4 thói quen ăn sáng gây hại cho đường huyết, tăng các biến chứng bệnh tiểu đường
Theo bác sĩ nội tiết Li Aiguo (bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Trung - Nhật) những người muốn kiểm soát lượng đường trong máu hãy bỏ 4 bữa sáng như dưới đây vì sẽ khiến đường huyết mất kiểm soát, dao động cả ngày. Điều đó có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường.
Với người đái tháo đường, chế độ ăn có tác động không nhỏ đến tình trạng sức khỏe. Cần đặc biệt kiêng những món chứa đường và có lượng muối cao vì sẽ khiến đường huyết tăng vọt, làm tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn, làm tăng nguy cơ các biến chứng tiểu đường như các bệnh tim mạch, mạch máu não.
Trong ngày, bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất, quyết định đường huyết cả ngày dài. Nếu bạn bỏ ăn sáng, đường huyết sẽ tụt; ngược lại nếu bạn ăn sáng kém khoa học đường huyết sẽ tăng mất kiểm soát.
4 thói quen ăn sáng làm đường huyết dao động cả ngày
1. Ăn sáng quá muộn
Bác sĩ cảnh báo nhiều người bệnh tiểu đường thường ăn sáng quá muộn, thường ăn sau 9-10 giờ sáng. Thậm chí bỏ luôn ăn sáng vì nghĩ ăn nhiều sẽ khiến lượng đường trong máu tăng cao. Đây là những suy nghĩ vô cùng sai lầm.
Ăn sáng có thể cung cấp đủ năng lượng cho hoạt động thể chất trong buổi sáng. Đồng thời giúp kiểm soát cơn đói, tránh ăn quá nhiều vào các thời điểm khác trong ngày, giúp giữ lượng đường trong máu ổn định suốt buổi sáng và thậm chí cả ngày.
Nếu bạn ăn sáng quá muộn, thậm chí bỏ bữa sáng dễ gây hạ đường huyết, gây rối loạn nhịp sinh học, phá vỡ quá trình chuyển hóa và nội tiết bình thường của cơ thể. Đường trong máu lên xuống thất thường chính là nguyên nhân làm tổn thương thêm tuyến tụy.
Bác sĩ khuyên bệnh nhân tiểu đường nên ăn sáng trong khoảng thời gian từ 7 - 8 giờ, muộn nhất là 8 giờ 30 phút.
2. Thích ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ
Thói quen ăn nhiều thực phẩm có hàm lượng dầu mỡ cao vào buổi sáng thực sự vô cùng nguy hiểm. Bác sĩ Li cảnh báo rằng nhóm thực phẩm này có chứa lượng cholesterol cao, có thể làm tăng mỡ máu, tăng đường huyết sau ăn.
Một nghiên cứu cho thấy rằng việc tiêu thụ đồ chiên rán từ 1 đến 3 lần mỗi tuần có thể làm tăng 15% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, từ 7 lần trở lên mỗi tuần làm tăng nguy cơ lên đến 55%.
3. Thích ăn những thức ăn giàu tinh bột
Khi đã mắc bệnh tiểu đường, bạn phải chú ý đến chế độ ăn uống của mình. Vào buổi sáng, nhiều người thích ăn bún, mì gạo, cháo đây đều là thực phẩm chứa nhiều tinh bột, thường xuyên ăn sẽ dễ bị tăng đường huyết.
Muốn kiểm soát tốt lượng đường trong máu, bạn tốt nhất không nên ăn nhiều các món này vào bữa sáng. Thay vào đó, bạn nên chọn một số thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp để có chất dinh dưỡng, ví dụ như bột yến mạch, trứng, sữa, rau...
Khi đường huyết ổn định, bạn vẫn có thể ăn bún theo liều lượng mà bác sĩ cho phép.
4. Ăn các món nhiều muối cho bữa sáng
Nhiều người tiểu đường ăn sáng khá đơn giản, chỉ cần một bát dưa muối và cơm là đủ. Bữa sáng như vậy không hề tốt cho sức khỏe, đặc biệt cực kỳ gây hại cho đường huyết.
Bác sĩ Li cho biết thực phẩm ướp muối vừa nghèo chất dinh dưỡng lại vừa chứa nhiều muối. Ăn quá nhiều muối trong thời gian dài không có lợi cho quá trình trao đổi chất của cơ thể, có thể ảnh hưởng đến huyết áp, gây ra hoặc làm trầm trọng thêm nguy cơ tổn thương mạch máu và thần kinh của bệnh tiểu đường. Dẫn đến các biến chứng ở tim, mắt, và thận.
Bữa sáng của người tiểu đường nên có những món gì? - Trái cây tươi như: táo, chuối, cam, lê, đào,… - Yến mạch, ngũ cốc nguyên cám hoặc ngũ cốc không đường. - Quả hạch nhân. - Các loại hạt như: óc chó rang, hạnh nhân, đậu phộng hoặc một hỗn hợp. - Trứng, sữa, hạnh nhân. - Sữa chua không đường. - Ớt và hành tây đông lạnh, cà chua.
Nguồn: Sohu