5 loại rau "trường thọ" trồng đầy ở Việt Nam mà nhiều người chưa biết
Những loại rau dân dã này có chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe con người.
Rong biển
Rong biển là loại thực vật có giá trị dinh dưỡng cao. Nhờ sinh trưởng trong môi trường nước mặn, rong biển hấp thu nhiều tinh hoa của đại dương và có chứa hàm lượng iot vượt trội. Rong biển còn giàu protein thô và đường. Ngoài ra, nó còn có hàm lượng canxi dồi dào, nhiều hơn cả ở rau chân vịt, rau cải.
Giáo sư Trương Hồ Đức, Đại học Trung y dược Bắc Kinh cho biết tảo bẹ (một loại rong biển) chứa chất sodium alginate có tác dụng hạ huyết áp, ngừa xơ cứng động mạch, giảm cholesterol, chống bệnh bạch cầu, giảm chứng đau xương cốt.
Bạn có thể dùng rong biển làm salad, nấu canh... đều rất tốt cho cơ thể. Lưu ý, người dạ dày không tốt, phụ nữ mang thai nên hạn chế ăn rong biển.
Dương xỉ
Dương xỉ là một loại rau rừng phổ biến. Loại rau này có giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều protein, chất béo, carbohydrate, khoáng chất, vitamin...
Rau dương xỉ còn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng, chống viêm... Loại rau này phù hợp với những người đang bị bệnh mẩn ngứa, có vết thương lở loét...
Giáo sư Trương Hồ Đức đưa ra lưu ý, khi ăn dương xỉ, chúng ta nên chần rau qua nước sôi để bớt vị chát. Ngoài ra, loại rau này có tính lạnh nên người tỳ vị hư hàn cần hạn chế ăn.
Rau dền
Trong Đông y, rau dền có vị ngọt, tính lạnh, không độc; tác dụng chữa bỏng, mụn nhọt và các bệnh đường hô hấp.
Rau dền có chứa hàm lượng sắt lớn, cao nhất trong các loại rau tươi. Lượng sắt dồi dào trong rau dền sẽ giúp gia tăng lượng hemoglobin và tế bào hồng cầu trong cơ thể, tốt cho người bị bệnh thiếu máu do thiếu sắt.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, ăn rau dền đều đặn sẽ giúp ổn định đường huyết, tốt cho sức khỏe của người bị tiểu đường tuýp 2.
Rau dền tính lạnh nên rất phù hợp để sử dụng trong những ngày thời tiết nóng bức. Ăn rau dền giúp giải nhiệt, giải độc tố trong cơ thể.
Lưu ý, không nên ăn quá nhiều rau dền cùng một lúc vì nó có thể gây ra tình trạng đầy hơi. Rau dền không nên kết hợp cùng quả lê vì có thể gây ra cảm giác buồn nôn. Rau dền tính mát, không thích hợp với những người đang bị tiêu chảy, lạnh bụng...
Rau sam
Ở nước ta, rau sam thường mọc nhiều ở trong vườn và được xem như một loài cỏ dại. Chúng dễ sống, có thể phát triển ở những vùng đất khô cằn, không cần người chăm bón.
Loại rau dân dã này được coi là một vị thuốc trường thọ.
Rau sam có vị thanh, chua nhẹ, cung cấp nguồn dinh dưỡng dồi dào. Cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội) cho biết rau sam (còn gọi là mã xỉ hiện, mã xỉ thái) có vị chua, tính hàn, không độc, vào 3 kinh tâm, can, tỳ.
Rau sam có tác dụng kích thích hệ tiêu hóa, thanh nhiệt, trị nóng. Loại rau này còn chứa các chất có tác dụng như kháng sinh giúp sát trùng, trị mẩn ngứa trên da...
Nghiên cứu của khoa học hiện đại cho thấy rau sam còn chứa nhiều axit béo omega-3 giúp tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa bệnh tim mạch.
Rau càng cua
Người Nhật vốn nổi tiếng với các bí quyết sống thọ đặc biệt. Trong đó phải kể đến chế độ ăn uống hợp lý, khoa học của họ. Người Nhật thích rau càng cua vì nó có hương vị đăng đắng, lạ miệng lại rất tốt cho sức khỏe.
Trong khi đó, với người Trung Quốc, rau càng cua cũng có tác dụng tốt đối với cơ thể, có thể trị đau nhức khớp, trị bỏng, nhọt lở, chấn thương sưng đau...
Ở Philippines, người ta dùng rau càng cua để điều trị các loại nhọt, lở loét.
Ở nước ta, rau càng cua mọc nhiều và thường được xem là loài cỏ dại mà không nhiều người biết rằng nó có tác dụng làm thuốc chữa bệnh.
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội) cho biết trong Đông y, rau càng cua có tác dụng bổ âm huyết, thanh nhiệt, giải độc, thông ứ, chỉ thống, lợi tiểu, trị viêm họng, viêm gan, viêm dạ dày, tiêu hóa kém, nhức xương...