5 xu hướng định hình kinh tế thế giới trong năm mới
Trong bối cảnh Trung Quốc mở cửa trở lại, cũng như xu hướng lạm phát vẫn ở mức cao, kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với cả rủi ro và cơ hội trong năm 2023.
Nền kinh tế toàn cầu đã trải qua một năm khó khăn, với lạm phát cao trong nhiều thập kỷ đã làm giảm xu hướng tiêu dùng thời hậu đại dịch và buộc các Ngân hàng Trung ương phải tăng chi phí đi vay với tốc độ chưa từng có để kiểm soát nó.
Chiến lược quản lý lạm phát của họ trong năm qua có thể đang hoạt động – nhưng nó có thể khiến kinh tế toàn cầu phải trả giá lớn vào năm nay.
Trong khi “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine tiếp tục làm thị trường năng lượng và thực phẩm xáo trộn, thì việc lãi suất tăng có nguy cơ “bóp nghẹt” quá trình phục hồi hậu đại dịch vẫn còn mong manh của nền kinh tế toàn cầu.
Nhưng tựu chung lại, các chuyên gia cho rằng có 5 xu hướng định hình bức tranh kinh tế thế giới năm 2023.
Tăng trưởng chậm lại và suy thoái
Không phải ai cũng đồng ý rằng nền kinh tế toàn cầu đang hướng tới một cuộc suy thoái. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng dự kiến sẽ còn giảm xuống thấp hơn nữa sau khi sụt giảm nghiêm trọng vào năm 2022, đó là một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra.
Hồi tháng 10/2022, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo rằng tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm xuống 2,7% vào năm 2023. Nếu không tính cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch, thì đó sẽ là năm yếu nhất của nền kinh tế thế giới kể từ năm 2001.
Hồi tháng 11/2022, tổ chức cho vay lớn nhất thế giới đã cảnh báo rằng triển vọng thậm chí còn trở nên “u ám hơn” so với dự báo trước đó.
Ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu không rơi vào suy thoái về mặt kỹ thuật – được định nghĩa rộng rãi là 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp – IMF gần đây đã cảnh báo rằng năm 2023 có thể vẫn giống như một năm suy thoái đối với nhiều người do sự kết hợp của tăng trưởng chậm lại, giá cả cao và xu hướng tăng lãi suất.
“Ba nền kinh tế lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng Euro (Eurozone) sẽ tiếp tục chững lại”, nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas cho biết hồi tháng 10. “Tóm lại, điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến và đối với nhiều người, năm 2023 sẽ giống như một cuộc suy thoái”.
Lạm phát và lãi suất
Lạm phát dự kiến sẽ giảm trên toàn cầu vào năm 2023 nhưng dù sao vẫn ở mức cao. IMF dự đoán lạm phát toàn cầu sẽ đạt 6,5% vào năm nay, giảm từ mức 8,8% vào năm 2022. Các nền kinh tế đang phát triển dự kiến sẽ ít được cứu trợ hơn, với lạm phát dự kiến giảm xuống mức 8,1% trong thời gian tới.
“Có khả năng lạm phát sẽ vẫn cao hơn mức 2% mà hầu hết các Ngân hàng Trung ương phương Tây lấy làm mức chuẩn”, ông Alexander Tziamalis, giảng viên kinh tế cấp cao tại Đại học Sheffield Hallam (Anh), nói với Al Jazeera.
IMF gọi lạm phát là “mối đe dọa trực tiếp nhất đối với sự thịnh vượng hiện tại và tương lai”. Mặc dù mối lo lạm phát bắt đầu dịu đi ở Mỹ và châu Âu khi giá năng lượng giảm và lãi suất cao hơn thúc đẩy các nền kinh tế, nhưng các Ngân hàng Trung ương đã nói rõ rằng họ không có ý định sớm ngừng nâng lãi suất.
“Chúng tôi cho rằng chúng tôi sẽ phải duy trì trạng thái thắt chặt trong một khoảng thời gian”, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết sau cuộc họp tháng 12/2022 của Ngân hàng Trung ương Mỹ.
Trung Quốc mở cửa trở lại
Sau gần 3 năm hạn chế, với các biện pháp cách ly tập trung, xét nghiệm hàng loạt, truy vết tiếp xúc nghiêm ngặt và đóng cửa biên giới, Trung Quốc hồi đầu tháng này đã bắt đầu quá trình dỡ bỏ chính sách zero-Covid cứng rắn và dự kiến sẽ mở cửa trở lại từ ngày 8/1.
Việc mở cửa trở lại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – vốn đã chậm lại đáng kể so với các phần khác của thế giới – sẽ tạo động lực mới cho sự phục hồi toàn cầu.
Sự phục hồi nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc sẽ tạo động lực cho các nhà xuất khẩu lớn như Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Singapore, trong khi việc dỡ bỏ các hạn chế mang lại “tin vui” cho các thương hiệu toàn cầu từ Apple đến Tesla vốn liên tục bị gián đoạn sản xuất vì zero-Covid.
“Trừ việc mở cửa này hơi đột ngột, thì tôi nghĩ rằng thị trường sẽ phản ứng rất tốt”, bà Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại ngân hàng đầu tư Natixis (Pháp), nói với Al Jazeera.
“Tôi cho rằng nó giống như thấy ánh sáng cuối đường hầm. Và thời điểm thị trường thực sự đón nhận sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc có thể là cuối tháng 1, đúng dịp Tết Nguyên đán truyền thống ở đó”, bà Garcia-Herrero cho biết thêm.
Làn sóng phá sản doanh nghiệp
Bất chấp sự tàn phá kinh tế do Covid-19 và các đợt phong tỏa, các vụ phá sản trên thực tế đã giảm ở nhiều quốc gia vào năm 2020 và 2021, nhờ sự dàn xếp riêng với các chủ nợ và các gói kích thích kinh tế lớn của các chính phủ.
Ví dụ, tại Mỹ, 16.140 doanh nghiệp đã nộp đơn xin phá sản vào năm 2021, và 22.391 doanh nghiệp đã làm như vậy vào năm 2020, so với 22.910 vào năm 2019.
Nhưng làn sóng phá sản doanh nghiệp dự kiến sẽ quay trở lại vào năm 2023 trong bối cảnh giá năng lượng và lãi suất tăng cao. Theo ước tính của Allianz Trade (Pháp), tỉ lệ phá sản trên toàn cầu sẽ tăng hơn 10% vào năm 2022 và 19% vào năm 2023, vượt qua các mức trước đại dịch.
“Đại dịch Covid đã buộc nhiều doanh nghiệp phải vay các khoản vay lớn, làm trầm trọng thêm tình trạng ngày càng phụ thuộc vào các khoản vay giá rẻ để bù đắp cho sự mất mát về khả năng cạnh tranh do toàn cầu hóa”, ông Tziamalis của Đại học Sheffield Hallam cho biết.
“Sự tồn tại của các doanh nghiệp mắc nợ cao hiện đang bị đặt dấu hỏi khi họ phải đối mặt với một cơn bão hoàn hảo về lãi suất cao hơn, giá năng lượng cao hơn, nguyên liệu thô đắt hơn và chi tiêu ít hơn của người tiêu dùng… cũng như hạn chế về trợ giúp trực tiếp cho khu vực tư nhân khi các hộ gia đình mới là đối tượng được ưu tiên giúp đỡ hơn”, ông nhận định.
Phi t oàn cầu hóa
Những nỗ lực nhằm đẩy lùi quá trình toàn cầu hóa đã tăng tốc trong năm qua và có vẻ sẽ tiếp tục tăng tốc vào năm 2023.
Kể từ khi bắt đầu dưới thời chính quyền Trump, cuộc chiến thương mại và công nghệ Mỹ-Trung ngày càng sâu sắc dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Hồi tháng 8/2022, ông Biden đã ký ban hành Đạo luật Khoa học và CHIPS ngăn chặn việc xuất khẩu chip và thiết bị sản xuất tiên tiến sang Trung Quốc – một động thái nhằm kìm hãm sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc và thúc đẩy khả năng tự cung tự cấp trong lĩnh vực sản xuất chip.
Việc thông qua luật này chỉ là một ví dụ mới nhất về xu hướng ngày càng tăng từ tự do hóa thương mại và tự do hóa kinh tế sang chủ nghĩa bảo hộ và khả năng tự cung tự cấp cao hơn, đặc biệt là trong các ngành quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
Trong một bài phát biểu hồi đầu tháng 12/2022, ông Morris Chang, người sáng lập TSMC, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, cho rằng toàn cầu hóa và thương mại tự do “gần như đã chết” .
Minh Đức (Theo Al Jazeera, CNN)