4 nhà máy tại Việt Nam lãi gần 4 tỷ USD sau 9 tháng, Samsung kỳ vọng 1 năm kỷ lục
BCTC quý 3/2022 do Samsung Electronics (Samsung) mới công bố cho thấy mức lợi nhuận giảm 23% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, lợi nhuận lũy kế 9 tháng từ 4 nhà máy đặt tại Việt Nam lên tới gần 4 tỷ USD.
4 nhà máy tại Việt Nam lãi gần 4 tỷ USD sau 9 tháng, Samsung kỳ vọng 1 năm kỷ lục
Cụ thể theo báo cáo, tính đến 30/09/2022, tổng tài sản của Samsung Electronics là 371.1 tỷ USD , trong đó các khoản tiền mặt và tương đương tiền hơn 35.1 tỷ USD .
Kết quả kinh doanh cho thấy, tổng doanh thu hợp nhất của “ông lớn” công nghệ Hàn Quốc trong quý 3 đạt 76.78 ngàn tỷ won, tương đương gần 60.6 tỷ USD , tăng khoảng 3.7% so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, các khoản chi phí đã khiến lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 9.4 ngàn tỷ won, tương đương 7.4 tỷ USD , giảm gần 24% so với cùng kỳ. Dẫu vậy, với mức doanh thu năm nay, Công ty đặt kỳ vọng sẽ vượt qua cột mốc kỷ lục của năm 2021 - tương đương 279 ngàn tỷ won.
Đáng chú ý, BCTC của Samsung cũng có đề cập đến doanh số và lợi nhuận của các công ty thành viên, bao gồm cả 4 nhà máy đặt tại Việt Nam là Samsung Thái Nguyên (SEVT), Samsung Bắc Ninh (SEV), Samsung Display ( SDV ) và Samsung Electronics HCMC (SEHC). Trong 9 tháng đầu năm, 4 nhà máy đạt tổng doanh thu hơn 71.7 ngàn tỷ won, tương đương gần 54 tỷ USD , tăng trưởng 34%; lợi nhuận hơn 5 ngàn tỷ won, tương đương hơn 3.83 tỷ USD , tăng trưởng 24% so với cùng kỳ năm trước.
Nhà máy có doanh thu cao nhất trong 9 tháng đầu năm là Samsung Thái Nguyên, với hơn 29.4 ngàn tỷ won, tăng 27% so với cùng kỳ; lợi nhuận 9 tháng đạt 2.5 ngàn tỷ won, tăng trưởng 45%.
Tiếp sau đó là là SDV (Samsung Display Việt Nam), và SEV (Samsung Bắc Ninh) với doanh thu lần lượt đạt 7.7 ngàn tỷ won và 7.1 ngàn tỷ won, tương ứng tăng trưởng 20% và 12%. Lợi nhuận của SEV tăng 9%, đạt 1.4 ngàn tỷ won, trong khi SDV lại có sự sụt giảm khi chỉ đạt 690 tỷ won, giảm 13%.
Samsung HCMC (SEHC) có đóng góp doanh thu thấp nhất trong số 4 nhà máy khi chỉ đạt 1.4 ngàn tỷ won (tăng 21%); lợi nhuận 389 tỷ won (tăng 86%).
Dự báo tới quý 4/2022, nhu cầu thị trường đối với điện thoại thông minh và thiết bị đeo tay sẽ tăng hơn quý trước do tính thời vụ cuối năm.
Samsung đặt mục tiêu duy trì doanh số bán hàng mạnh mẽ của các sản phẩm flagship, bao gồm dòng điện thoại gập và S22 series, đồng thời mở rộng doanh số bán các thiết bị thuộc Hhệ sinh thái Galaxy như máy tính bảng và thiết bị đeo tay. Ngoài ra, các mẫu điện thoại thông minh đại chúng mới ra mắt cũng được kỳ vọng là sẽ giúp thúc đẩy doanh số bán hàng.
Vào năm 2023, thị trường điện thoại thông minh và thiết bị đeo tay được dự kiến sẽ phát triển trong bối cảnh kinh tế toàn cầu liên tục bất ổn. Đối với máy tính bảng, khi thị trường tầm thấp đến tầm trung dự kiến sẽ giảm nhẹ thì nhu cầu đối với các sản phẩm cao cấp có thể vẫn ổn định. Công ty sẽ tìm cách duy trì tốc độ tăng trưởng cao cho điện thoại gập, và mở rộng doanh số của dòng S, đa dạng sản phẩm và tăng trưởng doanh thu. Đối với máy tính bảng, Samsung đặt mục tiêu tăng doanh thu bằng cách củng cố dòng sản phẩm cao cấp và nâng cao trải nghiệm máy tính bảng.
Châu An