5 điều mà trái tim sợ nhất nhưng rất nhiều người trẻ vẫn làm mỗi ngày, đừng trách sao bệnh tim đến sớm
Ai cũng biết tầm quan trọng của trái tim nhưng lại rất ít người biết cách bồi bổ và bảo vệ nó.
Trái tim là 1 trong những cơ quan quan trọng hàng đầu trong cơ thể. Nó bơm máu khắp cơ thể, làm việc trong suốt 24 giờ một ngày, 365 ngày một năm để duy trì sự sống và hoạt động của con người.
Để tim hoạt động hiệu quả và ngăn ngừa bệnh về tim, người trẻ tuổi nên học cách sửa ngay 5 thói quen xấu sau đây:
1. Ăn thừa muối
Theo khuyến cáo của WHO, mỗi người trưởng thành chỉ nên sử dụng khoảng dưới 5g muối/ngày (tầm 1 thìa cà phê muối). Nhưng trên thực tế, phần lớn mọi người đều tiêu thụ gấp đôi lượng muối so với khuyến cáo trên của WHO (tương đương 10g/ngày).
Đặc biệt, chế độ ăn mặn, ăn thừa muối là 1 trong những thói quen ăn uống hại sức khỏe rất phổ biến ở người trẻ tuổi. Họ thích các món được nêm nếm đậm đà, dùng nhiều loại gia vị, nước sốt ăn kèm hay thường xuyên ăn đồ chế biến sẵn, đóng hộp rất nhiều muối.
Trong khi đó, ăn thừa muối sẽ làm tăng nguy cơ gây nên các bệnh về tim mạch như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ…Nguyên nhân là do natri hút nước từ thành của động mạch vào trong mạch máu, làm cho động mạch bị thu hẹp lại, trong khi lượng nước và áp suất lại càng tăng lên. Tăng huyết áp dễ dẫn đến một số căn bệnh nguy hiểm khác như: bệnh thận, đau tim, đột quỵ và xuất huyết não.
2. Thức khuya, thiếu ngủ
Đêm là khoảng thời gian để cơ thể nghỉ ngơi, nên vào khoảng thời gian này nhịp tim thường hạ, mạch máu chậm. Việc thức khuya quá nhiều sẽ khiến cho nội tạng không hoạt động đúng nhịp như bình thường, nhịp tim không thể điều chỉnh được kịp thời, dễ gây ra các bệnh về tim mạch, huyết áp.
Nghiên cứu dịch tễ học về đột quỵ đã xác minh các yếu tố tái phát đột quỵ ở người trẻ trong 10 năm qua, kết quả cho thấy thức khuya đã trở thành một yếu tố nguy cơ độc lập của đột quỵ. Thiếu ngủ, dẫn đến các biến cố cấp tính hoặc mãn tính trong mạch máu. Phân tích cho thấy những người ngủ ít hơn 6 tiếng có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, tim mạch cao hơn 35% .
3. Uống bia rượu quá mức
Uống rượu bia quá mức ra rất nhiều bệnh tật, bao gồm cả những bệnh về tim mạch, mạch máu não. Nghiên cứu cho thấy, những người uống 10 ly rượu trở lên mỗi tuần sẽ tử vong sớm hơn 1 - 2 năm so với những người uống ít hơn 5 ly mỗi tuần.
Nguyên nhân là rượu chứa chất có khả năng gây độc cho tim, làm suy yếu cơ tim, tăng nguy cơ mắc chứng loạn nhịp tim như rung nhĩ. Nó cũng làm tim đập nhanh, làm tim quá tải, tổn thương mô cơ tim và làm cho nó không hoạt động được bình thường và sinh bệnh tật.
Thậm chí, rượu vang đỏ được chứng minh có lợi cho tim mạch nhưng không phải ai cũng có thể uống, nhất là khi uống với lượng nhiều hơn khuyến nghị.
4. Hút thuốc
Hút thuốc dù ít cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Nó có liên quan đến nhiều loại bệnh lý tim mạch như xơ vữa động mạch, bệnh động mạch vành (đột tử, hội chứng vành cấp, đau thắt ngực ổn định và suy tim), đột quỵ, phình động mạch chủ bụng, bệnh động mạch chi dưới…
Thuốc lá ở mọi dạng, bao gồm cả xì gà và thuốc lá không khói cũng làm tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ và đột quỵ. Đặc biệt hút thuốc lá thụ động (hít phải khói thuốc) cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch như người hút chủ động. Người hít phải khói thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc tại nơi làm việc sẽ bị tăng 30% nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
5. Căng thẳng kéo dài, dễ tức giận
Cuộc sống ngày nay khiến rất nhiều người trẻ tuổi liên tục phải sống trong nhiều loại áp lực, nhất là áp lực công việc.
Mức độ căng thẳng cao có thể tác động tiêu cực đến trái tim, nhất là khi bạn để căng thẳng kéo dài. Căng thẳng là yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim do làm tăng huyết áp, tăng cholesterol và lượng đường trong máu.
Tên thực tế các nghiên cứu cho thấy, những người bị trầm cảm hoặc dễ cáu gắt cũng có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn. Bởi vì khi tức giận quá độ, tim sẽ đập nhanh hơn, hơi thở gấp gáp hơn. Nếu không được kiểm soát kịp thời, cơn nóng giận sẽ làm tăng nguy cơ đau tim, thậm chí đột quỵ.
Thật khó để tránh xa áp lực, căng thẳng nhưng ít nhất hãy học cách lựa chọn và giải tỏa chúng 1 cách lành mạnh. Tìm kiếm môi trường tốt hơn để làm việc. tìm cho mình 1 người tin tưởng để tâm sự, tìm những sở thích tốt… hoặc nhờ đến sự giúp đỡ của bác sĩ tâm lý là ý kiến không tồi!
Ngoài ra, cũng không nên ngồi quá lâu 1 chỗ không vận động hay tập thể dục thể thao quá sức vì bất kỳ mục đích gì. Học cách xây dựng tư duy tích cực, chế độ ăn uống lành mạnh và kiểm tra sức khỏe tim mạch định kỳ. Uống khoảng 200ml nước ấm trước khi đi ngủ 30 phút hoặc ngay sau khi thức dậy cũng là 1 thói quen “nhỏ mà có võ” trong bảo vệ tim mạch đấy!
Nguồn và ảnh: Aboluowang, WHO, Asia One