4 triệu năm, "sát thủ" trong khí quyển cao chưa từng thấy, chuyên gia: Thủ phạm không lạ!
Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), nồng độ CO2 hiện đang cao chưa từng thấy trong khoảng 4 triệu năm qua.
Theo đó, báo cáo của NOAA chỉ ra rằng, trong tháng 5/2022, nồng độ CO2 trong khí quyển cao hơn 50% so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp, thậm chí là đạt mức cao chưa từng thấy trên Trái Đất trong khoảng 4 triệu năm.
NOAA cho biết, tình trạng ấm lên toàn cầu do con người gây ra, đặc biệt là thông qua các hoạt động sản xuất điện bằng cách sử dụng nhiên liệu hóa thạch, giao thông, sản xuất xi măng hoặc phá rừng. Những hoạt động này khiến nồng độ CO2 trong không khí tăng cao.
Tháng 5 thường là tháng ghi nhận nồng độ CO2 cao nhất trong khí quyển mỗi năm. Cụ thể, trong tháng 5/2022, nồng độ chất ô nhiễm ở trong khí quyển đã vượt ngưỡng 420 ppm. Trong khi đó, vào tháng 5/2021, chỉ số này là 419 ppm và năm 2020 là 417 ppm.
Trên thực tế, các thông số trên được ghi nhận tại đài quan sát Mauna Loa ở Hawaii, nằm ở trên một ngọn núi lửa. Đây cũng là một vị trí lý tưởng để giúp các kết quả đo được không bị ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm cục bộ ở địa phương, đồng thời dùng làm điểm tham chiếu toàn cầu về CO2 trong khí quyển.
Vào thời kỳ cách mạng công nghiệp, nồng độ CO2 trong khí quyển luôn duy trì ổn định ở mức 280 ppm trong khoảng 6.000 năm, tính đến giai đoạn công nghiệp hóa.
Tuy nhiên, theo NOAA, nồng độ CO2 hiện nay có thể so sánh với mức ghi nhận được từ 4,1 đến 4,5 triệu năm trước, khi nồng độ CO2 ở gần hoặc trên 400 ppm.
Vào thời điểm đó, mực nước biển cao hơn từ 5 – 25 cm, đủ cao để nhấn chìm nhiều thành phố lớn hiện nay. Theo các nghiên cứu, khi đó, những khu rừng lớn cũng chiếm nhiều phần của Bắc Cực.
Theo các nhà khoa học, CO2 là một loại khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính. Loại khí này tồn đọng trong bầu khí quyển và dần gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu. Trên thực tế, khí CO2 có thể tồn tại ở trong bầu khí quyển và các đại dương trong hàng nghìn năm.
Lượng CO2 tự nhiên có mặt trong khí quyển ở mức thấp. Tuy nhiên, nồng độ của loại khí này đã tăng lên kể từ cuộc cách mạng công nghiệp vào thế kỷ 19. Trên thực tế, chính những hoạt động của con người như phá rừng, đốt nhiên liệu hóa thạch đã và đang góp phần thải ra CO2.
NOAA lưu ý rằng, đến nay, tình trạng ấm lên toàn cầu đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, trong đó bao gồm cả việc nhân lên các đợt sóng nhiệt, hạn hạn, cháy rừng và lũ lụt.
Ông Pieter Tans, một nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Chẩn đoán và Theo dõi Khí hậu thuộc NOAA, nhận định: "CO2 đang ở mức cao chưa từng thấy, nhưng điều này không phải là mới". Theo ông Pieter Tans, qua nghiên cứu, chúng ta đã hiểu được điều này từ cách đây nửa thế kỷ, nhưng lại chưa có hành động ý nghĩa để có thể ngăn chặn.
Trước tốc độ gia tăng lượng khí nhà kính, nhất là CO2, các nhà khoa học cho rằng đã đến lúc con người thực sự cần chú trọng đến việc giảm khí thải.
Vậy, đâu là giải pháp giúp giảm CO2 và chống biến đổi khí hậu?
Công nghệ thu CO2 – giải pháp đầy hứa hẹn
Theo các nhà khoa học, giảm phát thải khí nhà kính là chưa đủ để có thể giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu là 1,5 độ C, mục tiêu đặt ra trong Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu vào năm 2015.
Theo các chuyên gia của Liên Hợp Quốc, cần phải sử dụng các kỹ thuật nhằm loại bỏ CO2 trong không khí. Trên thực tế, có rất nhiều cách, chẳng hạn như trồng cây hấp thụ CO2 và gia tăng sinh vật phù du ở trong đại dương để tăng khả năng hấp thụ CO2.
Tuy nhiên, kỹ thuật thu hút nhiều sự quan tâm nhất chính là thu giữ CO2 trực tiếp ngay trong không khí để biến nó thành đá.
Đây còn được gọi là kỹ thuật loại bỏ CO2 hoặc phát thải CO2 âm (CDR).
Nguyên lý hoạt động của kỹ thuật này là hút không khí bằng quạt. Tiếp theo, không khí sau đó sẽ đi qua một bộ lọc và thu giữ lại CO2 nhờ các quá trình hóa học.
Không khí sau khi đã loại bỏ CO2 sẽ được đẩy ra khỏi phía sau của quạt. Sau đó, bộ lọc được làm nóng để thu giữ CO2.
Lượng CO2 này sẽ được bơm xuống các tảng đá ở độ sâu từ 800 đến 2.000 m. Khi tiếp xúc với các nguyên tố có trong đá, khí sẽ bị khoáng hóa trong vòng chưa đầy 2 năm. Đây là một quá trình mà khi xảy ra ở trong môi trường tự nhiên phải mất hàng trăm nghìn năm.
Về mặt lý thuyết, phát thải CO2 âm có thể được lắp đặt ở bất cứ đâu. Thế nhưng hiện tại thì kỹ thuật này lại có những hạn chế đáng kể. Theo đó, việc lắp đặt phải được bố trí ở gần nguồn nước và sử dụng rất nhiều năng lượng. Đặc biệt, để không gây ra ô nhiễm, nguồn cung cấp điện của công nghệ thu giữ CO2 này phải đến từ năng lượng tái tạo.
Trong khi đó, năng lực của các nhà máy thu giữ CO2 hiện tại là không lớn. Cụ thể, hiện mới chỉ có hàng nghìn tấn CO2 được thu giữ bằng kỹ thuật này, trong khi thế giới cần phải loại bỏ hàng tỷ tấn CO2 trong vòng 30 năm tới.
Cuối cùng, nồng độ CO2 trong không khí rất thấp, với chỉ 0,041%. Điều này cũng đòi hỏi việc phải xử lý một lượng lớn không khí và làm tăng chi phí của quá trình.
Vào tháng 11/2021, Hiệp ước khí hậu Glasgow đạt được tại Hội nghị COP26. Theo đó, 197 quốc gia đã nhất trí hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C. Đây chính là mục tiêu được đề ra trong Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu năm 2015.
Mục tiêu nhằm tránh những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu (ở ngưỡng 1,5 độ C) đòi hỏi phải cắt giảm một lượng lớn khí thải CO2 một cách nhanh chóng và bền vững, cụ thể là giảm 45% lượng phát thải CO2 vào năm 2030 so với mức năm 2010 và về 0 vào khoảng giữa thế kỷ. Bên cạnh đó, việc phát thải các khí nhà kính khác cũng cần phải giảm sâu.
Ngoài ra, việc nhiều quốc gia cam kết "giảm dần" việc sử dụng than cũng được coi là một bước ngoặt lớn, bởi vì đây là lần đầu tiên nhiên liệu hóa thạch được đề cập tại một thỏa thuận của Hội nghị thượng đỉnh khí hậu Liên Hợp Quốc.
Bài viết tham khảo nguồn: Sciencealert, IFLscience, AFP, USAtoday
Arab Saudi sẽ xây hai toà nhà lớn nhất thế giới trong dự án 500 tỷ USD: Cực hoành tráng!