4 nguyên tắc để tránh thất lễ khi mời trà của người xưa
Cổ ngữ nói “Ăn có tướng ăn, ngồi có tướng ngồi”, uống trà cũng có một bộ lễ nghi, mời khách uống trà lại càng cần phải phù hợp lễ nghi.
Uống trà từ lâu đã trở thành thói quen hàng ngày của rất nhiều người Việt Nam nói riêng và người Á Đông nói chung. Mỗi khi có khách tới nhà, mời khách một chén trà đã trở thành nét văn hóa truyền thống không thể thiếu từ xưa đến nay. Uống trà thời xưa được xưng là phẩm trà. Phẩm trà không chỉ là thưởng thức hương vị của trà mà còn là lễ nghi cơ bản nhất của uống trà.
Kỳ thực, trong cuộc sống hàng ngày, việc uống hay mời bạn bè một chén trà như thế nào có lẽ không cần để ý nhiều lắm đến lễ tiết. Nhưng ở những buổi tiệc, khi mời khách hay ở trong những trường hợp long trọng, nếu sơ sẩy một chút lễ nghi rất có thể sẽ khiến không khí trở nên mất vui, thậm chí huyên náo, căng thẳng khiến cả chủ và khách đều cảm thấy khó xử.
Có thể nói, một chút lễ nghi nho nhỏ khi mời trà nhìn như đơn giản nhưng lại ẩn chứa sự tu dưỡng rất lớn. Dưới đây là một số nguyên tắc cần chú ý để tránh thất lễ khi mời trà:
1. Rượu đầy, trà vơi
Cổ ngữ nói: “Tửu mãn kính nhân, trà mãn khi nhân” , ý nói mời khách chén rượu đầy là thể hiện sự kính trọng nhưng mời khách chén trà đầy là thể hiện sự coi thường khách. Nhưng như thế nào là vơi? Có một nguyên tắc là: Trà bảy phần đầy.
Vì sao có nguyên tắc “rượu đầy, trà vơi” ? Bởi vì trà nóng còn rượu thường lạnh, rất ít khi nóng. Cho nên, nếu chén rượu đầy, người khách bê lên cũng sẽ không bị nóng tay. Nhưng chén trà đầy không chỉ khiến khách nóng tay, mà rất dễ bị nước trà nóng dây vào tay, làm cho đổ chén trà, làm bẩn quần áo, khiến khách cảm thấy rất khó chịu.
Ngoài ra chén trà đầy sẽ khiến nhiệt độ của trà khó hạ xuống. Việc này làm ảnh hưởng đến việc cảm thụ hương vị trà.
2. Trên trước dưới sau, già trước trẻ sau
Trong lễ nghi tiếp đãi khách nói chung, người xưa sẽ tiếp đãi theo thứ tự người bề trên được mời trước, người bên dưới mời sau, mời người già trước, mời người trẻ sau. Đây cũng là thể hiện văn hóa tôn kính người bề trên của cổ nhân. Người Việt còn có thói quen mời trước khi nhấp chén trà lần đầu, việc này cũng hết sức quan trọng, nếu không sẽ bị coi là thất lễ.
Nếu khi uống trà, mọi người đều cùng tuổi, cùng thế hệ với nhau thì có thể không cần theo thứ tự này. Đối với lần châm trà thứ hai trở đi cũng có thể bỏ qua thứ tự này.
3. Khách trước chủ sau, có khách mới phải thay trà
Khi mời trà khách, chủ nhân phải đợi cho tất cả khách đều phẩm trà trước rồi mới đến lượt mình. Đây là thể hiện sự tôn trọng của chủ nhà đối với khách.
Nếu trong quá trình uống trà, có người khách mới đến, chủ nhân phải kịp thời thay trà mới để thể hiện sự chào đón, hoan nghênh của mình đối với khách. Đồng thời, để thể hiện thành ý của mình, chủ nhân có thể hỏi thêm khách về thói quen uống trà và nhiệt tình mời khách ngồi. Nếu không kịp thời thay trà sẽ khiến khách có cảm giác bị khinh khi, không chào đón.
Ngoài ra, khi trà chuyển từ đặc sang loãng thì chủ nhân cũng phải thay trà. Nếu không kịp thời thay trà, nước trà đã nhạt, không còn màu sắc thì thể hiện người chủ lạnh nhạt, không tận nghĩa với khách.
4. Giữ thái độ vui vẻ, ôn hòa
Chủ nhà mời khách thưởng trà phải luôn giữ thái độ vui vẻ, ôn hòa. Làm người khách mà nói cũng không được thất lễ, khi nhận được trà từ chủ nhân mời phải nói câu “cảm ơn” , hoặc mỉm cười để thể hiện sự tôn trọng của mình đối với người chủ.
Trong quá trình uống trà cũng kiêng kỵ thể hiện vẻ mặt bất nhã như nhíu mày, nhăn mặt… Vì điều đó có thể khiến chủ nhà hiểu là khách không thích loại trà đó. Nếu cảm thấy không thoải mái khi phẩm trà, người khách có thể nhẹ nhàng đặt chén trà xuống bàn không thưởng thức nữa thì người chủ sẽ tự động hiểu.
Từ những lễ nghi nhỏ này chúng ta có thể thấy uống trà tuy là một việc rất bình thường trong cuộc sống hàng ngày nhưng những lễ nghi tất yếu này vẫn là không thể thiếu được. Một người hiểu biết lễ nghi sẽ không dễ mắc sai sót, và từ những lễ nghi nhỏ đó cũng sẽ hiển lộ ra trình độ phẩm cách, sự tu dưỡng của người ấy.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Mời xem video :