu chăm sóc sức khỏe thông minh" giữa Win Health và Huawei cũng đã được ra mắt và đã giúp xây dựng nền tảng hồ sơ dữ liệu chăm sóc sức khỏe hiệu quả, đáng tin cậy cho các cơ quan quản lý y tế và viện nghiên cứu trong việc phân tích và chia sẻ thông tin.

Trước đây, phân tích hình ảnh y tế là nhiệm vụ khó khăn do khối lượng dữ liệu lớn. Các bác sĩ lâm sàng phải giải thích sự phức tạp và những thay đổi linh hoạt của chúng, điều có thể tốn nhiều thời gian và dễ bị sai sót do mệt mỏi. Song với những tiến bộ gần đây trong hệ thống máy học (machine learning) đã chứng minh rằng AI có thể trích xuất nhiều thông tin hơn từ hình ảnh với độ tin cậy và chính xác cao hơn, đồng thời xác định nhiều đặc điểm mà mắt người không dễ dàng phát hiện được. Các ứng dụng bao gồm phân tích số lượng lớn hình ảnh từ chương trình sàng lọc đến chẩn đoán nâng cao các vấn đề cụ thể như gãy xương.

Một lượng lớn dữ liệu được sử dụng trong máy học theo thời gian thực yêu cầu mạng băng thông cao đáng tin cậy, đặc biệt nếu bác sĩ lâm sàng muốn truy cập dữ liệu từ thiết bị di động. Bằng cách chuyển sang mạng 5G dung lượng cao, các tổ chức chăm sóc sức khỏe có thể sử dụng hệ thống máy học để cung cấp dịch vụ tốt nhất có thể từ bất cứ nơi nào họ đang ở như bệnh viện hoặc phòng khám.

5G giúp những ứng dụng tiên tiến như phẫu thuật từ xa bằng cánh tay robot trở thành hiện thực. Ảnh: IC Photo.

Cũng nhờ 5G, các nhà y tế và bệnh nhân giờ đây có thể truy cập những thông tin y tế quan trọng như kết quả chụp CT và MRI. Người bệnh có thể được kiểm tra các biểu hiện thay đổi nhịp tim, lượng đường trong máu và huyết áp nhiều lần trong ngày bằng cách sử dụng máy quét liên kết đám mây. Những tiến bộ này sẽ mở ra nhiều thông tin sâu sắc hơn về tình hình sức khỏe hàng ngày của bệnh nhân. Điển hình, dự án bệnh viện 5G Siriraj đầu tiên tại khu vực Châu Á Thái Bính Dương với sự hợp tác giữa Huawei và Thái Lan, ghi nhận mang đến những trải nghiệm thuận tiện và hiệu quả hơn cho bệnh nhân, được kỳ vọng trở thành bản thiết kế cho các bệnh viện thông minh trong tương lai. Giám đốc điều hành Huawei Thái Lan Abel Deng cho biết: "Việc hình thành bệnh viện 5G đầu tiên này biểu thị một mô hình nâng cấp ngành y tế công cộng của Thái Lan trong tương lai." Bên cạnh đó, việc hỗ trợ Thái Lan nâng cấp hệ thống y tế cũng phù hợp với sứ mệnh mà tập đoàn đặt ra tại khu vực APAC: hỗ trợ và thúc đẩy khu vực phát triển.

Huawei đồng hành xây dựng Bệnh viện 5G Thái Lan đầu tiên tại khu vực APAC

Sự kết hợp của 5G và AI còn loại bỏ những trở ngại cho các bệnh viện trong việc kết nối với nhau, cho phép chia sẻ kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị giữa các bệnh viện lớn và nhỏ, mang lại lợi ích cho các vùng nông thôn. Các cơ sở y tế ở vùng nông thôn thường khó cài đặt và sử dụng ứng dụng AI do hạn chế về tài chính và kỹ thuật, nhưng 5G giúp họ kết nối với các bệnh viện lớn hơn để sử dụng các ứng dụng này.

Mạng 5G cũng là cơ sở cho các ứng dụng tiên tiến như phẫu thuật từ xa bằng cánh tay robot. Những ứng dụng mới như vậy có thể tạo ra các luồng doanh thu mới cho các nhà khai thác. Đối với bệnh nhân, lợi ích rõ nhất là sức khỏe được nâng cao trong khi chi phí và thời gian đi lại được giảm thiểu tối đa, tối ưu hơn cuộc sống của họ. Có thể nói, 5G mang đến lợi ích cho toàn bộ ngành y tế, hứa hẹn một hệ sinh thái y tế mới vừa đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách chính xác, hiệu quả, thuận tiện, tiết kiệm chi phí và quy mô.

Không dừng lại ở 5G, hiện nay Huawei đang nghiên cứu và phát triển thế hệ mới, 5.5G với mục tiêu mang đến trải nghiệm 10Gbps, hiện thực hoá các giải pháp IoT và AI. Cụ thể, tại sự kiện Hội nghị thượng đỉnh các nhà phân tích toàn cầu Huawei 2022, ông Ken Hu, chủ tịch luân phiên của Huawei chia sẻ: "Mục tiêu của chúng tôi đối với 5.5G là tăng băng thông, tăng phạm vi phủ sóng và nâng cao trải nghiệm mạng lên mười lần. Chúng tôi hy vọng rằng những đổi mới của chúng tôi trong lĩnh vực mạng không dây và mạng cố định sẽ thúc đẩy lĩnh vực kết nối phát triển hơn nữa."

Chia sẻ Facebook