5 cực tăng trưởng phát triển kinh tế vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ
Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn sẽ là cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Sáng 27/8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Với chủ đề “Tiềm năng - Cơ hội - Hợp tác phát triển”, Hội nghị được tổ chức tại Tp. Lào Cai dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Đây là hội nghị “3 trong 1”, được tổ chức không chỉ với mục đích công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11 mà còn xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Vùng.
Để triển khai hiệu quả và sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 96/ về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 nhằm thống nhất trong công tác chỉ đạo của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ trong việc quán triệt, triển khai quyết liệt thực hiện Nghị quyết.
Cụ thể, chương trình hành động của Chính phủ đã xác định các mục tiêu và 21 chỉ tiêu cụ thể về phát triển kinh tế, xã hội, môi trường của Vùng đến năm 2030.
Trong đó có một số mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng như: tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 8-9%; quy mô kinh tế Vùng đến năm 2030 đạt 2.100 nghìn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 140 triệu đồng/năm; tỉ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 2-3%/năm, 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỉ lệ che phủ rừng khoảng 54-55%,...
6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp
Để thực hiện, chương trình hành động đã đưa ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Một là, đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của xã hội trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị.
Hai là hoàn thiện thể chế phát triển và liên kết vùng, trong đó tập trung hoàn thành lập và phê duyệt quy hoạch Vùng và quy hoạch các địa phương trong Vùng; thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng; ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại và thông minh, gắn với phát triển các hành lang kinh tế.
Ba là phát triển kinh tế nhanh, bền vững với trọng tâm là đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số; phát triển các ngành, lĩnh vực có thế mạnh và tiềm năng của vùng; đồng thời, tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, đất đai, bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bốn là phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực cho đồng bào dân tộc thiểu số, coi đây là một trong những khâu đột phá cho phát triển nhanh và bền vững Vùng.
Tập trung nguồn lực và khuyến khích xã hội hóa thực hiện các cơ chế, chính sách trợ giúp xã hội, chương trình hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ nhà ở gắn với thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.
Năm là bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh. Sáu là tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên được cụ thể hóa thành 17 nhiệm vụ, đề án, 33 dự án hạ tầng giao thông kết nối thực hiện trong giai đoạn 2021-2030 với sự phân công và lộ trình thời gian thực hiện rõ ràng.
Một trong những nội dung đáng chú ý trong mục tiêu, tầm nhìn mới đặt ra, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ chính là hình thành và phát triển các hành lang kinh tế dọc theo các trục giao thông kết nối với các hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc, kết nối với Thủ đô Hà Nội và cảng biển khu vực như Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn - Cao Bằng; Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên; Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn; Phú Thọ - Vĩnh Phúc - Hà Nội - Hưng Yên - Hải Dương - Hải Phòng; …
Đồng thời, hình thành 5 cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế vùng gồm: Tp.Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn; hình thành và phát triển các chuỗi liên kết khu vực động lực của vùng tại vành đai Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ gắn với Vùng Thủ đô;
Các chuỗi liên kết, trung tâm kinh tế - đô thị vùng gắn với các đô thị vùng biên giới và các cụm liên kết, trung tâm sản xuất trong các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp để trở thành động lực tăng trưởng cho cả vùng… .