5 bộ phận của lợn mà người bán chẳng muốn ăn, người thường lại rất thích mua về

Chia sẻ Facebook
01/10/2022 12:08:17

Tuy thịt lợn là món ăn quen thuộc, cung cấp nhiều protein, chất béo và chất khoáng rất cần thiết cho cơ thể nhưng để đảm bảo hơn về mặt sức khỏe, vẫn có một số bộ phận của lợn mà chúng ta nên hạn chế ăn.

Dinh dưỡng đến từ thịt lợn


Trong mỗi gia đình, thịt lợn là món ăn thông dụng nhất, có thể dễ dàng chế biến, dành cho mọi lứa tuổi từ trẻ em đến người già. Thịt lợn cũng cung cấp đầy đủ các thành phần dinh dưỡng chẳng hạn như chất đạm, chất béo, các vitamin và muối khoáng cho cơ thể.


Cụ thể, trong 100 gam thịt lợn (nửa nạc nửa mỡ) có chứa khoảng 16.5g protein, 21.5g mỡ, 9mg canxi, 178mg phosphor, 1.5mg sắt, 1.91mg kẽm, 285mg kali, 55mg natri, 10μg vitamin A. Nếu là thịt nạc, hàm lượng protein sẽ tăng lên trong khi mỡ giảm xuống, ngược lại với thịt mỡ.


Các khoáng chất như phosphor, kali, sắt, magie, canxi… trong thịt lợn cũng dễ "ngấm" hơn khoáng chất đến từ thực vật. Trong số đó, phosphor tham gia vào quá trình chuyển hóa vật chất và năng lượng của tế bào cơ. Đến cả mỡ lợn bao gồm mỡ dưới da, nội tạng và mỡ cơ, ăn một lượng vừa phải sẽ có lợi cho sức khỏe.


Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cho rằng, có những bộ phận của lợn nên ăn càng ít càng tốt vì lợi ích mà chúng đem tới không nhiều bằng những nguy cơ tiềm ẩn.

Những bộ phận của lợn không nên ăn nhiều kẻo hại sức khỏe


1. Ruột lợn là nơi chứa chất thải


Nhiều người ưa thích các món ăn chế biến từ lòng lợn, đặc biệt là cánh mày râu. Tuy nhiên, món ăn khoái khẩu cũng có nhiều mối nguy hiểm tiềm ẩn đe dọa sức khỏe của bạn. Nguyên nhân chủ yếu là do ruột già của lợn là nơi lưu trữ các sản phẩm thải của thức ăn sau quá trình tiêu hóa. Trong ruột, các loại vi sinh vật sống rất nhiều, chưa kể tới nguy cơ về ký sinh trùng, vi khuẩn gây bệnh. Do đó, nếu không được vệ sinh kỹ càng và tiệt trùng đúng cách, bộ phận này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đối với cơ thể.

Nên hạn chế ăn món chế biến từ lòng lợn, dù chúng được nhiều người ưa chuộng. Ảnh: Itda.


2. Óc lợn


Óc lợn có chứa nhiều chất dinh dưỡng bổ ích, giàu Niacin, Phosphorus, B12, và Vitamin C. Nhiều người cho rằng, thực phẩm này có thể hỗ trợ phát triển não bộ của người, giúp chúng ta thông minh hơn. Do đó, các món chế biến từ óc lợn rất được ưa thích.


Tuy nhiên, theo thống kê, cứ 100g óc lợn có tới 2500 mg cholesterol, tức là gấp 8 lần nhu cầu cholesterol của một người một ngày. Còn chất đạm trong óc lợn chỉ có 9g/100g, thấp hơn rất nhiều so với các phần khác như thịt nạc. Nếu lạm dụng, lợi ích có thể chưa thấy nhưng nguy cơ gây bệnh béo phì, rối loạn mỡ máu, bệnh về tim mạch sẽ tăng cao đối với người ăn, nhất là trẻ nhỏ và người lớn tuổi..


3. Gan lợn - nơi đào thải độc tố cho cả cơ thể lợn


Gan lợn luôn được biết đến là bộ phận chứa nhiều dinh dưỡng: đạm, vitamin A, B, D, nicotilic và axid folid. Đặc biệt Vitamin A trong gan lợn cao không kém, thậm chí còn nhiều hơn gấp mấy lần so với một số loại thịt, cá, trứng, sữa. Vì thế, nhiều người mua gan lợn về “tẩm bổ” cho trẻ nhỏ, người già, người ốm mà không biết rằng, gan là bộ phận nên hạn chế sử dụng.


Cũng giống như cơ thể con người, gan lợn là bộ phận chuyển hóa và đào thải chất độc trong cơ thể lợn. Đây chính là nơi tập trung nhiều chất cặn bã, mầm bệnh, cùng một hàm lượng độc tố nhất định. Trong gan cũng có nhiều ký sinh trùng như sán, virus gây bệnh.


Chính những điều này biến gan lợn trở thành một mối nguy tiềm ẩn. Nếu không biết cách chọn mua, vệ sinh cũng như chế biến, món ăn có thể trở thành độc tố, gây hại cho sức khỏe người sử dụng. Những người thông thạo thường khuyên rằng, khi mua gan nên chú ý lựa chọn gan có màu sắc tươi đặc trưng, không có đốm trắng, đỏ hay màu sắc bất thường. Trước khi chế biến, nên ngâm gan trong sữa tươi 30 phút để giúp tẩy mùi hôi và độc tố trong gan.


4. Tiết lợn chứa lượng lớn vi khuẩn


Tiết lợn là một trong những thực phẩm giàu sắt đứng đầu danh sách. Tuy nhiên, cơ thể chỉ có thể nhận được lợi ích này một cách phù hợp nếu đó là tiết của một con lợn khỏe mạnh, không có mầm bệnh, được giết mổ và lưu trữ đúng cách, đảm bảo vệ sinh.


Nhưng nếu bạn không cẩn thận mua tiết lợn chết, lợn ốm hoặc tiết không còn tươi thì đó là một vấn đề khác, nhất là khi sử dụng để làm món tiết canh khoái khẩu của cánh mày râu.


Nếu lợn nhiễm liên cầu khuẩn Streptococcus suis (S.suis) (kể cả lợn bệnh và lợn lành mang trùng không phát bệnh), trong máu lợn sẽ chứa một lượng lớn vi khuẩn. Khi ăn tiết canh lợn chưa được nấu chín thì liên cầu khuẩn từ thức ăn sẽ xâm nhập vào cơ thể người và gây bệnh.


5. Thận (cật) lợn - Nguy cơ chứa kim loại nặng


Nhiều nam giới đặc biệt thích ăn cật lợn với mong muốn “ăn gì bổ nấy”, hi vọng có thể tăng cường chức năng thận, tốt cho sinh lý nam.


Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây đã phát hiện thận của gia súc, cừu và lợn, có chứa một lượng kim loại nặng cadmium. Khi Cadmium đi vào dạ dày sẽ rất khó đào thải ra ngoài cơ thể. Do đó, món ăn này trở nên phản tác dụng, gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới nếu họ ăn quá nhiều cật lợn.

Chia sẻ Facebook