4 yếu tố để “nắm” được thành công

Chia sẻ Facebook
10/08/2022 16:30:25

Con người ai cũng mong ước được thành công. Khi thấy người khác có được thành tựu, chúng ta thường sẽ cho rằng vận mệnh của họ thật tốt. Kỳ thực, vận mệnh nằm ở trong tay mỗi người, nhưng cần phải phó xuất thì mới có thu hoạch.

Yếu tố thứ nhất: Ước mơ


Mỗi người trong số chúng ta đều có những ước mơ, cho dù là giản dị hay to lớn. Có một câu nói nổi tiếng rằng: ”Nếu bạn không tự xây dựng ước mơ cho mình thì người khác sẽ thuê bạn xây dựng ước mơ của họ”. Không ai đánh thuế ước mơ, vậy tại sao bạn không dám ước mơ?


Ước mơ giúp con người nuôi dưỡng niềm tin và tạo sức mạnh để họ vượt qua khó khăn, trở ngại trước mắt và đạt được mục tiêu đã đề ra. Có người nói rằng dám ước mơ đã là thành công một nửa và thật can đảm khi thực hiện ước mơ của mình.


Mọi chuyện đều bắt đầu từ giấc mơ. Thế giới hiện đại ngày nay phát triển là nhờ vào không ít những ước mơ của các nhà phát minh, sáng chế, biến những điều tưởng chừng như không thể trở nên có thể và phục vụ cho nhu cầu bình thường của con người. Nhân loại nhờ có ước mơ mà trở nên vĩ đại.


Thành tựu của một người đều có quan hệ tới ước mơ của chính họ, vậy nên, ngay từ bây giờ hãy học cách tạo dựng những ước mơ cho mình và người khác. Có được ước mơ, kiên trì với ước mơ cũng là một thói quen, một loại theo đuổi, một loại cách sống. Dù người khác nói gì cũng không cần giải thích, hãy dùng thực tế để chứng minh hết thảy.

Yếu tố thứ hai: Định vị bản thân


Một cây bút chì được sinh ra là để vẽ, viết lên giấy những ý tưởng tuyệt vời nhất. Vậy sứ mệnh của cây bút chì là giúp cho người dùng vẽ lên những điều từ trong suy nghĩ. Một cái micro được sản xuất ra với sứ mệnh là giúp cho người dùng truyền đạt được thông tin tốt hơn. Vậy bạn sinh ra trong cuộc đời này để làm gì? Sứ mệnh của bạn là gì?


Nhận thức rõ chính mình đang ở nơi nào và muốn đi đâu. Khi bạn học nghề công nhân thì thường định hướng ra trường bạn sẽ làm công nhân, học nghề may thì bạn sẽ trở thành thợ may… nhưng nếu bạn định hướng cho cuộc đời mình trở thành lãnh đạo thì bạn cần học những kỹ năng và có tư tưởng của người lãnh đạo.


Có một anh thanh niên xin vào một công ty làm công việc của một nhân viên tạp vụ. Hàng ngày anh ta phải làm rất nhiều loại việc không tên và thu nhập của anh rất thấp, thế nhưng ngay từ khi đặt chân vào công ty, anh ta đã định vị mình sẽ là một lãnh đạo có tầm cỡ của công ty này.


Chính vì vậy, ban ngày anh đi làm, ban đêm anh đi học thêm những kỹ năng của người lãnh đạo cần có, từ phong cách ăn mặc, đi đứng, cái bắt tay… cho đến cách nghĩ, cách nói chuyện thuyết phục, anh đều làm theo giống như những người lãnh đạo trong công ty anh làm.


Mặc dù vẫn đang là nhân viên tạp vụ rất bình thường nhưng từ trong suy nghĩ anh đã nghĩ mình chính là lãnh đạo có tầm cỡ. Dần dần các kỹ năng được hoàn thiện và con người anh đã trở thành chính như vậy. Vào một ngày, công ty quyết định mở thêm chi nhánh mới và thật tuyệt vời, anh đã được xếp vào vị trí giám đốc của chi nhánh đó.

Nếu muốn trở thành lãnh đạo thì hãy học cách để trở thành người dẫn đầu. (Ảnh minh họa qua Meeyland)

Yếu tố thứ ba: Tin tưởng


Niềm tin là điều mà chúng ta dễ dàng đánh mất nhất. Nếu niềm tin bị sụp đổ tất cả sẽ sụp đổ theo. Không riêng gì cuộc sống mà còn trong công việc, nếu không có niềm tin vào chính mình bạn sẽ rất khó thực hiện những công việc vượt quá khả năng của bạn.


Thường thì chúng ta bị ảnh hưởng khá nhiều từ những người xung quanh dẫn đến niềm tin trong mỗi chúng ta cũng ảnh hưởng trầm trọng. Khi chúng ta gặp chuyện khó khăn nào đó, chúng ta thường nghe tiếng xì xầm bên tai: Nó quá khó, nó chẳng thể nào thực hiện được đâu.


Lúc ấy chắc chắn rằng bạn sẽ tự vấn mình: Liệu mình có nên làm nó? Liệu mình có nên thử một lần? Và khi bạn không có đủ niềm tin vào chính mình bạn sẽ bỏ cuộc. Nhưng nếu bạn vượt qua khó khăn ban đầu và quyết tâm thực hiện nó thì bạn nhất định sẽ thành công. Bởi vì chẳng có gì là không thể cả.


Vĩnh viễn tin tưởng vào chính mình, người khác có thể làm được thì bạn cũng có thể. Tiềm lực của con người là vô hạn, bạn tin rằng mình không thể ngã thì không ai có thể đẩy bạn ngã.

Yếu tố thứ tư: Cần cù, chuyên chú


Không gì giết chết tương lai bạn nhanh hơn là sự lười nhác và cẩu thả. Dù bạn không giỏi, không thông minh nhưng sự cần cù của bạn sẽ bù đắp tất cả điều đó.


Có một câu nói rất hay: “Suy nghĩ tạo nên hành động, hành động tạo nên thói quen, thói quen tạo nên tính cách, tính cách tạo nên số phận”. Khi chúng ta đã có mục tiêu, có định hướng, vậy thì hãy chỉ một mực nhắm vào cái đích đó mà tiến tới.


Tuy nhiên, khi bạn đã cố gắng mà vẫn không thành, thì bạn hãy trả lời 3 câu hỏi: Bạn đã thực sự tin tưởng chính mình chưa? Bạn đã thay đổi những thói quen không tốt của mình chưa? Bạn có v ì thực hiện mộng tưởng mà kiên trì tới cùng chưa?


Nếu đáp án là chưa, thì hẳn bạn đã biết là phải làm thế nào rồi đấy! Tin rằng thành công sẽ không còn xa tầm tay của bạn.


Tuệ tâm

Từ Khóa :

Chia sẻ Facebook