5 xu hướng iPhone đến cả Apple cũng không lường trước được
Steve Jobs nói rằng có những người đủ điên, đủ tự tin để nghĩ rằng mình sẽ thay đổi thế giới. Tuy nhiên cả ông và Apple đều không lường trước những kết quả mang ý nghĩa “thay đổi thế giới” từ iPhone.
Năm 2007, iPhone lần đầu tiên trình làng. Thoạt nhìn thiết bị này rất ngầu, thế nhưng ở thời điểm đó đa số ai cũng bối rối vì iPhone không có bàn phím cơ học như những chiếc Blackberry. Người dùng phải trực tiếp gõ chữ trên màn hình.
CEO của Microsoft Steve Ballmer, khi lần đầu tiên nhìn thấy iPhone, khẳng định cái giá 500 USD là quá đắt, và iPhone sẽ không hấp dẫn các doanh nhân vì nó không tiện để gửi email.
Kết quả thực tế chứng minh iPhone hấp dẫn như thế nào. Người dùng thử không thể rời khỏi máy. Gõ chữ trên màn hình không phải vấn đề quá to tát. Thêm vào đó màn hình lớn thì xem ảnh, video “sướng” hơn. Còn vấn đề email thì không cần bàn, iPhone vẫn hoạt động tốt ở nhu cầu này.
Tuy nhiên ngay cả những người đứng đầu Apple cũng không ngờ rằng sản phẩm của mình sẽ đem đến những thay đổi sau đây:
1. Sự phổ biến của App Store
iPhone 3G ra đời năm 2008, và cũng là lần đầu tiên App Store xuất hiện. App Store cho phép các lập trình viên của những đơn vị khác, từ startup một thành viên cho đến những doanh nghiệp lớn, có thể đăng ứng dụng và tiếp cận với người dùng. Dịch vụ này nghe qua rất tốt, nhưng ở thời điểm đó, Apple nghĩ rằng chỉ cần 50 đơn đăng ký ứng dụng đã là “một thành công” rồi. Kết quả họ nhận được đến 500 đơn đăng ký.
Tính đến tháng 4/2009, mỗi tuần App Store nhận được hơn 25,000 lượt đăng ký phê duyệt ứng dụng. App Store trở thành hệ sinh thái phần mềm đa dạng nhất và dễ kết nối nhất mà thế giới từng chứng kiến. Và những tên tuổi lớn như Instagram, Waze, Uber hay Snapchat đều có xuất phát điểm là một ứng dụng trên iPhone.
2. Nhập mật mã khi mua sản phẩm
Quy định này được gọi là “Mylie Rule”. Cái tên bắt nguồn từ cô con gái Mylie của một chuyên gia nhận xét App Store, khi cô bé vô tình thực hiện một lần mua sắm trong game và khiến thẻ tín dụng của bố mình bị trừ 450 USD.
Đây không phải là trường hợp trừ tiền duy nhất. Apple nhận được rất nhiều lời phàn nàn từ khách hàng về các “mánh khóe” mua hàng được ẩn giấu quá kỹ trong các app (in-app purchase). Vậy nên trong đợi cập nhật iOS sau đó, Apple yêu cầu người dùng phải nhập mật khẩu khi thực hiện bất kỳ hành động mua sắm nào lúc đang sử dụng ứng dụng.
Iphone vô chiêu thắng hữu chiêu
3. Sự phổ biến của camera thứ hai
Trên thực tế Apple suy tính đến việc sản xuất camera của riêng họ, vì họ hiểu về phần cứng và phần mềm chụp ảnh hơn bất kỳ công ty nào trên thế giới. Tuy nhiên sau đó họ nhận ra rằng chẳng ai muốn mang theo một lúc hai thiết bị. Họ chuyển sang ý tưởng dồn “tinh hoa” chụp ảnh vào điện thoại. Và iPhone 4G ra đời với một chiếc camera trước, phần lớn là để tiện cho gọi FaceTime. Nhưng rốt cuộc camera trước mở ra cả một kỷ nguyên selfie (chụp ảnh tự sướng) và các ứng dụng sử dụng camera trước như Snapchat.
4. Nhu cầu màn hình lớn hơn
Trong nhiều năm, Apple nghĩ rằng chẳng cần thay đổi kích cỡ màn hình.
Sau đó năm 2014, điện thoại Android mở rộng màn hình lên từ 5 - 6 inch. Thời điểm đó Apple thắng kiện Samsung về vi phạm bằng sáng chế (không liên quan đến kích thước màn hình) và nhận được 530 triệu USD.
Nhưng ngay trong quá trình này, Apple nhận ra rằng màn hình iPhone cần phải lớn hơn nữa. Và những sản phẩm iPhone thế hệ tiếp theo, iPhone 6 và 6 Plus, có màn hình lớn hơn và trở thành một trong những sản phẩm bán chạy nhất của Apple.
5. Những điều mà người dùng thực sự làm trên điện thoại
Andy Warhol từng nói: “Đừng nghĩ về việc tạo nên nghệ thuật, chỉ cần làm ra thôi. Hãy để người khác đánh giá xem nó tốt hay xấu”.
Bản thân Steve Jobs, và cả đội ngũ ở Apple, đều chọn hướng đi tương tự. Steve Jobs từng chia sẻ rằng bản thân ông là một người tạo nên công cụ. Ông muốn tại nên sản phẩm tốt nhất mà ông có thể. Còn những việc sau đó thì không ai có thể lường trước được.
Trong một phim tài liệu, nhà làm phim Joanna Stern nói, Apple chỉ đơn thuần là muốn tạo nên một thiết bị tốt nhất có thể, chứ không nghĩ đến việc tạo nên một thứ thay đổi thế giới.
Và đó cũng là những gì mà một công ty sản xuất điện thoại có thể làm. Phần còn lại là của khách hàng. Khách hàng mới là người quyết định xem sản phẩm điện thoại ấy có tốt không, có đáp ứng được nhu cầu của họ hay không, có làm cuộc sống của họ tốt đẹp hơn không. Và những gì người dùng làm được với iPhone thì chính Apple cũng không thể ngờ được.