5 cải tiến mới Elon Musk đưa ra dành cho Twitter

Chia sẻ Facebook
02/11/2022 14:52:23

Sau khi tiếp quản Twitter, Elon Musk đã có kế hoạch cải tiến nền tảng mạng xã hội này trong tương lai. Dưới đây là 5 thay đổi đã được ông chủ Twitter hé lộ trong thời gian qua.


Dưới quyền điều hành của Elon Musk , Twitter đang chuẩn bị có những thay đổi quan trọng, với tư cách là một doanh nghiệp và một nền tảng truyền thông mạng xã hội . Theo tờ New York Times cho biết, việc trước tiên của Musk là sa thải các quan chức điều hành hàng đầu và ra lệnh cắt giảm nhân sự trong công ty. Đối với các phương tiện truyền thông xã hội, ông chủ mới của Twitter hé lộ những thay đổi và các tính năng mới sắp tới.

Trong bản kế hoạch gửi tới các nhà đầu tư vào tháng 5, vị tỷ phú người Mỹ gốc Nam Phi đề xuất một số cải tiến thúc đẩy doanh thu của Twitter lên gấp 5 lần vào thời điểm năm 2028. Ông cũng tiết lộ dự định cắt giảm một nửa đầu tư vào quảng cáo đem lại doanh thu, đồng thời đặt mục tiêu tăng doanh thu trung bình trên mỗi người dùng lên 25% trong vòng 6 năm tới.

Elon Musk nói thêm về một sản phẩm bí ẩn có tên X sẽ góp phần hướng tới mục tiêu đạt được hơn 100 triệu người đăng ký trả phí. Trước đây, ông đã từng thảo luận về kế hoạch tạo ra một ứng dụng đa năng có tên là X trên Twitter, nhưng hiện vẫn chưa rõ liệu X là sự cải tiến của Twitter hay một sản phẩm hoàn toàn khác mang những đặc điểm của mạng xã hội này. Dù là gì thì sản phẩm này cũng có rất nhiều điều chỉnh mà Musk đã từng hé lộ trong khoảng thời gian vừa qua.


Thu phí từ những tài khoản có sức ảnh hưởng lớn

Người đàn ông giàu nhất thế giới từng nói Twitter thực chất là quảng trường công cộng của mạng Internet và điều này được chứng minh ở việc các cá nhân và tổ chức có ảnh hưởng lớn thường xuyên sử dụng Twitter để đưa ra các thông báo quan trọng và phổ biến thông tin cần thiết.

Dựa trên đặc điểm này, công ty đã áp dụng hệ thống xác minh riêng biệt bằng cách cấp cho các tài khoản của những cá nhân và tổ chức lớn một dấu tích màu xanh lam. Hệ thống này giúp mọi người phân biệt tài khoản chính thống và tài khoản giả mạo, từ đó thu thập thông tin từ một nguồn đáng tin cậy một cách dễ dàng hơn.

Các cá nhân và tổ chức này được cho là sẽ phải trả một mức phí cho tầm ảnh hưởng của họ. Nhà báo công nghệ Casey Newton viết trong ấn bản mới nhất của bản tin Platformer rằng Twitter đang có kế hoạch tính phí các tài khoản đã được xác minh nếu họ muốn giữ lại dấu tích màu xanh đó.

Bản báo cáo ghi rằng “người dùng phải đăng ký Twitter Blue với giá 4,99 USD (khoảng 124.000 đồng) một tháng hoặc họ sẽ mất phù hiệu của họ” - tuy nhiên có một nguồn tin để lộ rằng mức phí thực sự là 20 USD (khoảng 497.000 đồng) một tháng. Đây không hẳn là một ý tưởng mới bởi những tin đồn trong quá khứ đã từng hé lộ kế hoạch nội bộ về việc thu phí từ phù hiệu xác minh của các doanh nghiệp.

Bằng cách này, Twitter dường như muốn biến tất cả những tài khoản được xác minh trở thành người dùng trả phí cho Twitter Blue, người dùng Twitter Blue cũng được hưởng một số lợi ích độc quyền như quyền chỉnh sửa bài viết. Kế hoạch này sắp sửa được tiến hành, tuy nhiên, vẫn chưa rõ khi nào giới hạn này sẽ được triển khai rộng rãi, vì Twitter Blue vẫn còn bị hạn chế ở một số thị trường.

Tăng giới hạn ký tự và thực hiện thuật toán nguồn mở

Một trong những đặc điểm nổi bật của Twitter là giới hạn ký tự cho các bài đăng. Tất nhiên, người dùng đã yêu cầu xóa bỏ giới hạn này, cuối cùng thì có vẻ như ông chủ Twitter đã lắng nghe đề nghị đó và mở rộng giới hạn bài đăng từ 180 lên 280 ký tự vào năm 2017.

Một trong số những vấn đề lớn nhất mà các nền tảng mạng xã hội phải đối mặt là một thuật toán không rõ ràng, dẫn đến sự mất tin tưởng từ phía người dùng. Trước đây, Elon Musk đã bày tỏ rằng thuật toán của Twitter nên có nguồn mở để tăng cường niềm tin của người dùng vào mạng xã hội này.

Trong bài TED Talk tháng 4/2022, Musk đề cập đến thuật toán mở của Twitter, và bày tỏ rằng “Mọi người có thể xem qua nó và nói rằng ‘Ồ, tôi thấy có vấn đề ở đây, tôi không đồng tình với điều này.’” Ông nói thêm rằng mọi người có thể nhìn vào nó để phát hiện lỗi và đề xuất cách cải thiện, giống như cách vận hành của Linux hay Signal.

Vị tỷ phú thậm chí còn tiến hành một cuộc thăm dò liệu thuật toán của Twitter có nên là nguồn mở hay không và đa số đã bỏ phiếu ủng hộ điều này. Với ông chủ là một người ủng hộ tự do ngôn luận và cởi mở, việc triển khai thuật toán Twitter minh bạch - hoặc thậm chí nguồn mở hoàn toàn - dường như trở nên khả thi trong tương lai gần.


Cho phép đăng tải video dài hơn

Vị Giám đốc mới của Twitter có nhiệm vụ phải đem về cho Twitter một khoản lợi nhuận lớn và ổn định. Với xu hướng tiêu thụ video của xã hội trong tương lai, các video dài hơn có thể thúc đẩy lượng tương tác trên các nền tảng mạng xã hội.

Instagram và TikTok đã nhiều lần tăng thời lượng tối đa của video, đó là một tiền lệ Twitter có thể noi theo và cho phép đăng tải video dài hơn. Việc này còn đi kèm với cơ hội chèn quảng cáo, đặc biệt là loại quảng cáo xen kẽ, điều vốn là cơ sở kiếm tiền cho những người sáng tạo trên YouTube. Lời kêu gọi của Musk có thể thu hút nhiều người sáng tạo đến với nền tảng hơn bằng cách cho phép họ đăng các video dài hơn hoặc thuyết phục các nhà quảng cáo và những người có ảnh hưởng lớn sử dụng công thức này.


Chấp nhận blockchain và tiền mã hóa


Sự thờ ơ của Elon Musk đối với tiền mã hóa không phải là một bí mật, thế nhưng vị tỷ phú này không phải lúc nào cũng đề cập đến sự bịp bợm của chúng trên Twitter. Khi Twitter lần đầu tiên triển khai tính năng đặt NFT làm ảnh đại diện, ông đã thấy bày tỏ sự khó chịu của mình, có lẽ một phần lý do là tài khoản Twitter của vị cha đẻ Tesla đã từng một lần bị hack bởi những tên lừa đảo tiền mã hóa.

Tuy nhiên, thái độ của Musk trước loại hình tiền tệ này đã thay đổi. Tesla đã đầu tư một khoản tiền đáng kể tầm 1,5 tỷ USD (khoảng 37.500 tỷ đồng) vào Bitcoin, nhưng vào tháng 7, có báo cáo rằng công ty đã bán một lượng lớn Bitcoin khi tiền mã hóa đang ở trạng thái suy thoái. Chỉ hơn ba tháng sau, Binance - sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới - trở thành nhà đầu tư cổ phần vào Twitter với 500 triệu USD (khoảng 12.500 tỷ đồng).

Quan trọng hơn, Binance sẽ giúp thành lập một nhóm tại Twitter để khám phá tiện ích của blockchain và tiền mã hóa cho nền tảng mạng xã hội. Twitter đã cho phép tiền boa dưới dạng Bitcoin. Nền tảng này mở ra nhiều cơ hội cho đồng token, hoặc cho phép người dùng bán tài sản trên Twitter và mạng xã hội này nhận một phần lợi nhuận từ đó, ra mắt đồng token riêng của Twitter, đưa dữ liệu lên blockchain, triển khai tiện ích side-chain từ phía thuật toán, và tương tự như vậy. Khả năng là vô tận và chúng ta còn phải xem Twitter chọn hướng đi nào dưới sự chỉ dẫn của Elon Musk.

Trải nghiệm Twitter được phân chia theo nội dung kiểm duyệt

Cha đẻ của Tesla, một người theo chủ nghĩa tự do ngôn luận tự xưng, đã luôn bày tỏ sự ủng hộ của mình với quyền tự do ngôn luận không bị kiểm soát. Tuy nhiên, việc nới lỏng kiểm duyệt đồng nghĩa với mở cửa cho các tệ nạn như quấy rối, tấn công trực tuyến, lạm dụng... Giải pháp cho việc này có thể là một bộ lọc dòng thời gian có cơ chế hoạt động giống như cách xếp hạng PG cho phim ảnh.

Ý tưởng cốt lõi là người dùng có thể chọn những nội dung họ muốn hiển thị trên dòng thời gian của mình. Họ có thể chọn nội dung được kiểm duyệt kỹ lưỡng, không chứa đựng yếu tố độc hại nào. Ngoài ra, người dùng có thể chuyển sang chế độ tự do ngôn luận của Twitter và được tiếp xúc với tất cả các nội dung, từ tốt đến xấu, của nền tảng này.

Bằng cách này, vấn đề về tự do ngôn luận cũng được xử lý mà không làm cho người dùng với những ý kiến khác nhau cảm thấy bị tách biệt. Musk có thể tính phí cho tính năng này - một phiên bản Twitter được chọn lọc, an toàn hơn cho cơ sở người dùng có mong muốn tránh khỏi sự tiêu cực trên mạng xã hội, đi kèm với các chức năng kiểm soát tương tác nâng cao hơn./.


Theo Kim Chi

Chia sẻ Facebook