5 công dụng chiến lược của máy bay ném bom hạng siêu nặng B-1B Lancer

Chia sẻ Facebook
20/06/2024 06:23:41

B-1B Lancer là một trong 3 mẫu máy bay ném bom chiến lược của Không quân Mỹ, có thể đảm nhiệm nhiều vai trò từ phòng thủ đến tấn công cũng như giám sát.


Rockwell B-1 Lancer là máy bay ném bom siêu thanh “cánh cụp cánh xòe”, được thiết kế cho Không quân Mỹ (USAF). Là một trong 3 mẫu máy bay ném bom chiến lược, cùng với B-2 Spirit và B-52 Superfortress, B-1 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 12/1974 và được đưa vào phục vụ Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) vào năm 1986.


Trang Simple Flying hôm 19/6 tổng kết một số công dụng chiến lược của máy bay ném bom hạng nặng nhất của Mỹ: Rockwell B-1 Lancer.


Các biện pháp phòng thủ


B-1B Lancer được trang bị hệ thống điện tử hàng không hiện đại và máy tính kỹ thuật số để gây nhiễu chống lại các radar cảnh báo sớm. Hệ thống xem xét một số tham số đặc trưng để chặn thông tin máy bay, bao gồm cả vị trí của nó. B1-B Lancer được sử dụng một cách chiến lược cho các nhiệm vụ phòng thủ, bao gồm cả các radar điều khiển hỏa lực của tên lửa và súng phòng không.


Do vị trí được lắp đặt, radar xung Doppler cảnh báo ở đuôi cung cấp phạm vi bao phủ bán cầu phía sau chống lại các mục tiêu của đối phương. Bộ phân phối Chaff và Flare được sử dụng làm cơ chế đối phó, cho phép hệ thống có độ tin cậy cao hơn.


Bệ phóng vũ khí đa năng


B-1B Lancer được sử dụng trong các nhiệm vụ chiến lược liên quan đến việc khai hỏa trên không và trên mặt đất. 3 khoang vũ khí bên trong của máy bay với khả năng tải trọng 75.000 lbs (hơn 34 tấn) và 6 giá treo bên ngoài dưới thân máy bay mang tải trọng lên tới 50.000 lbs (22,7 tấn), cung cấp hỗ trợ nhiệm vụ cần thiết.


Theo Tạp chí Air & Space Forces, 3 khoang vũ khí bên trong B-1B Lancer có thể mang trọng tải lớn nhất là vũ khí dẫn đường/không dẫn đường trong kho của Không quân Mỹ, và cánh/thân kết hợp và cánh có hình dạng thay đổi của nó cho phép hoạt động tầm xa hoặc bay lảng vảng.


Bộ chỉ huy tác chiến trên không


B-1 đã được sử dụng trong nhiều nhiệm vụ không chiến, đặc biệt là ở Iraq trong Chiến dịch Cáo sa mạc năm 1998, ở Kosovo, Afghanistan... Trong các hoạt động chỉ huy trên không, nhiều loại vũ khí thông thường được sử dụng, bao gồm cả bom thông minh tấn công trực diện phối hợp GBU-31 JDAM.


Việc sử dụng JDAM đáng chú ý nhất là ở Iraq năm 2003, trong nỗ lực ám sát Saddam Hussein và 2 con trai của ông ta. Gần 4.000 JDAM đã được sử dụng trong 6 tháng đầu tiên của nhiệm vụ, khiến B-1 Lancer trở thành một trong những máy bay được sử dụng nhiều nhất. 8 máy bay ném bom B-1 đã thả gần 40% tổng số vũ khí được sử dụng trong nhiệm vụ. Những chiếc B-1 Lancer đạt tỉ lệ thực hiện nhiệm vụ trên 79%.


Bộ chỉ huy tấn công toàn cầu


Lực lượng Không quân Mỹ (USAF) đã tái phân bổ các oanh tạc cơ B-1 Lancer từ Bộ chỉ huy tác chiến trên không sang Bộ chỉ huy tấn công toàn cầu vào năm 2015. Động thái này diễn ra trong bối cảnh bất ổn chính trị ở một số quốc gia và địa chính trị trên toàn thế giới.


Năm 2017, USAF đã triển khai máy bay B-1 gần biên giới Triều Tiên để phô trương lực lượng. Động thái này chủ yếu nhằm đáp trả việc Triều Tiên được cho là thử nghiệm ICBM có khả năng vươn tới bang Alaska.


Tháng 4/2018 chứng kiến việc sử dụng B-1 để phóng tên lửa JASSM ở Damascus và Homs ở Syria. Vào năm 2021, Không quân Mỹ sử dụng một số máy bay B-1 cho các nhiệm vụ huấn luyện với lực lượng mặt đất của Na Uy và Thụy Điển. Đầu năm nay, một số địa điểm ở Iraq và Syria đã bị tấn công bằng cách sử dụng oanh tạc cơ B-1 của USAF để nhắm vào các nhóm khủng bố nhằm đáp trả việc 3 lính Mỹ thiệt mạng ở Jordan.


Theo dõi các vật thể di động


Tính linh hoạt của B-1 Lancer nằm ở tốc độ, độ bền và độ tin cậy trong nhiệm vụ so với máy bay ném bom thông thường. Máy bay được trang bị các thiết bị chính xác, bao gồm hệ thống dẫn đường hiện đại, để thực hiện các nhiệm vụ trên không một cách chính xác và hiệu quả hơn.


Theo Không quân Mỹ, B-1 là hệ thống vũ khí đa nhiệm, rất linh hoạt. Radar khẩu độ tổng hợp của B-1B có thể theo dõi, nhắm mục tiêu và tấn công các phương tiện đang di chuyển cũng như các chế độ tự nhắm mục tiêu và bám theo địa hình.


Ngoài ra, hệ thống dẫn đường quán tính được hỗ trợ bởi hệ thống định vị toàn cầu cực kỳ chính xác cho phép phi hành đoàn điều hướng mà không cần sự trợ giúp của thiết bị hỗ trợ điều hướng trên mặt đất cũng như tấn công các mục tiêu với độ chính xác cao.


Minh Đức (Theo Simple Flying, Ảnh: Military.com)

Chia sẻ Facebook