5 thói quen lành mạnh có thể giúp bạn "miễn dịch" với ung thư
Những người ít có nguy cơ mắc bệnh ung thư thường có 5 thói quen tốt dưới đây.
Ung thư là tập hợp các bệnh lý đặc trưng bởi sự phát triển bất thường của các tế bào phân chia không kiểm soát và có khả năng xâm nhập, phá hủy các mô cơ thể bình thường.
Hầu hết, các tế bào trong cơ thể có chức năng cụ thể và tuổi thọ cố định. Trong quá trình điều hòa, một tế bào nhận được chỉ thị để chết và cơ thể có thể thay thế nó bằng một tế bào mới hơn hoạt động tốt hơn. Với các tế bào ung thư thiếu các yếu tố hướng dẫn chúng ngừng phân chia và chết. Kết quả dẫn đến sự tích tụ trong cơ thể, sử dụng oxy và chất dinh dưỡng thường nuôi dưỡng các tế bào khác.
Các tế bào ung thư có thể xuất hiện ở một khu vực, sau đó lan rộng qua các hạch bạch huyết. Một số loại ung thư gây ra sự phát triển tế bào nhanh chóng, trong khi những loại khác làm cho các tế bào phát triển và phân chia với tốc độ chậm hơn.
Có hơn 100 loại ung thư khác nhau. Ung thư thường được gọi tên theo cơ quan mà nó phát sinh, ví dụ: Ung thư phổi phát sinh từ các tế bào ở phổi, ung thư đại tràng phát sinh từ các tế bào ở đại tràng. Ung thư cũng có thể được gọi theo loại tế bào hình thành chúng như ung thư biểu mô (carcinoma) hay ung thư mô liên kết (sarcoma). Ngoài ra các ung thư có thể phát triển từ máu, như là các bệnh máu ác tính.
Đáng nói, ung thư là căn bệnh đến nay vẫn chưa tìm ra phương pháp điều trị triệt để. Ở giai đoạn đầu, bệnh không gây đau, không ngứa, không gây khó chịu. Nhiều bệnh nhân phát hiện mình mắc ung thư khi có các triệu chứng rõ ràng nhưng lúc này thường bệnh đã chuyển sang giai đoạn giữa và giai đoạn cuối.
Các nghiên cứu cho thấy ung thư là căn bệnh liên quan đến cả yếu tố bên trong lẫn bên ngoài cơ thể. Yếu tố bên trong chủ yếu liên quan đến di truyền, miễn dịch và nội tiết. Còn những yếu tố bên ngoài chính là thói quen sống.
Ăn uống điều độ
Sức hấp dẫn của nhiều món ngon như thịt nướng, gà rán, lẩu… khiến nhiều người không thể cưỡng nổi. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều không chỉ khiến bạn tăng cân mà còn làm tăng nguy cơ mắc ung thư.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng béo phì do chế độ ăn nhiều chất béo sẽ nuôi tế bào ung thư và khiến các tế bào miễn dịch bên trong khối u bị “chết đói”, làm suy yếu khả năng chống ung thư, đẩy nhanh tốc độ phát triển của khối u. Ngoài ra, ăn kiêng mù quáng và đơn giản hóa chế độ ăn uống là không tốt. Cố gắng cân bằng dinh dưỡng, ăn đủ chất đạm và kiêng kỵ hợp lý mới giúp cơ thể có đủ dinh dưỡng, nâng cao khả năng kháng bệnh, phục hồi thể lực.
Tập thể dục mỗi ngày
Tập thể dục đúng cách mỗi ngày có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất, giúp cơ thể luôn trong tình trạng khỏe mạnh, sức đề kháng tốt. Khỏe mạnh cũng là cách chống lại sự tấn công của ung thư.
Do đó, mọi người hãy tập thể dục ít nhất 3 lần/tuần, mỗi lần tập trên 20 phút. Trong những ngày thời tiết xấu không thể ra ngoài, bạn có thể làm việc nhà, leo cầu thang bộ, đi bộ xung quanh nhà... cũng là một cách để tập thể dục an toàn, lành mạnh.
Không thức khuya
Nhiều nghiên cứu chỉ ra những người không bao giờ thức khuya thì khả năng miễn dịch với ung thư càng cao. Ngược lại, ngủ ít thì nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn do làm giảm khả năng miễn dịch.
Khảo sát của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cho thấy những phụ nữ ngủ ít hơn 7 giờ mỗi đêm có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn 47%. Bởi khi thiếu ngủ cơ thể sẽ không thể sản xuất đủ melatonin - thứ có tác dụng làm chậm quá trình sản xuất estrogen ở phụ nữ và ngăn chặn ung thư vú.
Ngoài ra, các chuyên gia về giấc ngủ của Đức chỉ ra rằng vào lúc 1h đêm là thời gian quan trọng nhất phải đi ngủ vì sẽ giúp tăng cường hoạt động của các tế bào miễn dịch trong cơ thể và đóng vai trò nhất định trong việc ngăn ngừa ung thư.
Giữ tinh thần lạc quan
Những người lạc quan có tỉ lệ tái phát ung thư thấp và thời gian sống sót lâu dài.
Lo lắng, trầm cảm, căng thẳng, sợ hãi, bi quan và các vấn đề tâm lý khác là cảm xúc không thể tránh khỏi của nhiều bệnh nhân ung thư, nhưng tâm trạng lại liên quan mật thiết đến sự xuất hiện, phát triển, di căn và tiên lượng của tế bào ung thư.
Nhiều nghiên cứu lâm sàng cho thấy ở những bệnh nhân đã điều trị ung thư, những bệnh nhân có tâm trạng tốt, tinh thần lạc quan có tỉ lệ tái phát bệnh thấp và thời gian sống lâu hơn, trong khi những bệnh nhân bi quan, chán nản có tỉ lệ tái phát cao và thời gian sống sót ngắn. Trầm cảm là một nhân tố có hại rất lớn cho việc điều trị và phục hồi thể chất. Vì vậy, việc duy trì tâm trạng tốt là điều rất quan trọng để đẩy lùi các tế bào ung thư.
Tránh xa bức xạ
Để tránh bị ung thư, nhiều người đến bệnh viện yêu cầu chụp CT để phát hiện và điều trị sớm.
Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới: an toàn cho cơ thể con người khi tiếp nhận lượng bức xạ không quá 5mSv/năm. Mặc dù dưới góc độ tầm soát khối u, việc kiểm tra CT có lợi cho sức khỏe nhưng chụp CT quá nhiều trong thời gian ngắn cũng có hại.
Minh Hoa (t/h)