4 tình huống bộc lộ cảnh giới của một người
Để nhìn nhận đánh giá một người thì phải đặt họ vào những hoàn cảnh đặc biệt nhất, những tình huống động chạm nhất...
Từ xưa đến nay, thật không dễ để có thể đánh giá một người, vì việc làm đó không tránh khỏi sự phiến diện. Nhiều người thậm chí còn tránh né việc nhìn nhận người khác. Cổ nhân giảng: “Họa long họa hổ nan họa cốt, Tri nhân tri diện bất tri tâm”, vẽ rồng vẽ hổ khó vẽ xương, biết người biết mặt khó biết lòng, thử ngọc phải thiêu đủ 3 ngày, luận gỗ phải đợi đến 7 năm. Do vậy, để đánh giá một người thì phải đặt họ vào những hoàn cảnh đặc biệt nhất, những tình huống động chạm nhất tới tâm can của họ.
1. Quyết định tại thời điểm phải đối mặt với lợi ích
Con người ai cũng có lòng mong muốn được hưởng lợi, chỉ là mức độ nhiều ít khác nhau. Khi đối mặt với lợi ích, nhiều người sẽ không ngần ngại mà hiển lộ ra mặt yếu kém của mình. Trong khi đó, người cao thượng lại nhất mực lui về phía sau, cân nhắc đến cảm thụ và hoàn cảnh của người khác. Do đó, thái độ với lợi ích là một trong những tiêu chí tốt nhất để đánh giá một người.
Nếu một người nào đó sẵn sàng vì lợi ích cá nhân mà gạt bỏ lương tâm, gạt bỏ tình thân, thậm chí từ bỏ cả đạo nghĩa, thì người như vậy có ai còn dám tin tưởng hay không? Tốt nhất là nên tránh xa người như vậy. Bởi vì một khi có xung đột ảnh hưởng đến lợi ích với người đó, bạn nhất định sẽ cảm thấy thất vọng và thương tâm.
Còn nếu một người khi khó khăn nguy khốn, vẫn không bỏ đi các nguyên tắc nội tâm, nhất mực kiên định với đạo đức tín ngưỡng, có thể luôn cẩn trọng cân nhắc, thì người này nhất định là thiện lương. Họ chắc chắn sẽ có một lựa chọn đáng tôn trọng trong mọi tình huống.
Phàm là những người có tiết tháo, có phẩm chất cao quý, thì hết thảy đều không khuất phục trước quyền uy, không nhượng bộ trước quyền thế mà luôn bảo trì khí tiết. Người quân tử thời xưa mang ý chí cao xa, chính là như câu nói: “Đời người xưa nay ai không chết? Lưu lại lòng son rọi sử xanh”.
2. Đối đãi với những người có địa vị thấp hơn
Đối với người trên không khúm núm, đối với người dưới không kiêu ngạo, đây nhất định là hành xử của một người có phẩm chất tốt.
Nếu một người luôn xu nịnh tâng bốc người trên, lại coi thường khinh miệt người dưới, thì cá nhân đó sẽ giống như nước chảy bèo trôi. Người ấy giao tiếp, đối đãi với người khác không phải bằng tấm chân tình, mà là vì địa vị của người khác vậy.
Nhìn chung, con người khi đối diện với những người có địa vị thấp kém hơn thường dễ nảy sinh cảm giác thấy bản thân mình vượt trội. Nhưng nếu như có thể buông bỏ loại tâm này, không tỏ ra mình giỏi hơn, thì ngược lại càng được tôn trọng. Người như vậy sẽ luôn biết giữ chừng mực, có thiện ý, đáng tin cậy và đáng để kết bạn.
Những người có đạo đức giáo dưỡng, thì đối với bất kỳ cá nhân nào đều luôn tôn trọng, khiêm cung, ngay cả khi giao tiếp với những ai có địa vị thấp kém hơn, họ cũng sẽ không tỏ ra kiêu ngạo.
3. Đối xử với cha mẹ trong mọi hoàn cảnh
Không ít người có thói quen thể hiện điểm tốt ra bên ngoài với người khác, trong khi với người nhà thì dễ bộc lộ những thói quen xấu. Đây là điều hết sức bình thường theo tâm lý học. Vì vậy, những ai luôn đối xử ôn nhu, hòa ái và lễ độ với những người thân cận nhất, thì đó quả là một người đáng khâm phục.
Trong Luận Ngữ có câu chuyện kể như sau: Tử Hạ hỏi đức Khổng về đạo hiếu. Đức Khổng Tử nói: “Giữ sắc mặt tươi tỉnh thật khó lắm thay! Khi có việc, con em hết lòng phụng sự, có cơm rượu mời cha anh xơi trước, người ta đều làm như vậy, há có thể coi là hiếu chăng?”
Khổng Tử còn nói: “Ngày nay, nhiều người cho rằng nuôi được cha mẹ là có hiếu. Thế nhưng ngay cả chó, ngựa cũng được nuôi dưỡng như thế. Nếu người ta không tỏ được lòng kính trọng với cha mẹ, thì việc nuôi cha mẹ và nuôi chó ngựa có khác gì nhau đâu.”
Khi đối xử với cha mẹ, điều quan trọng nhất là thái độ, khó làm nhất cũng là thái độ. Cha mẹ đối với con tốt, con đối với cha mẹ tôn kính. Cha mẹ đối với con không tốt, con vẫn là một dạ hai vâng. Như vậy thì mới đúng là làm con vậy.
Những ai có thể làm được như vậy, nhất định là người khiêm tốn lịch sự, có giáo dưỡng, có trách nhiệm, nhất định sẽ được những người khác yêu mến, tin tưởng và muốn giao du.
4. Đối diện với việc thực hiện lời hứa
Một cá nhân khi phải đối diện với lời hứa sẽ dễ bộc lộ phẩm chất của mình. Người quân tử thì lời hứa đáng giá ngàn vàng, với những gì mình đã hứa nhất định sẽ không bao giờ thất hứa. Người như vậy rất đáng tin cậy.
Còn với những ai không thể giữ được lời hứa của mình, thì trong những trường hợp khác không ai có thể đảm bảo được rằng họ sẽ bảo hộ chữ Tín.
Trong Luận Ngữ, Khổng Tử nói: “Người mà không đáng tin cậy, làm sao làm được việc. Xe lớn mà không có cái đòn lớn, xe nhỏ mà không có cái chốt nhỏ, làm sao dùng để đi đây?”
Những người không có sự thành tín cũng giống như một chiếc xe không đi được, rốt cuộc sẽ khó mà thành tựu điều gì.
Tất nhiên, trong quá trình đánh giá một người, vẫn cần phải lấy lòng bao dung làm căn bản, việc đánh giá sẽ luôn là phiến diện, bởi vì bạn không ở vào hoàn cảnh của người khác. Trong mỗi mâu thuẫn, điều cần nhất là sự bình tĩnh, không nóng vội và một tâm thái khiêm cung với thiếu sót của người khác. Còn điều đáng quý nhất trong một mâu thuẫn chính là biết nhìn ra lỗi lầm hay thiếu sót của chính mình.
An Hòa
3 kiểu người nên tránh kết giao để bảo toàn vận khí
Mời nghe radio :