4 rào cản của doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam khi tham gia xuất khẩu online
VietTimes – Doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải đối mặt với nhiều rào cản mặc dù đã tiếp cận với thương mại điện tử xuyên biên giới, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nói.
Bà Lại Việt Anh chia sẻ về những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu online.
Tại hội nghị thương mại điện tử xuyên biên giới với chủ đề "Tinh hoa châu Á, bứt phá toàn cầu", vừa diễn ra hôm nay (7/6), bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (iDEA), Bộ Công Thương cho rằng, x ét ở góc độ thương mại điện tử, bên cạnh xu hướng thương mại điện tử trên di động, mạng xã hội, thì thương mại điện tử xuyên biên giới rất nổi bật. Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử xuyên biên giới tăng hơn 2 lần so với thương mại điện tử nói chung.
Cũng theo lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, mặc dù đã tiếp cận với thương mại điện tử xuyên biên giới nhưng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn gặp nhiều rào cản: Rào cản về chi phí, về thông tin, về quy định và về năng lực.
Trong đó, nói riêng về rào cản chi phí, doanh nghiệp Việt đang mắc phải các vấn đề về chi phí hành chính và tiếp thị; chi phí vận chuyển ra nước ngoài; chi phí thanh toán quốc tế và chi phí chuyển đổi ngoại tệ.
Cùng với đó là rào cản về thông tin như việc thiếu thông tin về các quy định liên quan của thị trường nước ngoài, về vận tải quốc tế, hoặc doanh nghiệp thiếu thông tin về các thức bán hàng trực tuyến ra nước ngoài và các lựa chọn thanh toán quốc tế trong thương mại điện tử .
Phân tích thêm về năng lực của doanh nghiệp Việt, bà Lại Việt Anh cho biết, doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam không chỉ gặp rào cản về ngoại ngữ mà còn cả việc không được chuẩn bị để đáp ứng sở thích của người tiêu dùng nước ngoài. Và hơn cả là thiếu năng lực cạnh tranh trong khu vực và trên toàn cầu.
"Những rào cản này là chung cho hoạt động xuất nhập khẩu chứ không chỉ riêng cho xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử”, bà Lại Việt Anh nói.
Doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam có thể cán mốc 300.000 tỉ đồng
Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cũng cho biết, năm 2022, giá trị xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam đạt trên 80.000 tỉ đồng. Nếu doanh nghiệp Việt Nam nhận được sự hỗ trợ toàn diện hơn, ứng dụng thương mại điện tử vào xuất khẩu, trong 5 năm tới, có thể đạt doanh thu 300.000 tỉ đồng. Số doanh nghiệp Việt Nam tham gia bán hàng trên Amazon năm 2022 tăng 80% so với cùng kỳ, kim ngạch tăng 45%.
Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam
Theo CEO Amazon Global Selling Việt Nam, mặc dù Amazon phát triển tại Việt Nam từ 3 năm trước, nhưng thị trường xuất khẩu xuyên biên giới - xuất khẩu online vẫn còn mới mẻ, sơ khai tại Việt Nam. Dư địa phát triển của ngành còn rất lớn. Tính toán cho thấy trên thế giới, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử xuyên biên giới tăng gấp 2 lần so với thương mại điện tử nói chung.
Hiện tại, một số ngành hàng, sản phẩm Việt Nam đang được ưa chuộng trên Amazon bao gồm sản phẩm phục vụ nhà cửa, nội thất, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ.
Thương mại điện tử xuyên biên giới mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Đầu tiên là giúp doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt được thông tin của khách hàng, cải tiến sản phẩm đáp ứng nhu cầu nhanh hơn. Thứ hai, chuyển đổi số và toàn cầu hóa cùng cộng hưởng, không chỉ giúp toàn cầu hoá sản phẩm mà còn toàn cầu hoá thương hiệu sản phẩm.
Đại diện Amazon cho rằng, doanh nghiệp Việt cần chuyển đổi tư duy, không chỉ gia công mà còn xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm và kinh doanh bền vững hơn trên thị trường thế giới.
Tuy nhiên, ông Gijae Seong cũng cho hay, Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi từ xuất khẩu truyền thống sang xuất khẩu online nên còn nhiều khoảng hở về chính sách, rất cần hoàn thiện sớm để tạo thuận lợi và thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới./.