57% người dùng Đông Nam Á tìm kiếm sản phẩm trực tiếp trên các sàn TMĐT, vượt qua mạng xã hội và công cụ tìm kiếm
Các sàn thương mại điện tử đang vượt qua các nền tảng mạng xã hội và công cụ tìm kiếm để trở thành kênh khám phá sản phẩm ưa thích của người tiêu dùng.
Thị trường Thương mại điện tử dự kiến đạt 413 triệu người dùng vào năm 2025, đây là dự báo được đưa ra tại Diễn Đàn Tương Lai Thương Hiệu LazMall (BFF) do "ông lớn" thương mại điện tử Lazada tổ chức. Bên cạnh đó, hành trình trải nghiệm khách hàng cũng đang cho thấy sự biến chuyển lớn, với 57% khách hàng có thói quen tìm kiếm sản phẩm trực tiếp trên công cụ tìm kiếm của sàn thương mại điện tử . Sự chuyển hướng từ những công cụ tìm kiếm phổ biến đã làm nổi bật tầm quan trọng của những giải pháp tiếp thị trên hương mại điện tử, cũng như hoạt động số hóa doanh nghiệp nhằm duy trì tính linh hoạt và phù hợp trong bối cảnh lãi suất toàn cầu tăng và lạm phát quay trở lại.
Các sàn thương mại điện tử như Lazada đã vượt qua các nền tảng mạng xã hội và công cụ tìm kiếm để trở thành kênh khám phá sản phẩm ưa thích của người tiêu dùng. Trong vòng hai năm qua, sự thay đổi trong hành vi và tư duy tiêu dùng đã thúc đẩy ngày càng nhiều khách hàng cao cấp đến với LazMall, để tìm kiếm những sản phẩm chính hãng và tận hưởng trải nghiệm mua sắm chất lượng. Bên cạnh đó, các thương hiệu giờ đây có nhiều cơ hội để kết nối, tương tác với người tiêu dùng hơn thông qua các công cụ hỗ trợ của Lazada, từ đó thúc đẩy tăng trưởng trên Thương mại điện tử, đồng thời nâng cao sự gắn kết với nhóm khách hàng mục tiêu của họ".
Theo báo cáo của Dịch Vụ Tài Trợ Lazada (LSS), tính năng tìm kiếm và đề xuất sản phẩm đóng vai trò quan trọng trong quá trình quyết định mua hàng, với 94% người dùng sử dụng tính năng tìm kiếm để khám phá sản phẩm trên Lazada, và 94% người dùng thực sự mua những sản phẩm mà họ tìm được. Ngoài ra, 71% người dùng đã mua các sản phẩm từ tính năng 'Đề xuất' sản phẩm phù hợp của Lazada.
Ngành thương mại điện tử ở Đông Nam Á đã tăng trưởng vượt bậc từ năm 2019 đến năm 2021 do lượng người mua hàng gia tăng kỷ lục trong thời kỳ đại dịch. Theo ông James Chang - Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Lazada, ngay cả khi người tiêu dùng quay trở lại lối sống thường nhật sau đại dịch người tiêu dùng vẫn sẽ duy trì thói quen mua hàng trực tuyến. Cụ thể, cứ 10 người thì sẽ có 8 người tiếp tục mua sắm online vì sự thoải mái và tiện lợi, mặc dù mức chi tiêu trung bình mỗi khách hàng thấp hơn so với hai năm trước. LazMall - hệ thống gian hàng chính hãng của Lazada cũng chứng kiến mức tăng trưởng đột biến về lượng người tiêu dùng. Đơn cử, trong năm 2021, thương hiệu đồ chơi nổi tiếng LEGO đã chứng kiến mức tăng trưởng tới 15 lần sau khi mở gian hàng chính hãng trên LazMall.
Tại Việt Nam, ngành thương mại điện tử vẫn đang chứng kiến cuộc canh tranh gay gắt giữa những cái tên lớn, bao gồm Lazada, Tiki, Shopee. Các nền tảng này vẫn liên tục tung ra các chiến dịch quảng cáo, giảm giá để thu hút và giữ chân người dùng. Tuy nhiên, chia sẻ với chúng tôi, bà Kaya Qin - người mới nhậm chức Tổng giám đốc Lazada Việt Nam cách đây không lâu và ông James Dong - Tổng giám đốc Tập đoàn Lazada đều khẳng định, Lazada vẫn hướng đến con đường phát triển bền vững, dài hạn và không dùng chiến lược "đốt tiền" để đổi lấy tăng trưởng ngắn hạn . Việc marketing, giảm giá,... cũng không tạo ra sự đối lập hay xung đột trong chiến lược phát triển mà nhằm phục vụ cho khách hàng và phục vụ cho việc marketing, duy trì hình ảnh thương hiệu trên thị trường.
Do đó, dù những dự báo kinh tế vĩ mô không mấy tích cực, ông James Dong vẫn tự tin về vị thế và khả năng phát triển bền vững của Lazada, ở Việt Nam và cả Đông Nam Á.
Đồng thời trong thời gian tới, sàn thương mại điện tử này sẽ tiếp tục tập trung vào nâng cao trải nghiệm người dùng, thông qua công nghệ. Ông Howard Wang - Giám đốc Công nghệ Tập đoàn Lazada giải thích cách công ty sử dụng dữ liệu thông minh để hỗ trợ các thương hiệu và nhà bán hàng nhắm đúng đối tượng mục tiêu và gia tăng tỷ lệ chuyển đổi. Ông Wang chia sẻ rằng, giải pháp này còn hiệu quả hơn khi sử dụng cùng với công nghệ thực tế tăng cường (AR) nhằm nâng cao kết quả kinh doanh và cải thiện trải nghiệm người dùng.
Cũng theo ông Howard Wang, công nghệ AR của Lazada cho phép người dùng được trải nghiệm các sản phẩm làm đẹp trong thời gian thực với kết quả chân thật, từ đó giúp các thương hiệu mang lại trải nghiệm mua sắm siêu thực và được cá nhân hóa phù hợp với người dùng. Tính năng Dùng thử Sản phẩm (Virtual Try On, VTO) có nhiều chức năng phong phú giúp người dùng thoải mái lựa chọn và dùng thử các sản phẩm như phấn mắt, kẻ mắt, kem nền và phấn má mọi lúc mọi nơi. Tính năng VTO đã đạt được thành công đáng kể với các đối tác thương hiệu LazMall trong lĩnh vực làm đẹp, góp phần tăng tỷ lệ chuyển đổi lên đến 3,1 lần và giá trị đơn hàng trung bình tăng lên đến 11%.
Hoàng Thuỳ