5 kiến nghị nhân 'điểm chuẩn xét học bạ tăng mạnh'

Chia sẻ Facebook
18/07/2022 04:07:55

Nhiều người đã thấm vị đắng của xét tuyển đại học thế nào, điểm học bạ thế ấy. Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương gửi 5 kiến nghị cho vấn đề này.

Thí sinh TP.HCM tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 - Ảnh: TRỌNG NHÂN


Hai bài viết trên Tuổi Trẻ : " 30 điểm vẫn chưa đậu đại học phương thức xét học bạ " (ngày 15-7) và "Tuyển sinh đại học 2022: Điểm chuẩn xét học bạ cao ngất ngưởng ", nêu lên tình trạng điểm chuẩn tăng chóng mặt, từ 2 đến 8,5 điểm.


Có thầy hiệu trưởng còn ví von "điểm học bạ nhảy như tôm càng xanh ". Tôi và chắc là nhiều đồng nghiệp như thấm vị đắng của xét tuyển đại học thế nào thì điểm học bạ thế ấy.


"Nước cờ" của trường THPT

Học bạ đẹp - nếu chỉ quy kết cho trường tư thì "đúng nhưng chưa đủ". Trường công lập chất lượng thấp thì sao? Phải tính toán cho trò 12 đạt "2 trong 1".

Điểm trung bình các môn học gần như đạt từ 6.0 trở lên, hiếm hoi lắm mới có học sinh đạt điểm trung bình dưới 6.0. Với điểm đó, thêm điểm khuyến khích nghề phổ thông và điểm bốn bài thi (văn, toán, ngoại ngữ, bài thi tổ hợp KHTN hay KHXH) chỉ cần hơn 4 điểm chút xíu là đậu.

Trường chất lượng cao, trường chuyên cũng có "nước cờ". Tổ hợp dùng để xét tuyển đại học bằng phương thức học bạ (theo nguyện vọng của thí sinh) được ưu ái cao nhất có thể - thầy trò cùng vui!

Các trường chuyên, song song với đầu tư môn chuyên, là mưa điểm cao các môn khác. Tổng kết năm học vừa rồi, một học sinh chuyên có điểm trung bình các môn cận kề 8.0, nhưng đó là điểm thuộc top dưới của lớp.

Áp lực thi và những biện pháp quá ngắn so với tầm giáo dục vốn có và cần phải có đã đẩy điểm học bạ vượt xa khả năng thực tế của các trường.


Đâu là giải pháp?

Tuyển sinh đại học dựa vào xét học bạ không có lỗi, nhưng chủ trương ban hành khi các điều kiện áp dụng chưa bổ trợ cho nhau vì mục đích tốt đẹp và thiếu kiểm tra làm phát sinh dối gian. Đáng lo hơn là thực trạng ấy diễn ra có hệ thống, được không ít cán bộ quản lý, giáo viên ở các trường hoặc ngấm ngầm hoặc công nhiên thỏa hiệp.

Nhiều thí sinh đến với kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 khi đã trúng tuyển một số trường đại học bằng hình thức xét tuyển học bạ - Ảnh minh họa: TRỌNG NHÂN


Xin kiến nghị mấy giải pháp sau :


Một là , đánh giá toàn diện, khách quan, trung thực các phương thức xét tuyển vào đại học, nhất là phương thức xét học bạ THPT (có kết hợp) trên cơ sở đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, theo xu thế hội nhập, học hỏi từ các nước có nền giáo dục phát triển tốt để định hình sách lược kiểm tra, đánh giá mà thông qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy học thật, thi thật, nhân tài thật.


Hai là , không thể thay đổi chóng vánh phương thức xét học bạ THPT. Với học sinh 12 năm học 2022 - 2023, các em và nhà trường đã có sự chuẩn bị từ hai năm học trước. Nhưng, có "hậu kiểm" - thêm một điều kiện - để lọc bớt những học bạ được làm đẹp không thực chất.

Xây dựng bộ tiêu chí dùng làm hệ quy chiếu cho các phương thức xét tuyển đại học, thúc đẩy đánh giá quá trình dạy - học trung thực, kết hợp đánh giá theo kết quả đầu ra nhằm tuyển đúng, trúng học sinh vào đại học.


Ba là , điều kiện dạy - học khác nhau, chất lượng các trường không đồng đều. Nếu đánh đồng điểm học bạ giữa các trường là thiếu cả cơ sở thực tiễn và cơ sở khoa học.


Việc thống kê kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT đến từng trường đã làm từ mấy năm qua. Nay cần tiếp tục chặt chẽ hơn để lấy kết quả đó như một tiêu chí phụ cho phương thức xét học bạ THPT.


Đành rằng điểm thi và điểm học bạ trong một số trường hợp không tương thích do tính chất của 2 kỳ kiểm tra, đánh giá có khác, nhưng, với mẫu thống kê đáng tin cậy thì vẫn có thể thêm một căn cứ để lọc học bạ đẹp mà ảo!


Bốn là , làm tốt kiểm định chất lượng các trường THPT. Nên xã hội hóa lĩnh vực này, công khai kết quả để mọi người được biết.

Cùng với đó là siết chặt các kỳ kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ (học kỳ I và II); như kiểm tra chéo giữa các trường, dùng đề chung của tỉnh/thành phố, chấm thanh tra bài thi, kiểm tra đề thi của các trường, trường công giám sát học bạ trường tư như đã làm trước đây... Tuy có nặng nề, song còn hơn là "nuôi dưỡng" tệ giả dối trong dạy học, kiểm tra.


Năm là , dần thay đổi tiến đến đánh giá học sinh bằng năng lực để tuyển sinh đại học. Qua đó, rèn học sinh năng lực tư duy, phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ.

Thông qua tự học, trau dồi kỹ năng sống, thiết thực giúp thầy và trò hợp tác với nhau vì mục tiêu đào tạo con người, chứ không phải dạy - học vì điểm số; lấy điểm số giả dối làm thước đo sản phẩm giáo dục là phi giáo dục!


Dạy người không vội được đâu!

Quản lý ngành giáo dục vẫn chưa giải quyết vấn đề học thật - thi thật - nhân tài thật và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT. Hai mặt này tác động lẫn nhau mạnh mẽ, bổ trợ cho nhau, thúc đẩy giáo dục phát triển.

Xác định mục đích học tập, khởi nghiệp và quá trình đánh giá trung thực thì vào đại học chỉ là một trong nhiều lựa chọn, càng không phải lựa chọn tốt nhất cho tất cả học sinh.

Điểm số là kết quả ghi nhận tiến bộ của bản thân, từ nỗ lực cá nhân. Học bạ đẹp không phải vì điểm số cao, sâu xa hơn là nhận xét sâu sắc của nhà sư phạm và là sự tư vấn để giới trẻ học đường tiếp bước vào đời.

Thầy cô giữ nhiệm vụ quản lý, giảng dạy lấy đánh giá trung thực làm mục tiêu cho xây dựng kế hoạch giáo dục và tu dưỡng đạo đức nhà giáo.

Bộ Giáo dục và đào tạo cần đưa vào nhiệm vụ trên đây làm nhiệm vụ trọng tâm của mấy năm học tới đây, thiết nghĩ, cần một khoảng thời gian từ 7 đến 10 năm.

Dạy người, vội không được đâu! Càng không để xảy ra những câu chuyện điểm chuẩn xét tuyển học bạ cao ngất và tương tự. Ngược dòng học thật, thi thật thì hệ lụy khôn lường!

Điểm chuẩn xét học bạ nhiều trường đại học năm nay tăng mạnh so với năm trước, thậm chí có không ít ngành điểm chuẩn vượt... 30 điểm.

Chia sẻ Facebook