50 câu cổ ngữ kinh điển về cách làm người làm việc của cổ nhân

Chia sẻ Facebook
03/08/2022 14:46:25

Một người có thành tựu lớn đến đâu, suy cho cùng đều quyết định ở cách họ làm người làm việc như thế nào. Những câu nói trong kinh điển phương Đông dưới đây, dẫu làm người hay làm việc cũng đều cần xem qua một lần.

(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Không tích luỹ từng nửa bước, một bước không thể đi tới nơi xa nghìn dặm; không tích tụ những dòng chảy nhỏ, chẳng thể tạo nên sông dài biển rộng. (Tuân Tử)

Việc học tập không thể dừng lại. (Tuân Tử)

Người thông minh chắc chắn hiếu học, năng hỏi mới có thể thành tài. (Tuân Tử)

Người đưa ra ý kiến phê bình không có tội. Nghe lời phê bình của người khác cần cẩn thận suy xét lại bản thân mình. (Thi Tự)

Thuốc tốt vị đắng nhưng có lợi cho việc chữa trị, lời trung ngôn khuyến cáo nghe không được thuận tai nhưng lại có ích cho việc thực thi. (Khổng Tử Gia Ngữ)

Người trong thiên hạ xuôi ngược, bôn ba đều vì lợi ích mà đến mà đi. (Sử ký)

Đứng bên đầm sâu hy vọng có được cá trong đầm, chi bằng trở về nhà đan lưới. (Hán Thư)

Xuất kích trước có thể khuất phục kẻ địch, ứng chiến sau thì bị người khống chế. (Hán Thư)

Con người rốt cuộc cũng chẳng thể tránh khỏi cái chết. Có cái chết nặng tựa núi Thái Sơn. Có cái chết nhẹ tựa lông hồng. (Tư Mã Thiên)

Con chim sắp chết, tiếng kêu nghe ai oán; con người sắp chết, lời lẽ ắt thiện lương. (Sử ký)

Người dẫu cao minh thế nào thì trong nhiều lần suy xét nhất định sẽ xuất hiện sai sót cá biệt. Người dẫu đần độn ra sao, trong nhiều lần suy ngẫm chắc chắn cũng có thu hoạch. (Sử ký)

Trời biết, đất biết, tôi biết, anh biết, sao có thể nói là không ai biết? (Hậu Hán Thư)

Người trong thiên hạ đều cho rằng giành được thứ của người khác mới là đắc được; nhưng lại không biết rằng cho người khác cũng là một điều đắc được. (Hậu Hán Thư)

Người thông minh buông bỏ sở đoản, phát huy sở trường, nhờ vậy mà thành công. (Hậu Hán Thư)

Đừng vì chuyện xấu nhỏ, không đáng để mắt mà làm. Ngược lại, với những việc nhỏ bé nhưng có ích cho người khác, đừng vì ý nghĩa của nó không lớn mà bỏ qua không làm. (Tam Quốc Chí)

Đọc sách cần đọc đi đọc lại nhiều lần, như vậy mới có thể minh bạch được ý nghĩa trong sách nói. (Tam Quốc Chí)

Người quân tử muốn lập thân, thành danh trong xã hội, dẫu phẩm chất cần tu dưỡng có rất nhiều phương diện, nhưng chỉ có sự chân thành và hiếu thuận mới là điều quan trọng nhất. (Tuỳ Thư – Văn Đế Ký)

Dùng đồng làm gương, có thể chỉnh trang lại mũ áo; lấy lịch sử làm gương, có thể biết được thời thế biến đổi thịnh suy; dùng người làm gương, có thể hiểu rõ được mất tại thế gian. (Cựu Đường Thư)

Người có dự tính dài lâu không nên vì vài lời oán hận trước mắt mà lo âu, người làm đại sự không nên để tâm tới những việc tủn mủn, vụn vặt. (Sử ký)

Người minh trí khi nguy hiểm chưa hình thành đã có thể dự kiến, bậc trí huệ khi tai hoạ chưa xảy ra đã có thể quan sát thấy. (Tam Quốc Chí)

Đạo nghĩa có thể cảm động người quân tử, lợi ích lại khiến kể tiểu nhân động lòng. (Tấn Thư)

Quá cương trực dễ bị đánh đổ, quá minh sát chẳng có môn đồ. (Tấn Thư)

Thành công và thất bại là do nhân quả, thế sự chẳng thể mãi mãi thái bình, yên ổn. (Nam Sử)

Lưu lại cho con cháu đời sau phẩm chất thanh cao, cũng chẳng khác chi để lại một món tài sản hậu trọng. (Nam Sử)

Một lời nói thiện lương hữu ích có thể khiến người nghe dẫu giữa tháng ba mùa đông lạnh giá cũng cảm thấy ấm ấp muôn phần. Ngược lại, những lời độc ác hà khắc, sắc nhọn thì dẫu giữa tháng sáu mùa hè oi ả cũng khiến người khác cảm thấy giá lạnh. (Tăng Quảng Hiền Văn)

Việc tốt, việc xấu đều là tự mình làm; tai hoạ, hạnh phúc hết thảy đều do lời nói và hành vi của mình chiêu mời tới. (Tăng Quảng Hiền Văn)

Người nhận thức được bản thân còn thiếu sót sẽ khiêm tốn học hỏi, bù đắp lại những khiếm khuyết của bản thân. Kẻ cho rằng thỉnh giáo người có địa vị không bằng mình là điều đáng sỉ nhục thì là kẻ tự mãn. (Tỉnh Tâm Lục – Lâm Bô)

Người đọc sách cần đọc nhiều hiểu rộng để lựa chọn được những tinh hoa giữa biển sách; tích luỹ, làm phong phú học lực của bản thân nhưng không nhất thiết thể hiện mình. (Tô Thức)

Khi cần dùng tới tri thức mới cảm thấy thực không đủ dùng. Rất nhiều việc nếu không tự mình trải nghiệm thì không thể biết nó khó khăn tới nhường nào. (Trần Đình Trác)

Chim bay chậm sớm cất cánh sẽ về rừng trước những chú chim khác. Người không đủ thông minh chỉ cần chăm chỉ, nỗ lực cũng có thể sớm thành tài hơn người. (Tỉnh Thế Cách Ngôn)

Trên con đường học vấn thì đường nhanh nhất là phải chuyên cần nỗ lực. Muốn hấp thụ tri thức trong biển học thì cần lấy chuyên tâm khổ học làm đầu. (Tăng Quảng Hiền Văn)

Việc học hành cần không ngừng tiến thủ, không ngừng nỗ lực, giống như con thuyền nhỏ bơi ngược dòng nước, không nỗ lực tiến về phía trước thì chỉ có thể tụt lùi lại phía sau. (Tăng Quảng Hiền Văn)

Sự nghiệp hay việc học hành thành công nhờ sự nỗ lực, cần mẫn. Quá ham chơi, yêu cầu lơi lỏng với bản thân thì chẳng nên cơ sự gì. Làm người hành sự phải cẩn trọng suy xét, suy ngẫm chu đáo mới có thành tựu. Tuỳ hứng, hời hợt, tuỳ tiện chỉ chiêu mời thất bại. (Hàn Dũ)

Đọc sách có 3 việc cần làm được là: nhập tâm, mắt chăm chú, miệng nói ra được. (Chu Hy)

Dẫu bạn là kẻ mạnh, chắc chắn sẽ có người mạnh hơn. Đừng kiêu ngạo, tự mãn, hay tự khuếch trương bản thân trước mặt người khác. (Cảnh Thế Thông Ngôn)

Lúc trẻ không biết tranh thủ thời gian nỗ lực học tập, tới lúc bạc đầu già nua muốn đọc sách cũng đã muộn. (Cần học)

Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ. (Nhạc Dương Lâu Ký – Phạm Trọng Yêm)

Dẫu địa vị bản thân thấp kém, nhưng xưa nay chẳng dám quên trách nhiệm lo lắng cho nước, cho dân. (Bệnh Khởi Thư Hoài – Lục Du)

Tự cổ chí kim, con người cuối cùng cũng không tránh khỏi cái chết. Nhưng cái chết có ý nghĩa thì toả sáng nghìn thu, lưu danh sử sách. (Quá Linh Đinh Dương – Văn Thiên Tường)

Việc có ích cho quốc gia cần dũng cảm thực hiện, dẫu nguy nan tới tính mạng cũng chẳng từ. (Thân Ngâm Ngữ – Lữ Khôn)

Vì giải quyết quốc nạn mà hiến thân, coi cái chết như trở về cố hương vậy. (Bạch Mã Thiên – Tào Thực)

Quốc gia hưng vong, mỗi người đều có trách nhiệm. (Cố Đàm Vũ)

Tiếng gió, tiếng mưa, tiếng đọc sách, tiếng nào cũng văng vẳng bên tai. Chuyện nhà, chuyện nước, chuyện thiên hạ, việc nào cũng đều cần quan tâm.

Chú dê non còn biết cảm ơn khi quỳ xuống tiếp nhận dòng sữa mẹ, quạ đen còn nhớ ân nghĩa quạ mẹ mớm mồi nuôi con. (Tăng Quảng Hiền Văn)

Mỗi tấc núi sông của tổ quốc còn đáng quý hơn một tấc vàng. (Tả Xí Cung Ngữ – thời nhà Kim)

Nếu muốn xây dựng hạnh phúc cá nhân, trước hết ắt phải khiến quốc gia an định, phồn vinh. (Võ Tắc Thiên)

Bậc đại trượng phu sống trên đời, cần lập chí khiến thiên hạ thái bình, không nên chìm đắm với những việc vặt vãnh trong gia đình. (Trần Phiên Ngữ, nhân sỹ thời Hán)

Lo lắng chuyện quốc gia đại sự mà quên việc nhà nhỏ bé, vì cứu vận nước nguy nan mà hiến thân, đây là chí hướng của bậc trung thần. (Cầu Tự Thành Biểu – Tào Thực)

Khi sống phải làm bậc tuấn kiệt trong cõi người, khi chết cũng phải làm đấng anh hùng nơi ngạ quỷ. (Hạ Nhật Tuyệt Cú – Lý Thanh Chiếu)

Vào phút nguy nan, tiết tháo của một người mới bộc lộ rõ. (Thiên Văn Tường, nhân sỹ thời Tống)

Sách tốt như bạn hiền, lời hay ý đẹp như hành trang quý giúp con người không bị mê hoặc giữa thế gian muôn màu. Có những câu danh ngôn như ngọn hải đăng dẫn lối, giúp con người luôn tìm được niềm vui trong cuộc sống. Giữa thế sự phồn hoa, có biết bao điều mê mê hoặc hoặc, những lời vàng ý ngọc đã được trải nghiệm và minh chứng qua từng thời đại vẫn còn mãi giá trị tới tận ngày nay và mai sau.


Theo Sound Of Hope
Thiên Cầm biên dịch


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook