5 đứa trẻ đói ăn trong căn chòi dột nát: "Nhà con nghèo lắm rồi, mẹ đừng sinh em nữa"
Ngồi trên chiếc giường tre ọp ẹp, 5 đứa trẻ lem luốc nép mình vào người mẹ, chốc chốc lại hướng mắt về phía đầu ngõ để chờ cha đi làm về. Từ nhiều năm nay, cuộc sống của gia đình chị Kiên Thị Nhạn chưa một ngày bớt khổ khi nhà nghèo, lại đẻ quá nhiều con.
5 đứa trẻ nheo nhóc, đói ăn
Nhắc đến gia đình chị Nhạn, người dân ở xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh không còn xa lạ với hình ảnh 5 đứa trẻ nheo nhóc bồng bế nhau đi khắp xóm, đứa lớn mới 11 tuổi, đứa nhỏ vừa tròn 8 tháng.
Dù được chính quyền địa phương và bà con xung quanh giúp đỡ, nhưng vì đẻ quá nhiều con, gánh nặng cơm ngày 3 bữa phụ thuộc vào tiền làm mướn của anh Thạch Sang (37 tuổi), nên cuộc sống của gia đình chị Nhạn cứ lay lắt, bữa đói bữa no.
Ẵm đứa con gái 8 tháng tuổi trên tay, chị Nhạn cho biết sau khi kết hôn với anh Sang, vì ít học, không có đất đai, nhà cửa nên cả 2 vợ chồng cũng chỉ quanh quẩn ở nhà, ai kêu gì làm nấy. Những đứa trẻ cứ lần lượt ra đời trong cảnh túng thiếu, nợ nần.
"Bên xã cũng hỏi sao đẻ nhiều vậy. Em cũng không biết nữa, hồi đẻ đến đứa thứ 3 chắc nghĩ không ra nữa đâu (em bé), mà cuối cùng cũng ra nữa. Ảnh đi làm mướn, em ở nhà giữ con, nấu cơm không hà",
Mỗi ngày, anh Sang đi cuốc đất mướn, gặt lúa cho người ta, ngày nào có việc làm thì kiếm được 200 ngàn, ngày nào không ai mướn, nhà hết gạo, chị Nhạn phải qua hàng xóm mượn, khi nào có lại trả.
Trên chiếc giường mục nát, 6 mẹ con ngồi sát lại gần nhau, cơn mưa rả rích buổi chiều khiến những đứa trẻ thêm đói bụng. Là anh cả trong nhà, Thạch Minh (11 tuổi) cho biết từ khi em sinh ra cho đến nay, chưa một ngày nào mấy anh em của Minh được ăn no, hai đứa nhỏ nhất nhà cứ khóc thét vì đói bụng, khát sữa.
"Có hôm cha con không ai mướn làm, nhà hết gạo, con với cha ra đồng đi bắt ốc về ăn. Con ăn cơm với cá đi chụp, lâu lắm rồi con không được ăn thịt",
Nhà con nghèo lắm rồi, mẹ đừng sinh em nữa …
Ngồi lọt thỏm trước cửa nhà, Thạch Thủy Linh chia nhau phần bánh chúng tôi mang đến cho những đứa em. Dù mới 8 tuổi nhưng chăm em, làm việc nhà, Linh đều tháo vát.
"Con học lớp 2, con ở nhà chơi với em, con thích em lắm nhưng không thích mẹ đẻ nữa"
Tuy hoàn cảnh khó khăn, nhưng điều đáng quý là cả 2 đứa con của chị Nhạn đến tuổi đi học đều đã được đến trường như những bạn bè cùng trang lứa. May mắn đang theo học lớp 5, Thạch Minh phần nào hiểu được sự khó khăn, vất vả mà gia đình em phải đối mặt. Cái nghèo đói cứ bám víu mãi gia đình em.
Hôm trước con xin cha mẹ nghỉ học để đi làm phụ mà cha mẹ không cho. Con đi lặt lá, ai kêu gì con làm nấy, mỗi bữa được 20-50 ngàn. Thấy mẹ đẻ nhiều con buồn, giờ mà mẹ đẻ nữa con không cho đâu. Nhà con nghèo lắm rồi, mẹ đừng sinh em nữa…",
Cũng giống như Minh, những đứa con của chị Nhạn phần nào đó hiểu được sự thiếu thốn của gia đình mình khi quá đông anh chị em mà cha mẹ không đủ khả năng xoay xở.
Nhìn 5 đứa con ngây dại, co ro trong căn nhà dột nát, chị Nhạn chẳng biết làm cách nào để giúp mấy đứa trẻ được ăn no, mặc ấm. Khi được hỏi vì sao sinh quá nhiều con khi hai vợ chồng đều không có công việc ổn định, chị Nhạn cho biết cũng có uống thuốc ngừa thai nhưng vẫn sinh em bé.
- Giờ chị đẻ đến đứa thứ 5 rồi, có tính đẻ tiếp nữa không?
- "Không, không, ngừng lại rồi. Bác sĩ cho em đi kế hoạch rồi, bác sĩ cho uống thuốc, em không muốn đẻ nữa đâu…"
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Mỹ Hiền – Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc cho biết gia đình chị Nhạn thuộc hộ nghèo của xã quản lý. Mặc dù phía xã cũng đã cố gắng vận động, kêu gọi mạnh thường quân để giúp đỡ, hỗ trợ nhưng vì sinh quá nhiều con, chỉ có 1 người đi làm khiến cuộc sống của gia đình chị Nhạn luôn gặp khó khăn.
Riêng về vấn đề kế hoạch hóa, bà Hiền cho biết xã đã đến nhà vận động, hàng tháng đều phát thuốc ngừa thai…, nhưng một phần thiếu hiểu biết nên cả hai vợ chồng đã có 5 người con.
Câu nói của chị Nhạn: "Em không muốn đẻ nữa đâu…", khiến chúng tôi băn khoăn mãi. Nhìn những đứa trẻ chen nhau trong căn nhà tạm bợ, dột nát, chúng tôi chỉ mong quý độc giả gần xa có thể quan tâm, hỗ trợ để tụi nhỏ có điều kiện để đến trường, cơm ngày 3 bữa được đủ no.
Mọi sự đóng góp xin vui lòng liên hệ số điện thoại chị Nhạn: 0328225790. Hoặc thông qua số tài khoản ngân hàng Vietcombank: 1031528763. Chủ tài khoản: Kiên Thị Nhạn, chi nhánh tỉnh Trà Vinh. Xin chân thành cảm ơn!