5 tháng đầu năm, Việt Nam chi hơn 779 triệu USD nhập khẩu lúa mì
5 tháng đầu năm, cả nước nhập khẩu hơn 2,83 triệu tấn lúa mì, tương đương trên 779,53 triệu USD, tăng 39,3% về lượng, tăng 3,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5/2024 cả nước nhập khẩu 533.673 tấn lúa mì, tương đương 141,12 triệu USD, giá trung bình 264,4 USD/tấn, giảm 34% về lượng, giảm 36% kim ngạch so với tháng 4/2024 và giá giảm 3,3%. So với tháng 5/2023 thì tăng mạnh 40,9% về lượng, nhưng giảm 4,8% kim ngạch và giảm 32,4% giá.
Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2024, lượng lúa mì nhập khẩu của cả nước đạt trên 2,83 triệu tấn, tương đương trên 779,53 triệu USD, tăng 39,3% về khối lượng, tăng 3,6% về kim ngạch so với 5 tháng đầu năm 2023, giá trung bình đạt 275,3 USD/tấn, giảm 25,6%.
Theo báo Công Thương , trong tháng 5/2024, nhập khẩu lúa mì từ thị trường chủ đạo Brazil giảm 42,8% về lượng và giảm 42,5% kim ngạch so với tháng 4/2024, nhưng giá tăng 0,5%, đạt 183.373 tấn, tương đương 45,19 triệu USD, giá 246,4 USD/tấn; trong khi tháng 5/2023 không nhập khẩu từ thị trường này.
Tính chung cả 5 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu lúa mì từ thị trường Brazil chiếm 39,9% trong tổng lượng và chiếm 36,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu lúa mì của cả nước, đạt trên 1,13 triệu tấn, tương đương 282,27 triệu USD, giá trung bình 249,8 USD/tấn, tăng 332% về lượng, tăng 194,6% về kim ngạch nhưng giảm 31,8% về giá so với 5 tháng đầu năm 2023.
Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2024, lượng lúa mì nhập khẩu của cả nước đạt trên 2,83 triệu tấn, tương đương trên 779,53 triệu USD. Ảnh minh họa
Đứng sau thị trường chủ đạo Brazil là thị trường Australia chiếm 18,7% trong tổng lượng và chiếm 21,4% trong tổng kim ngạch, đạt 529.214 tấn, tương đương 166,64 triệu USD, giá trung bình 314,9 USD/tấn, giảm 62% về lượng, giảm 67% kim ngạch và giảm 13% về giá so với 5 tháng đầu năm 2023.
Tiếp đến là thị trường Ukraine đạt 436.451 tấn, tương đương 112,43 triệu USD, giá 257,6 USD/tấn, chiếm 15,4% trong tổng lượng và chiếm 14,4% tổng kim ngạch nhập khẩu lúa mì của cả nước.
Nhập khẩu lúa mì từ thị trường Mỹ đạt 222.982 tấn, tương đương 73,69 triệu USD, giá 330,5 USD/tấn, tăng 52% về khối lượng, tăng 21% về kim ngạch nhưng giảm 20,4% về giá so với 5 tháng đầu năm 2023.
Theo tạp chí Nhịp sống thị trường, Việt Nam gần như không trồng được lúa mì. Còn bắp và đậu nành tuy có trồng được nhưng giá thành cao, cạnh tranh kém hơn so với hàng nhập khẩu. Trong năm 2023, Việt Nam chi 1,55 tỷ USD để nhập khẩu lúa mì với hơn 4,6 triệu tấn, tăng 19,7% về lượng và tăng 3,6% về trị giá so với năm 2022.
Trên thị trường thế giới, trước khi xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra, Ukraine là nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ năm thế giới, chiếm 10% tổng nguồn cung. Ngoài ra, Ukraine là một trong ba nhà xuất khẩu lúa mạch, bắp, dầu hạt cải hàng đầu thế giới, đồng thời là nước xuất khẩu dầu hướng dương lớn nhất (chiếm 46% lượng xuất khẩu toàn cầu).
Bước sang năm 2024, theo Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC), hiện chỉ có 12 nước sản xuất đủ lúa mì để xuất khẩu. Dự trữ toàn cầu cuối vụ 2022/23 dự kiến tăng 1,1 triệu tấn lên 268,4 triệu tấn, với mức tăng ở EU, Ukraine, Kazakhstan và Ấn Độ nhiều hơn bù đắp cho sự sụt giảm ở Saudi Arabia và Iran.
Trong khi đó, mức tiêu thụ lúa mì thế giới năm 2023/2024 đã được nhận định sẽ tăng so với dự báo tháng 12/2023, phần lớn là do việc sử dụng làm thức ăn chăn nuôi ở EU tăng và được dự báo sẽ tăng 2% so với năm 2022/23.
Trong diễn biến mới nhất, tình trạng giá lúa mì thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 3 năm qua đang khiến Trung Quốc, nước nhập khẩu lúa mì số 1 thế giới, hủy các chuyến hàng sau khi đã đặt mua số lượng lớn từ các đối tác trên toàn thế giới vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Mục đích là để tìm kiếm những mức giá tốt hơn và củng cố an ninh lương thực của đất nước.
Bộ Nông nghiệp Mỹ tháng 3 cho biết 504.000 tấn lúa mì xuất khẩu sang Trung Quốc đã bị hủy, con số này tương đương với khoảng một nửa tổng số lô hàng lúa mì của Mỹ sang Trung Quốc vào năm 2022 và là đợt hủy lớn kỷ lục kể từ năm 1999.
Minh Hoa (t/h)