42 doanh nghiệp bị “đuổi” khỏi sàn chứng khoán Trung Quốc

Chia sẻ Facebook
26/01/2023 11:13:14

Một loạt doanh nghiệp bị “đuổi” khỏi sàn chứng khoán Trung Quốc đại lục trong năm 2022 và xu hướng này sẽ còn tiếp diễn mạnh mẽ hơn trong năm 2023, khi các cơ quan chức trách đẩy mạnh kiểm soát các công ty có kết quả kinh doanh yếu kém và những công ty vi phạm luật.

42 doanh nghiệp bị “đuổi” khỏi sàn chứng khoán Trung Quốc

Tổng cộng 42 công ty bị loại khỏi sàn chứng khoán Thượng Hải hoặc Thâm Quyến trong năm 2022, mức cao nhất từ trước đến nay và gấp đôi năm 2021, theo thông tin từ Caixin. Phần lớn bị hủy niêm yết do có thành tích tài chính yếu kém.

Xu hướng hủy niêm yết được dự báo sẽ đẩy mạnh hơn trong năm 2023. Ít nhất 80 công ty đại chúng đang có nguy cơ bị hủy niêm yết vì vấn đề tài chính, theo tính toán của Caixin dựa trên báo cáo quý 3/2022. Một công ty có thể bị “đuổi” khỏi sàn chứng khoán Trung Quốc vì 4 lý do sau: Thành tích tài chính, diễn biến cổ phiếu, tuân thủ và vi phạm luật.

Việc điều chỉnh tiêu chuẩn hủy niêm yết của sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến – vốn có hiệu lực từ cuối năm 2020 – nhằm cải thiện chất lượng chung của các doanh nghiệp niêm yết bằng cách hạ các tiêu chí hủy niêm yết. Đợt điều chỉnh này diễn ra sau một chỉ thị từ Hội đồng Nhà nước Trung Quốc trong tháng 10/2020, trong đó thúc giục các cơ quan điều hành cải thiện và đơn giản hóa cơ chế hủy niêm yết.

Li Ming, Trưởng bộ phận giám sát công ty niêm yết tại Ủy ban giám sát chứng khoán Trung Quốc nói rằng các cơ quan chức năng đã và đang thúc đẩy việc thực thi chế độ hủy niêm yết mới, nhắm mục tiêu loại bỏ các công ty vi phạm luật cũng như các công ty vỏ bọc hay xác sống.


Tính đến cuối tháng 12/2022, số công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục là gần 5,000 công ty với tổng giá trị thị trường gần 79,000 Nhân dân tệ (11,500 tỷ USD ). Tuy nhiên, tỷ lệ lên sàn đã tăng lên. Số lượng công ty bị hủy niêm yết bắt buộc trong hai năm 2021–2022 chiếm 40% tổng số vụ hủy tên trong hơn 30 năm qua.

Tuy vậy, tỷ lệ hủy niêm yết trong năm ngoái vẫn chưa đến 1% và vẫn thấp so với các sàn giao dịch ở Mỹ. Theo dữ liệu của Ping An Securities, các sàn giao dịch ở Mỹ có tỷ lệ hủy khoảng 4% trong năm 2020.


Những công ty tồi

Trong 42 công ty bị loại trong năm 2022, 39 công ty bị liệt vào nhóm hoạt động tài chính yếu kém.

Theo tiêu chí này, một công ty sẽ bị hủy niêm yết nếu ghi nhận khoản lỗ ròng và doanh thu dưới 100 triệu Nhân dân tệ trong năm tài chính gần nhất. Doanh nghiệp cũng sẽ bị “đuổi” khỏi sàn nếu có tài sản ròng âm vào cuối năm tài chính gần nhất.

Về giá cổ phiếu, nếu cổ phiếu của một công ty đóng cửa dưới 1 Nhân dân tệ/cp trong 20 ngày giao dịch liên tiếp hoặc nếu vốn hóa thị trường của công ty đại chúng vẫn dưới 300 triệu Nhân dân tệ trong 20 ngày giao dịch liên tiếp thì công ty đó sẽ bị hủy niêm yết.

Các chỉ số tuân thủ bao gồm các sai sót nghiêm trọng bị phát hiện trong hoạt động hoặc công bố thông tin của công ty, hoặc các tình huống mà hơn một nửa số giám đốc không thể đảm bảo tính xác thực của các báo cáo tạm thời hoặc hàng năm của công ty.

Đối với danh mục vi phạm pháp luật nghiêm trọng, một công ty sẽ tự động bị xóa tên nếu bị phát hiện có hành vi gian lận trong báo cáo thu nhập hoặc đợt chào bán lần đầu ra công chúng.

Nhiều doanh nghiệp với mong muốn ở lại sàn đã sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để cải thiện báo cáo tài chính, giữ tên trên bảng điện tử giao dịch. Các biện pháp này gồm phát hành cổ phiếu cho các cổ đông, được miễn/giảm nghĩa vụ nợ hoặc thực hiện sáp nhập ngược (reverse takeover), tức công ty tư nhân mua một công ty đại chúng hoặc ngược lại nhằm đảm bảo cả hai được giao dịch như công ty đại chúng.

Nhưng không gian cho những biện pháp kiểu này vậy dường như đang bị thu hẹp khi cơ quan chức trách siết chặt quản lý. Chẳng hạn, công ty quản lý nợ xấu GI Technologies Group – vốn cổ phiếu đang ở tình trạng “được đối xử đặc biệt”, loại nhãn được dán cho các công ty gặp khó khăn về tài chính hoặc đối mặt với các vấn đề pháp lý – đã thua lỗ trong ba năm liên tiếp và gần đến ngưỡng hủy niêm yết.

Tuy nhiên, vào ngày 19/12, GI tuyên bố sẽ nhận được khoản tiền mặt không dưới 700 triệu Nhân dân tệ từ cổ đông kiểm soát của GI, một công ty mới thành lập 11 ngày trước đó.

Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến khi đó yêu cầu GI Technologies giải thích về việc bơm tiền mặt và đặt câu hỏi liệu động thái này có phải là một phần trong nỗ lực duy trì niêm yết hay không. Ngày 03/01/2023, GI đã đưa ra một tuyên bố cho biết cổ đông không thể chuyển tiền do các vấn đề về thu xếp quỹ.

Rõ ràng, cơ quan quản lý vẫn còn nhiều việc phải làm. Đầu tháng 12/2022, các sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến đã ban hành kế hoạch hoạt động ba năm nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng của các công ty niêm yết, bao gồm điều chỉnh lần nữa các chính sách hủy niêm yết và giám sát chặt chẽ việc thực thi.

Trong một bài báo, Phó Chủ tịch Zhang Wei thuộc Viện Nghiên cứu tài chính quốc gia tại Đại học Thanh Hoa và Qin Ting, Biên tập viên cấp cao của Tạp chí Tài chính Thanh Hoa, cho rằng việc bảo vệ các cổ đông vừa và nhỏ là rất quan trọng trong bối cảnh các quy tắc hủy niêm yết ngày càng chặt chẽ.

“Các nhà đầu tư vừa và nhỏ là phần cơ bản nhất của thị trường chứng khoán của đại lục và lợi ích của họ dễ bị xâm phạm nhất”, trích từ bài báo.

Vũ Hạo (Theo Caixin)

Chia sẻ Facebook