40 bệnh viện, sở y tế trên cả nước báo cáo thiếu thuốc

Chia sẻ Facebook
29/06/2022 20:57:54

28/34 sở y tế tỉnh, thành phố báo cáo có tình trạng thiếu thuốc tại địa phương. 12/21 bệnh viện tuyến trung ương có tình trạng thiếu thuốc tại đơn vị.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, thứ trưởng Bộ Y tế, phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Bộ Y tế

Đây là con số được nêu ra tại cuộc họp trực tuyến của Bộ Y tế với các bệnh viện, sở y tế các tỉnh, thành về thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.


PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính (Bộ Y tế), cho biết thống kê với 34/63 sở y tế, 21/39 bệnh viện tuyến trung ương và 2 bệnh viện trực thuộc trường đại học cho thấy: 28/34 sở y tế báo cáo hiện có tình trạng thiếu thuốc tại địa phương, 12/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc tại đơn vị.

Trong đó, các thuốc thiếu tại cơ sở khám chữa bệnh bao gồm một số thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền.

Ngoài ra, có 26/34 sở y tế và 15/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo hiện có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất, chủ yếu là hóa chất dùng cho xét nghiệm.

Có 14/34 sở y tế và 8/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế chuyên sâu như thiết bị phòng mổ, thiết bị chuyên ngành thần kinh, tim mạch, nội soi tai mũi họng, mắt, tiêu hóa, hô hấp, hồi sức tích cực, thiết bị chẩn đoán hình ảnh, thiết bị xét nghiệm chuyên sâu.

Chia sẻ về tình trạng thiếu thuốc, Thứ trưởng Bộ Y tế - PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương cho biết nguyên nhân là do ảnh hưởng của việc chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng; một số nước áp dụng các biện pháp chống lạm phát… Các yếu tố này đã tác động tiêu cực đến việc cung ứng và giá thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

"Việc tổ chức đấu thầu tập trung chậm triển khai; chưa tích cực đàm phán giá thuốc sát với tình hình thực tế thị trường. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, thúc đẩy việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa quyết liệt; sự phối hợp giữa các đơn vị thiếu chặt chẽ.

Một số cán bộ, ngành, địa phương thiếu mạnh mẽ, sợ trách nhiệm, không dám làm… là những nguyên nhân chủ quan đã dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế", Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.

Về giải pháp khắc phục, ông Nguyễn Hoàng Long cho biết Bộ Y tế đang tập trung vào 3 nhóm giải pháp chính. Đó là chủ động đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị tăng cường năng lực, hiệu quả công tác mua sắm, đấu thầu; đẩy mạnh cấp phép, quản lý giá thuốc; đẩy mạnh cấp phép, quản lý giá trang thiết bị y tế…

Đối với chính quyền các cấp, Bộ Y tế đề nghị tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn. Có biện pháp cụ thể để giao cho thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất và vật tư y tế phục vụ cho công tác khám chữa bệnh.

"Đồng thời, tăng cường nhân lực làm chuyên trách quản lý về trang thiết bị y tế tại sở y tế và các cơ sở y tế. Tổ chức nghiên cứu kỹ các quy định về kê khai giá trang thiết bị y tế để phổ biến, tập huấn cho các đơn vị trên địa bàn; tổ chức thực hiện đúng quy định, tránh việc chậm trễ trong mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế", ông Long nói.

Tại hội nghị, ông Đào Việt Ánh, phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cũng giải đáp thắc mắc của nhiều địa phương liên quan đến bảo hiểm y tế và tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế…

"Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo bảo hiểm xã hội các địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành y tế đảm bảo ngay việc cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư y tế. Tuyệt đối không để người bệnh bảo hiểm y tế phải tự mua các thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục được hưởng", ông Việt Ánh cho biết.

Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao công lao, đóng góp lớn của ngành y tế, song với những tồn tại đang xử lý, sai thì phải sửa, không vì một số sai phạm mà sợ sệt, không chịu trách nhiệm.

Chia sẻ Facebook