5 điều bố mẹ những đứa trẻ kiên cường, thông minh thường làm khi con họ trải qua khó khăn

Chia sẻ Facebook
26/06/2022 19:02:23

Đường đời sẽ có lúc thuận lợi, lúc chông gai, việc của người làm cha mẹ là hãy giúp con bình tĩnh đón nhận những khó khăn ấy.

Chúng ta đều mong nuôi dạy được những đứa trẻ tự tin, kiên cường và hòa nhập tốt với xã hội.  Với tư cách là một chuyên gia tâm lý với lĩnh vực nghiên cứu trọng tâm là sự phát triển của các thanh thiếu niên, tôi thấy rằng vấn đề mấu chốt là cha mẹ có biết cách giúp con cảm thấy vững dạ và yên tâm ngay từ khi chúng còn nhỏ hay không.


Công nhận cảm xúc của con - công cụ dạy con hiệu quả

Trẻ em, đặc biệt là các thanh thiếu niên đôi khi sẽ cần được công nhận hoặc đảm bảo rằng những gì chúng đang nghĩ hoặc cảm thấy là hoàn toàn bình thường, là không có gì sai trái. Các nhà tâm lý học cho rằng chính sự công nhận đó là một trong những công cụ dạy con hiệu quả nhất của các bậc cha mẹ. Thế nhưng, thật đáng tiếc là nó lại thường bị họ bỏ qua.

(Ảnh minh họa: Internet)


Cũng cần phải làm rõ rằng sự công nhận những cảm xúc của con không có nghĩa là bạn phải tha thứ hoặc đồng tình với mọi hành động của con. Đơn giản, đó là khi bạn lắng nghe, thấu hiểu và chấp nhận chúng. Điều này có thể sẽ dạy cho con của bạn biết cách đặt tên cảm xúc của chúng và sẽ thích nghi tốt hơn với các môi trường xã hội, từ đó cũng sẽ tăng chỉ số cảm xúc.

Dưới đây là cách mà những bậc cha mẹ thành công trong việc nuôi dạy những đứa con kiên cường, thông minh thường làm khi con họ trải qua khó khăn.


5 điều các bậc cha mẹ có con kiên cường thường làm


1. Họ bình thường hóa các trải nghiệm

Tình bạn giúp trẻ em phát triển những kỹ năng xã hội quan trọng, ví dụ như hòa hợp với người khác và giải quyết các xích mích, bất hòa. Nhưng không có tình bạn nào là hoàn hảo cả.

(Ảnh minh họa: Internet)

Hãy nhắc nhở con bạn rằng mọi tình bạn, cũng như bất kỳ một mối quan hệ nào khác đều có những lúc thăng trầm. Trong những mối quan hệ lâu dài, tình bạn thân thiết sẽ không thể tránh khỏi những lúc khiến người trong cuộc cảm thấy tức giận hay thất vọng về đối phương.

Hãy kể cho con bạn về những lần vấp ngã, những "tai nạn" trong các mối quan hệ mà các anh chị em ruột hoặc anh chị em họ của chúng đã từng trải qua khi bằng tuổi của chúng. Những câu chuyện đó sẽ là các bằng chứng thực tế cho thấy chúng không hề cô đơn và không nên cảm thấy xấu hổ.


2. Họ có những hành động vỗ về con

Những cái ôm, sự vỗ về con cái từ bố mẹ luôn có tác động tích cực và ngay lập tức, trừ phi con bạn không thích những sự động chạm này. Thậm chí, chúng còn hiệu quả hơn cả sự động viên về mặt lời nói.

(Ảnh minh họa: Internet)

Một số nghiên cứu đã cho thấy tác dụng của các hành động này. Ví dụ, được ôm sẽ giúp con người ta hạ huyết áp, cảm thấy an toàn và được chăm sóc hơn.

Giả dụ con bạn đang cảm thấy buồn vì chuyện gì đó. Trước khi nói điều gì, bạn có thể xoa lưng con, ôm con hoặc nắm tay con. Một đứa trẻ học lớp 5 từng bảo mẹ của mình: "Khi buồn, con chỉ cần mẹ ôm con thật chặt và nói, 'Chuyện đó đúng là tệ thật. Quá tệ hại'".

Không bắt đầu cuộc nói chuyện ngay lập tức còn cho con của bạn có đủ thời gian để chuẩn bị nói về những trải nghiệm buồn bã đó.

3. Họ dạy con rằng chất lượng quan trọng hơn số lượng

Những đứa trẻ ở tuổi thanh thiếu niên thường đong đếm giá trị của bản thân bằng số lượng bạn bè xung quanh mình. Chúng không nhận ra một điều là chất lượng tình bạn còn quan trọng hơn số lượng tình bạn. Một nghiên cứu cho thấy các cô bé, cậu bé tuổi teen có nhiều bạn bè, nhưng trong số đó đa phần là những người bạn học hời hợt thì sẽ trở nên lo lắng và bất an hơn khi chúng đến tuổi trưởng thành.

(Ảnh minh họa: Internet)

Ngoài ra, ngược lại so với hầu hết suy nghĩ của trẻ em, việc nổi tiếng không hề giúp giảm bớt cảm giác cô đơn. Khi một đứa trẻ nổi tiếng thông qua những lời đồn, ví dụ trên mạng xã hội chẳng hạn, thì sự nổi tiếng ấy thường là không bền vững và rất khó để duy trì.

Hãy giúp con hiểu được rằng chúng không cần hàng trăm người bạn, dù là trên mạng xã hội hay ngoài đời thật. Một hay một vài người bạn trung thành, tử tế và đáng tin cậy thì còn tốt hơn có nhiều bạn nhưng khi gặp khó khăn thì chẳng ai sẵn sàng giúp đỡ chúng.

Các nghiên cứu cũng cho thấy việc có ít nhất một tình bạn lành mạnh, vững bền sẽ giúp con bạn có kết quả học tập tốt hơn cũng như duy trì sự ổn định về mặt tâm lý.


4. Họ tập trung vào những điều tích cực

Tôi thường thấy bọn trẻ mất thời gian và tâm sức vào những nỗi thất vọng nhỏ nhặt mà quên đi những điều tích cực trong cuộc sống của chúng.

Vì thế, trong khi bạn thông cảm với những nỗi buồn của con thì cũng đừng quên giúp chúng tập trung vào những chiến thắng, những niềm vui, những mảng sáng của một bức tranh tổng thể.


5. Họ đem đến cho con niềm hy vọng

Hãy nói với con rằng mặc dù chúng đang trải qua một giai đoạn khó khăn thì nó sẽ không kéo dài mãi mãi. Mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn. Những tình huống sẽ thay đổi vì các con sẽ thay đổi.

Chúng chỉ cần kiên nhẫn trong quá trình trưởng thành. Ví dụ, nếu chúng cố gắng tạo ra sự thay đổi trong tình bạn của mình, hãy nhắc nhở rằng việc thay đổi cũng cần thời gian. Hiện tại, điều chúng có thể kiểm soát được là cách chúng hành động trong các tình huống khó khăn.


Tiến sĩ Roni Cohen-Sandler là một nhà tâm lý học lâm sàng người Mỹ. Bà cũng là một diễn giả chuyên nói về các mối quan hệ giữa mẹ và con gái. Ngoài ra, bà còn là tác giả của cuốn sách "Anything But My Phone, Mom!" (Tạm dịch: Gì cũng được, trừ điện thoại của con ra mẹ ơi ).

Bà Roni cũng từng cộng tác với các tờ báo lớn như The New York Times, Newsweek, Marie Claire, và Teen Vogue. Cùng với chồng, bà thường đi đi lại lại giữa Connecticut và Los Angeles.


Bài viết trên là một đoạn trích có chỉnh sửa từ cuốn sách: "Anything But My Phone, Mom! Raising Emotionally Resilient Daughters in the Digital Age." ( Tạm dịch: Gì cũng được, trừ điện thoại của con ra mẹ ơi. Nuôi dạy những cô con gái kiên cường trong thời đại kỹ thuật số ).


Theo CNBC


theo Thanh Hương

Tri thức trẻ

Chia sẻ Facebook