5 lực lượng quân đội mạnh nhất ở Trung Đông
Cuộc xung đột Israel - Hamas đã diễn ra được hơn một tháng và có những lo ngại về việc xung đột sẽ khiến chiến tranh ở Trung Đông lan rộng.
Quân đội Israel trải qua thực chiến trong hàng chục các cuộc xung đột ở khu vực.
Trong bối cảnh như vậy, báo Nga Sputnik hôm 12/11 có bài đánh giá 5 lực lượng quân đội hùng mạnh nhất ở Trung Đông
Israel
Quân đội Israel xếp hàng đầu trong số 5 lực lượng mạnh nhất ở Trung Đông kể từ khi nhà nước Israel được thành lập vào năm 1948. Kể từ cuộc xung đột Israel - Ả Rập năm 1948 - 1949, Israel đã trải qua vô số cuộc chiến, chiếm lĩnh ưu thế trên cả phương diện tấn công và phòng thủ. Chiến thắng trong Cuộc chiến Sáu ngày năm 1967 giúp Israel kiểm soát các vùng lãnh thổ của Syria và Jordan cho đến nay.
Theo Viện Chiến lược Quốc tế (IISS), Israel có 170.000 quân chính quy và khoảng 465.000 quân dự bị. Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) ước tính ngân sách quốc phòng của Israel năm 2022 ở mức 23,4 tỷ USD (bao gồm 3,18 tỷ USD hỗ trợ từ Mỹ).
Điểm mạnh của Israel là năng lực sản xuất quốc phòng đáng kể, vừa giúp quân đội tăng cường khả năng chiến đấu, vừa tạo nguồn thu trên thị trường vũ khí quốc tế.
Trong số vũ khí Israel tự sản xuất, có thể kể đến hệ thống phòng không Vòm Sắt (Iron Dome), hệ thống phòng thủ Arrow và David Sling, tên lửa đạn đạo Jericho và các vũ khí cầm tay như súng lục Desert Eagle, súng máy Negev, súng tiểu liên Uzi, súng trường tấn công Galil.
Với sự hậu thuẫn của Mỹ, Israel cũng được tiếp cận các vũ khí hàng đầu mà Mỹ sản xuất như tiêm kích tàng hình F-35. Tuy Israel chưa từng thừa nhận sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng theo đánh giá của Viện SIPRI, Israel sở hữu khoảng 80 vũ khí hạt nhân.
Iran không ngừng đạt bước tiến trong quân sự bất chấp các lệnh cấm vận của Mỹ.
Iran là cường quốc quân sự ở Trung Đông có bề dày lịch sử lâu đời. Tiền thân của Iran là đế chế Ba Tư hùng mạnh. Iran có 350.000 quân chính quy và 230.000 quân thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia (IRGC). IRGC có các binh chủng tương tự nhưng hoạt động và sở hữu vũ khí riêng biệt với quân đội.
Iran là quốc gia có lực lượng chiến đấu đông đảo nhất ở Trung Đông, bao gồm lực lượng dự bị lên tới 350.000 quân. Ngân sách quốc phòng năm 2022 của Iran là 6,8 tỷ USD.
Giống như Israel, Iran củng cố sức mạnh ở Trung Đông nhờ vào kinh nghiệm trong các cuộc xung đột, đặc biệt là cuộc chiến với Iraq năm 1980 - 1988.
Sau cuộc xung đột, Iran bắt đầu tự phát triển vũ khí, tập trung đẩy mạnh sản xuất máy bay không người lái (UAV). Iran ngày nay là một trong những quốc gia sở hữu công nghệ UAV hàng đầu thế giới. Iran cũng chế tạo thành công loạt tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình thế hệ mới.
Iran cũng tập trung sản xuất các tàu chiến cỡ nhỏ, tàu cao tốc với mục đích kiểm soát eo biển Hormuz - tuyến đường hàng hải quan trọng với 30% lượng dầu mỏ của thế giới được vận chuyển qua. Các yếu tố này giúp Iran sở hữu lực lượng mạnh thứ hai ở Trung Đông.
Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu lực lượng đông đảo thứ hai ở NATO sau Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia nằm ở cửa ngõ Á - Âu và cũng được coi là quốc gia ở Trung Đông. Thổ Nhĩ Kỳ có lực lượng quân đội lớn thứ hai trong liên minh quân sự NATO, chỉ sau Mỹ.
Với 355.000 quân chính quy và 378.000 quân dự bị, Thổ Nhĩ Kỳ có vai trò quan trọng với bất cứ chiến dịch nào của NATO. Thổ Nhĩ Kỳ cũng có lực lượng bán quân sự lên tới 156.000 người, có thể được bổ sung vào lục quân trong thời chiến.
Trong năm 2023, ngân sách quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ ở mức 16 tỷ USD. Nền công nghiệp sản xuất vũ khí trong nước tiên tiến giúp Thổ Nhĩ Kỳ tự sản xuất UAV, tàu chiến, tên lửa hành trình, trực thăng và xe tăng chủ lực Altay (dựa trên xe tăng K2 Black Panther của Hàn Quốc).
Các hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay hầu hết đều thành công. Thổ Nhĩ Kỳ cũng từng hỗ trợ NATO trong chiến tranh Kosovo và cuộc chiến ở Libya năm 2011.
Ai Cập
Dàn xe tăng Abrams của quân đội Ai Cập.
Ai Cập là quốc gia nằm ở Bắc Phi nhưng thuộc Trung Đông và là nước láng giềng Israel . Theo bảng xếp hạng Global Firepower năm 2023, nền quân sự Ai Cập xếp thứ 14 trong 145 quốc gia trên thế giới.
Ai Cập sở hữu 438.000 quân chính quy và 479.000 quân dự bị. Ai Cập là quốc gia sở hữu số lượng xe tăng chủ lực M1 Abrams lớn nhất ngoài Mỹ với hơn 1.000 chiếc và cũng là quốc gia nước ngoài hiếm hoi có thể tự sản xuất xe tăng Abrams theo thỏa thuận với Mỹ.
Ngân sách quốc phòng năm 2022 của Ai Cập đạt 4,6 tỷ USD và chủ yếu mua vũ khí từ nước ngoài. Trong giai đoạn từ năm 1948 - 2017, Ai Cập đã chi 48,1 tỷ USD để mua vũ khí từ Mỹ. Nga cũng là quốc gia cung cấp cho Ai Cập một lượng lớn các hệ thống vũ khí.
Ả Rập Saudi
Ả Rập Saudi sở hữu số lượng chiến đấu cơ F-15 lớn thứ hai chỉ sau Mỹ.
Vương Quốc Ả Rập Saudi là quốc gia có lực lượng quân đội mạnh thứ 5 ở Trung Đông và xếp thứ 22 trên thế giới, theo bảng xếp hạng của Global Firepower.
Với ngân sách quốc phòng lên tới 69,1 tỷ USD trong năm 2023, Ả Rập Saudi nằm trong nhóm các quốc gia chi tiêu cho quân sự lớn nhất thế giới.
Khoảng 80% vũ khí của Ả Rập Saudi được mua từ Mỹ bao gồm xe tăng Abrams, xe chiến đấu bộ binh Bradley, trực thăng Apache, tên lửa phòng không Patriot. Ả Rập Saudi sở hữu số lượng chiến đấu cơ F-15 lớn nhất sau Mỹ với hơn 220 chiếc.
Năm 2015, Ả Rập Saudi dẫn đầu liên minh quân sự can thiệp vào Yemen nhằm chống lại phiến quân Houthi. Cuộc xung đột chững lại sau khi Mỹ ngừng hỗ trợ, buộc Ả Rập Saudi phải ký thỏa thuận ngừng bắn với Houthi.
Đăng Nguyễn - Sputnik