5 kỹ thuật đơn giản giúp bạn giải mã giấc mơ để khám phá bản thân
Giải mã giấc mơ giúp chúng ta khám phá ra được một số đặc điểm tính cách của bản thân mà bình thường không để ý. (Ảnh minh họa: Sunny studio/ Shutterstock)
Ngủ mơ là một hiện tượng thú vị và bí ẩn. Có những giấc mơ biến mất khỏi tâm trí chúng ta ngay khi vừa thức dậy, nhưng có những giấc mơ lại sống động đến mức khiến chúng ta không biết là mơ hay thực và vẫn có thể nhớ rõ. Chính những loại giấc mơ sống động và rõ ràng ấy có thể mang đến cho chúng ta cơ hội quý giá để khám phá bản thân.
1. Ngồi thiền
Ngồi thiền là kỹ thuật giải mộng đơn giản và trực tiếp nhất giúp chúng ta xem xét lại giấc mơ bằng cách đảm nhận vai trò của người quan sát. Để làm điều này, hãy ngồi tĩnh lặng, để tâm trí thư giãn , nhắm mắt lại và cố gắng nhớ lại giấc mơ càng chi tiết càng tốt. Những cảnh tượng nào xuất hiện trong giấc mơ của bạn? Địa điểm có quen thuộc không? Có những ai trong đó?
Sau khi nhớ lại, hãy chuyển trọng tâm sang chính bạn. Vai trò của bạn trong giấc mơ là gì? Những sự kiện gì đã xảy ra? Bạn đã suy nghĩ và có cảm xúc gì? Bạn đã phản ứng như thế nào? Bạn sẽ hành động như thế nào nếu tình huống đó xảy ra trong cuộc sống thực?
Nếu hành vi của bạn trong giấc mơ khác với cách bạn sẽ phản ứng trong đời thực, hãy tạm dừng để xem xét lại tính cách bản thân. Bạn có nới lỏng các tiêu chuẩn của mình trong giấc mơ khi ý thức đang ở trạng thái buông lỏng không? Bạn nên làm gì để có thể giữ vững bản thân trong bất kỳ hoàn cảnh nào? Suy xét này sẽ giúp bạn củng cố thêm sức mạnh ý chí nếu bạn thực sự muốn cải thiện bản thân.
Nếu phản ứng của bạn trong giấc mơ giống như cách bạn sẽ phản ứng ngoài đời thực, thì bạn nên xem xét lý do tại sao việc đó lại xuất hiện trong mơ. Đôi khi những giấc mơ xuất hiện không hề ngẫu nhiên mà ẩn giấu những suy nghĩ hay mong muốn của chúng ta trong đó.
2. Vẽ sơ đồ tư duy
Một cách tiếp cận thực tế hơn để giải thích giấc mơ là viết chúng ra giấy dưới dạng sơ đồ. Để có cái nhìn rõ ràng về các yếu tố trong giấc mơ và mối liên hệ giữa chúng, hãy xem xét việc lập sơ đồ tư duy.
Sơ đồ tư duy cơ bản
Hãy viết sự kiện chính trong mơ ở trung tâm của sơ đồ. Sau đó, phân nhánh các khía cạnh khác nhau của giấc mơ theo mọi hướng, bao gồm các yếu tố bên ngoài (chẳng hạn như các nhân vật và địa điểm) cũng như các yếu tố bên trong ( chẳng hạn như suy nghĩ và phản ứng của bạn).
Nếu một khía cạnh của giấc mơ bao gồm nhiều yếu tố hơn nữa — như mùi vị, âm thanh hoặc màu sắc — bạn có thể vẽ nối thêm các nhánh.
Sơ đồ cây
Để xem xét các giấc mơ một cách có tổ chức và hệ thống hơn, hãy thử dùng sơ đồ cây. Loại sơ đồ tư duy này giúp chúng ta phân loại thông tin ngay từ đầu và có ý tưởng rõ ràng về các yếu tố tạo nên giấc mơ đó. Nó cũng giúp cho việc truy xuất thông tin chi tiết trong giấc mơ được dễ dàng hơn.
Sơ đồ dòng chảy
Giấc mơ cũng có thể được thể hiện dưới dạng các chuỗi. Thông qua việc sử dụng sơ đồ dòng chảy, chúng ta có thể xác định các mối quan hệ nhân quả và phân biệt những sự kiện hoặc hoàn cảnh cụ thể nào đã thúc đẩy chúng ta phản ứng theo cách chúng ta đã làm trong giấc mơ.
Sơ đồ hệ thống
Đối với những giấc mơ phức tạp liên quan đến nhiều sự kiện thì sơ đồ hệ thống rất hữu ích. Thay vì có một sự kiện trung tâm duy nhất, sơ đồ này giúp thể hiện nhiều sự kiện liên kết với nhau.
Bằng cách chỉ ra các yếu tố chính của mỗi sự kiện và những diễn giải khả dĩ cho chúng, chúng ta có thể tìm thấy những mối liên hệ cơ bản giữa các sự kiện này với một chủ đề lớn hơn.
3. Ghi lại giấc mơ
Nếu bạn là người thích viết nhiều hơn thì bạn có thể ghi lại những giấc mơ của mình trong một cuốn nhật ký giấc mơ. Đây là một phương pháp dễ dàng có thể giúp bạn xác định những suy nghĩ và quan niệm nằm trong tiềm thức mà bình thường không để ý.
Viết ra những sự kiện diễn ra trong mơ và để tâm trí của bạn kể lại câu chuyện. Ghi lại tất cả các chi tiết và đảm bảo thành thật về những suy nghĩ của bản thân ngay cả khi bạn không thích chúng. Rốt cuộc, suy nghĩ của bạn không phải là bạn, nhưng việc xác định chúng là cần thiết nếu bạn muốn thay đổi những suy nghĩ đó.
Khi bạn đã thu thập tất cả thông tin có giá trị này, hãy suy xét: Giấc mơ này mang lại ý nghĩa gì? Liệu bạn có hành xử giống như trong mơ không? Hành vi của bạn bắt nguồn từ những quan niệm gì? Làm thế nào để quan niệm này thể hiện trong cuộc sống thực?
Viết ra những giấc mơ cùng những suy nghĩ có thể cho bạn một bức tranh rõ ràng về trạng thái bản thân ở cấp độ ý thức và tiềm thức. Nắm bắt cơ hội để phân tích xem những suy nghĩ và quan niệm này đã định hình con người bạn như thế nào và liệu chúng có hợp lý và hữu ích hay không. Nếu điều này truyền cảm hứng cho bạn thay đổi, thì giấc mơ có lẽ đã thực hiện được mục đích của nó.
4. Diễn giải giấc mơ bằng hình ảnh
Nếu bạn thấy khó khăn trong việc viết ra suy nghĩ trong mơ, hãy thử diễn đạt bằng hình ảnh. Bạn không cần phải là một nghệ sĩ tài năng để thể hiện ý tưởng của mình thông qua nghệ thuật . Dành một chút thời gian để nhớ lại những cảnh đã xuất hiện và tái tạo chúng thông qua vẽ, tô màu hoặc thậm chí là điêu khắc.
Một số giấc mơ có thể được thể hiện đầy đủ trong một bản phác thảo duy nhất, trong khi những giấc mơ khác được mô tả tuần tự qua nhiều bản. Cô đọng giấc mơ thành một bố cục có thể cung cấp cho bạn hướng dẫn trực quan để hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa giấc mơ và trạng thái nội tâm của bạn.
5. Trò chuyện về giấc mơ
Bạn đã bao giờ gặp tình huống khi bạn đang nói chuyện với người khác thì đột nhiên dừng lại giữa chừng vì bạn đã hiểu ra điều gì đó? Hoặc tự dưng bạn thay đổi quan điểm của mình về một chủ đề nào đó trong khi người kia vẫn đang im lặng lắng nghe?
Bằng cách sử dụng các kỹ năng nói và nghe, trò chuyện giúp chúng ta xử lý thông tin được mã hóa trong suy nghĩ kỹ lưỡng hơn. Thông qua diễn đạt bằng miệng, giấc mơ được chuyển từ những suy nghĩ trong tiềm thức thành một thông điệp được chia sẻ cởi mở.
Mặc dù những người khác có thể mang đến cho bạn một góc nhìn độc đáo, nhưng bạn vẫn là nhân vật chính trong việc việc giải thích những giấc mơ của bạn. Bạn là người duy nhất có thể phân tích chúng theo những kinh nghiệm bạn đã tích lũy trong cuộc sống, theo niềm tin và những khát vọng bạn nuôi dưỡng trong trái tim mình.
Khi chúng ta có thói quen đánh giá những giấc mơ của mình với mục đích khám phá bản thân, chúng có thể cung cấp cho chúng ta những thông tin hữu ích về thế giới nội tâm. Một bộ óc nhạy bén cũng sẽ khám phá ra rằng phương pháp liên tục đánh giá bản thân có thể giúp giấc mơ trở thành một công cụ kỳ diệu trên con đường không ngừng hoàn thiện bản thân.
Ngọc Chi, Vision Times
Điều gì làm nên “giấc mơ” Shen Yun? “Nếu trong cuộc đời của chúng ta có rất nhiều mơ ước thì đây là một chương trình đẹp hơn những giấc mơ”