400 Hiệu trưởng tham dự Hội thảo "Thay đổi vì một trường học hạnh phúc 2022"
Hôm nay (24/9), Hội thảo "Thay đổi vì một trường học hạnh phúc" với chủ đề "Chọn Yêu thương - Chọn Hạnh phúc" đã được tổ chức với sự tham gia của 400 Hiệu trưởng.
Theo thông tin từ BTC, Hội thảo sẽ diễn ra trong 2 ngày 24 và 25/9. 400 Hiệu trưởng tham dự Hội thảo đến từ 50 tỉnh thành trên toàn quốc. Năm nay, một Hội thảo về Giáo dục với quy mô Quốc tế hướng đến xây dựng những Ngôi trường Hạnh phúc trên khắp Việt nam đã được thực hiện dưới sự khởi xướng của VTV7 – Kênh truyền hình Giáo dục quốc gia.
Với chủ đề "Chọn Yêu thương - Chọn Hạnh phúc", Hội thảo "Thay đổi Vì một trường học Hạnh phúc" được diễn ra trong bối cảnh ngành giáo dục Việt nam vừa bắt đầu năm học mới 2022 – 2023 với nỗ lực tái thiết trường học sau 2 năm trải qua đại dịch COVID-19. Lần đầu tiên tại Việt Nam, hội thảo có sự phối hợp điều phối nội dung từ hai chuyên gia Tâm lý giáo dục và tạo dựng hạnh phúc nổi tiếng thế giới. Đó là Giáo sư Peck Cho - Đại học Korea - Hàn Quốc - Cố vấn giáo dục của chính phủ Hàn Quốc - đồng thời là gương mặt cố vấn quen thuộc trong các series chương trình về thay đổi của VTV7 như: Thầy cô chúng ta đã thay đổi, Cha mẹ thay đổi, Trường học hạnh phúc; và Giáo sư Hà Vĩnh Thọ - người Pháp gốc Việt, hiện sống ở Thụy Sĩ, người sáng lập Học Viện Eurasia vì Hạnh Phúc & An Lạc, Nguyên Giám đốc Chương trình của Trung tâm Tổng Hạnh phúc Quốc gia ở Bhutan và là một diễn giả được biết đến rộng khắp về các chủ đề: Tổng Hạnh Phúc Quốc Gia, Hạnh Phúc & An Lạc, đằng sau GDP.
Là người đã từng có thời gian làm việc với các nhà quản lý giáo dục và giáo viên Việt Nam trong các dự án trước đây, Giáo sư Peck Cho bày tỏ sự đồng cảm với các Hiệu trưởng trong hành trình kiến tạo những ngôi trường Hạnh phúc. GS Peck Cho chia sẻ: "Mặc dù Việt Nam và Hàn Quốc có lịch sử và văn hóa khác biệt, chúng ta lại có rất nhiều điểm chung, đặc biệt là việc dành sự tôn trọng đặc biệt cho giáo dục. Chúng ta đều đặt giáo dục là một ưu tiên hàng đầu và các bậc phụ huynh thì luôn có mong muốn đầu tư cho con cái của mình. Đó thực sự là một nguồn năng lượng lớn để thúc đẩy sự phát triển cho cả các cá nhân lẫn quốc gia".
Cũng trong quá trình hướng dẫn các Hiệu trưởng những cách thức thiết thực – hiệu quả - khoa học để giải quyết các vấn đề trong trường học hiện nay, GS Peck Cho cho biết: "Các hiệu trưởng sẽ thấy rằng việc thiết kế khung chương trình là chưa đủ. Giáo viên cần thiết kế "trải nghiệm giáo dục". Khung chương trình được thiết kế tập trung vào việc dạy cái gì, nhưng trải nghiệm giáo dục là cách dạy học để học sinh được chủ động tham gia, được tạo động lực và được sáng tạo. Thiết kế khung chương trình bản chất giống như một hoạt động tác động vào nhận thức, còn trải nghiệm giáo dục thì sẽ tác động vào cảm xúc".
Song hành nội dung của Hội thảo, Giáo sư Hà Vĩnh Thọ lại mang đến cho 400 Hiệu trưởng những góc nhìn chân thực về giáo dục và những cách thức để có thể vận hành một Ngôi trường Hạnh phúc. Giáo sư Hà Vĩnh Thọ chia sẻ: "Sau khi tham gia khóa đào tạo giáo viên Happy School, một giáo viên nói với chúng tôi rằng, shi tôi bắt đầu sự nghiệp của một giáo viên trẻ, tôi tràn đầy lý tưởng, nhưng dần dần tôi quên mất lý do tại sao tôi lại chọn con đường này. Sau khóa học này, tôi nhớ ý định ban đầu của mình là phục vụ trẻ em trở thành những con người tốt hơn".
Giáo sư Hà Vĩnh Thọ cũng chia sẻ rằng, hành trình xây dựng lại niềm hạnh phúc của người giáo viên trong việc giảng dạy sẽ không dễ dàng, thậm chí có rất nhiều rào cản xung quanh.
"Chúng ta nên chú ý để không nhầm lẫn sự hạnh phúc với thú vui hời hợt và ngăn cản sự theo đuổi ích kỷ của sự ham mê vị kỷ cá nhân" - Giáo sư Thọ nói - "Mối nguy hiểm đã hiện hữu khi những bạn trẻ đang lớn lên trong thời đại của internet và mạng xã hội, khi những người xung quanh tìm kiếm sự thỏa mãn tức thì mà không yêu cầu, và chúng tôi đi ngược với những xu hướng này. Điều quan trọng là họ phải hiểu rằng Hạnh phúc của chính họ đi liền với Hạnh phúc của người khác, của xã hội và của Lợi ích chung. Do đó, Trường học Hạnh phúc nên chú trọng nhiều đến các giá trị đạo đức".
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo tham gia Hội nghị, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của người Hiệu trường trong việc tạo dựng nên những Ngôi trường Hạnh phúc.
"Hiệu trưởng là người sẽ là tạo ra ngôi trường ở đó giáo viên, học sinh được sáng tạo, được tôn trọng" - Ông Vũ Minh Đức nói - "Cả nước hiện có gần 30.000 hiệu trưởng trường phổ thông, khi hiệu trưởng hạnh phúc sẽ tạo ra môi trường tốt cho hơn 800.000 giáo viên phổ thông, giáo viên sẽ tạo hạnh phúc cho trên 16 triệu học sinh, học sinh hạnh phúc sẽ lan tỏa tới phụ huynh, cứ như thế điều tốt, điều thiện sẽ tăng lên và lan tỏa trong xã hội".
Bà Phạm Đặng Minh Loan - CEO của CTCP Sữa Quốc tế (IDP) – đơn vị đồng tổ chức cho buổi Hội thảo chia sẻ: "Thương hiệu Lof của IDP ra đời dựa trên thông điệp Lof - Hạnh phúc là lựa chọn - chọn yêu thương, triết lý Hạnh phúc là giá trị lớn lao nhất, xứng đáng nhất để con người theo đuổi và đánh đổi. Vì thế để hạnh phúc trở thành một nền tảng vững chắc thì mỗi cá nhân, còn phải gieo nhân hạnh phúc, tạo ra những giá trị của hạnh phúc cho những người, môi trường xung quanh ta, để cuộc sống chỉ toàn những điều tốt đẹp".
"Hy vọng sẽ được sự đón nhận của các thầy cô để đồng cảm, chia sẻ, hỗ trợ triển khai các hoạt động vì một thế hệ bây giờ và mai sau luôn yêu thương, chia sẻ với mọi người với môi trường để xây dựng một đất nước thịnh vượng và hạnh phúc".
Trong 2 ngày tại Hội thảo, 400 Hiệu trưởng còn có khoảng thời gian ngồi lại với nhau để chia sẻ với nhau về niềm vui, những trăn trở hay những dự định sẽ triển khai ngay khi trở lại ngôi trường của mình.
Chia sẻ tại Hội thảo, cô Trần Thị Dung Huế - Trường Tiểu học Thạch Đài, Hà Tĩnh nói: "Khi đọc những thông tin về Hội thảo Thay đổi vì một ngôi trường hạnh phúc 2022: Chọn yêu thương – Chọn hạnh phúc , tôi như được nhận hạnh phúc rồi, bởi bấy lâu nay tôi luôn ấp ủ mong muốn xây dựng ngôi trường nơi mình đang công tác một ngôi trường Hạnh phúc đúng nghĩa cho các em học sinh".
"Tôi đã cố gắng thay đổi từng chi tiết nhỏ nhất từ bản thân mình và lan tỏa cho đội ngũ các thầy cô giáo. Song tôi vẫn chưa có được những hướng dẫn cụ thể, tôi chỉ mới được đọc một số tài liệu và một lần được nghe giảng về trường học Hạnh phúc" - cô Dung Huế nói tiếp - "Hôm nay thực sự vui mừng vì nhận được thông tin này, tôi viết và gửi ngay phiếu đăng ký về ban tổ chức với mong muốn mình được tham gia Hội thảo để được trực tiếp nghe, trao đổi với các chuyên gia về các nội dung mà tôi đang băn khoăn, ấp ủ để xây dựng một trường học Hạnh phúc".
Trong khi đó, thầy Ngô Phi Công – Hiệu trưởng Trường THPT Bắc Trà Mi – Quảng Nam - cho biết: "Xây dựng ngôi trường mà ở đó là nơi không có bạo lực học đường, không có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những hành xử xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể nhà giáo và học sinh. Là nơi mà thầy cô và học sinh vui sống trong sẻ chia, cảm thông và yêu thương nhau. Đồng thời, nơi đó cũng là mái nhà chung mà mỗi ngày giáo viên và học sinh đến trường là một niềm hạnh phúc".
"Với các thầy giáo cô giáo không chỉ dạy cho các em về kiến thức văn hóa, mà còn dạy cho các em về đạo đức làm người, có lối sống lành mạnh, tích cực, biết quan tâm chia sẻ và giúp đỡ mọi người" - thầy Công nói thêm.
Cô Nguyễn Thị Nga - Hiệu trưởng trường Liên cấp TH và THCS Trần Quốc Toản, Bắc Ninh: "Là một Hiệu trưởng tôi luôn trăn trở và suy nghĩ rằng Hiệu trưởng cần thay đổi như thế nào và phải làm những gì để giáo viên của mình yêu thích, tâm huyết, say sưa với nghề, yêu thương và tôn trọng học trò như con của mình; làm thế nào để học trò của mình cứ muốn đến trường học, nhìn thấy thầy cô, bạn bè là thấy niềm vui và hạnh phúc. Chính vì thế mà tôi thật sự mong muốn được tham gia Hội thảo để nghe các Chuyên gia phân tích, giảng giải để từ đó tôi tìm ra những giải pháp phù hợp với được tiếp xúc với các Chuyên gia và với nhiều Hiệu trưởng khác trên toàn quốc để từ đó tôi có cơ hội được học hỏi, được làm việc tốt hơn".
Đã có rất nhiều các hiệu trưởng, giáo viên tại Việt Nam đang tìm kiếm những cách thức và giải pháp để giảm bớt áp lực trong nhà trường, hỗ trợ giải quyết vấn đề bạo lực học đường, hướng tới xây dựng môi trường học tập an toàn, yêu thương, tôn trọng, được hiểu và được ghi nhận vì mục tiêu phát triển con người sáng tạo và có nhân cách tốt. Giờ đây, Trường học hạnh phúc hiện nay đã trở thành một chủ đề được các nhà trường quan tâm và mong muốn tìm hiểu, học tập. Hội thảo "Thay đổi Vì một trường học Hạnh phúc - Chọn yêu thương, Chọn hạnh phúc" năm nay không chỉ khép lại 2 ngày Hội thảo mà sẽ là sự bắt đầu một hành trình kiến tạo những Ngôi trường hạnh phúc thật sự trên khắp Việt nam. Họ sẽ không cô đơn, họ còn có Cộng đồng những giáo viên, phụ huynh dũng cảm Thay đổi Vì Trường học Hạnh phúc.
Dự án "Thay đổi Vì một trường học hạnh phúc" là sự tiếp nối của dự án THAY ĐỔI của kênh VTV7 - Đài truyền hình Việt Nam. Trước đó, năm 2016, Kênh VTV7 đã sản xuất series phim tài liệu "Thầy cô chúng ta đã thay đổi". Đây là series phim tài liệu được ghi hình thực tế tại 8 lớp học của 8 thầy cô giáo đã dũng cảm đăng ký tham gia dự án.
Năm 2019, VTV7 tiếp tục sản xuất series phim tài liệu "Cha mẹ thay đổi" - đề cập đến bản chất mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong gia đình. Cũng trong năm 2019, tiếp nối dự án THAY ĐỔI, với sự kêu gọi của Đài Truyền hình Việt Nam, sự đồng hành và ủng hộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, dự án “Hiệu trưởng thay đổi” đã được phát động trên toàn quốc. Hội thảo đầu tiên được tổ chức với sự tham gia của 500 hiệu trưởng và giáo viên trên toàn quốc.