4 thói quen uống cà phê khiến bạn lão hóa, già đi nhanh hơn mà không biết
Cách bạn uống cà phê lại có thể có những tác động khác nhau đến cơ thể, trong đó có một số thói quen uống cà phê góp phần gây lão hóa nhanh.
Với rất nhiều người, khởi đầu ngày mới với một tách cà phê là điều không thể thiếu. Theo một nghiên cứu năm 2020 của Hiệp hội Cà phê Quốc gia Mỹ, 62% người Mỹ uống một số dạng cà phê mỗi ngày. Và theo nhiều nghiên cứu, uống cà phê với lượng cho phép mỗi ngày đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, cách bạn uống cà phê lại có thể có những tác động khác nhau đến cơ thể, trong đó có một số thói quen uống cà phê góp phần khiến lão hóa nhanh.
Trang thông tin Eat This, Not That đã tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng Lisa Moskovitz, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Dinh dưỡng NY, tác giả của cuốn The Core 3 Healthy Eating Plan... để biết chính xác những thói quen uống cà phê nào không tốt cho sức khỏe, thậm chí khiến bạn già đi nhanh hơn.
1. Uống cà phê thay ăn sáng
Nhiều nghiên cứu và các chuyên gia y tế đánh giá rằng bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Vậy nên nếu bạn có ý định uống cà phê thay cho bữa ăn sáng vì bất kì lý do gì thì nên nghĩ lại.
Theo chuyên gia Moskovitz, bỏ qua bữa ăn chính này có thể dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng. Và theo các nghiên cứu khác nhau, bỏ bữa sáng, chỉ uống cà phê cũng có thể dẫn đến một số biến chứng sức khỏe nghiêm trọng. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Life Metabolism về lịch trình bữa ăn cho thấy những người tham gia thường xuyên bỏ bữa sáng có liên quan đến việc suy giảm nhận thức nhiều hơn so với những người ăn uống cân bằng.
Thay vì bỏ bữa sáng và đi uống cà phê, chuyên gia Moskovitz gợi ý bạn nên ăn "bữa sáng bao gồm trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt hoặc hạt" để có một bữa ăn sáng chứa nhiều chất xơ và chất chống oxy hóa.
2. Thêm nhiều chất tạo ngọt vào cà phê
Bạn không muốn uống cà phê đen nên thêm thật nhiều kem hay chất tạo ngọt để có hương vị ngọt ngào. Nhưng chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo rằng, thói quen uống cà phê này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn, mức độ ảnh hưởng sẽ tùy thuộc vào lượng chất làm ngọt bạn thêm vào.
Chuyên gia dinh dưỡng Moskovitz cho biết: Thêm lượng đường vừa phải trong chế độ ăn uống của bạn sẽ không sao, nhưng thêm quá nhiều sẽ khiến lượng đường tích tụ lại theo thời gian, kéo theo nhiều hệ lụy. Cụ thể, khi bạn già đi, bạn có thể thấy lượng đường trong máu, tình trạng viêm nhiễm và nhiều bệnh khác tăng lên đáng kể. Một nghiên cứu cũng cho thấy rằng tiêu thụ lượng đường bổ sung cao hơn có liên quan đến tình trạng giảm cân không chủ ý và giảm hoạt động thể chất.
Tiêu thụ quá nhiều đường thường xuyên cũng có thể góp phần làm cho da lão hóa nhanh hơn. Khi bạn tiêu thụ quá nhiều đường, nó có thể hình thành AGEs - một chất gây tổn hại đến mức độ collagen, do đó góp phần làm giảm độ đàn hồi của da theo thời gian.
3. Uống cà phê thay nước
Nước là thứ không thể thiếu cho cơ thể và uống nước là việc ai cũng phải làm hàng ngày. Thế nhưng, với nhiều người, vì nhiều lý do, chẳng hạn như quá bận rộn mà quên cả việc uống nước. Thậm chí, có người nghĩ rằng uống cà phê rồi thì không cần hoặc uống ít nước cũng được. Thực tế, quan niệm này vô cùng sai lầm bởi cà phê có thể gây mất nước trong cơ thể chứ không phải là thức uống bổ sung nước. Vậy nên, nếu uống cà phê thay nước thì sẽ là thảm họa đối với sức khỏe tổng thể của bạn.
Theo Moskovitz, uống thức uống có chứa caffeine, trong đó có cà phê có thể dẫn đến tình trạng mất nước và tác động tiêu cực đến làn da, tiêu hóa, mức năng lượng, sự hấp thụ chất dinh dưỡng và thậm chí cả các khớp. Các tình trạng này góp phần khiến bạn trở nên lão hóa nhanh hơn mà không biết.
4. Uống cà phê cả ngày lẫn đêm
Khi nói đến việc chọn thời điểm uống cà phê, hãy cố gắng uống vào buổi sáng, tránh uống buổi chiều và đặc biệt là buổi tối. Ngay cả khi caffeine không khiến bạn tỉnh táo vào ban đêm, điều đó không có nghĩa là bạn nên uống cà phê ngay trước khi đi ngủ. Theo Moskovitz, lý do là bởi vì "caffeine là một chất kích thích, khi tiêu thụ quá gần giờ đi ngủ, sẽ làm gián đoạn việc nghỉ ngơi đầy đủ. Giấc ngủ kém có thể tàn phá sự phục hồi, hệ thống miễn dịch, tâm trạng, năng lượng, sự trao đổi chất và mọi thứ liên quan trong cơ thể".
Nghiên cứu ủng hộ rằng giấc ngủ bị gián đoạn là một vấn đề lớn. Theo một nghiên cứu của UCLA được công bố trên Học viện Y học Giấc ngủ Hoa Kỳ, một đêm ngủ không đủ giấc có thể làm lão hóa tế bào của bạn nhanh hơn. Điều này có thể góp phần gây ra các bệnh liên quan đến tuổi tác theo thời gian.
Theo Eatthis, Medicaldaily