4 loại thực phẩm không nên giữ qua đêm để tránh mắc ung thư và nhiều bệnh nguy hiểm khác
4 loại thực phẩm này để qua đêm nếu ăn vào sẽ gây tổn thương khá nặng nề đối với hệ tiêu hóa, thậm chí làm tăng nguy cơ gây ung thư.
Chúng ta vẫn thường nghe nhiều lời khuyên truyền miệng rằng rau qua đêm ăn vào sẽ gây ung thư với lý do là rau khi để qua đêm sẽ tạo ra một chất gọi là nitrite, phân hủy thành axit nitric và nitrosamine sau khi vào cơ thể, trong đó, nitrosamine là một trong những chất gây ung thư hàng đầu, có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày và ung thư thực quản.
Tuy nhiên, thực tế điều này lại rất mơ hồ! Trên thực tế, tiêu chuẩn lâm sàng về ngộ độc và ung thư nitrite là hơn 500mg. Điều đó có nghĩa là phải ăn một lượng chất này nhất định mới có thể gây ngộ độc, kể cả đối với các loại rau để qua đêm có thể sinh ra nitrite thật thì hàm lượng chất được sinh ra cũng rất nhỏ, không có khả năng gây ung thư hay ngộ độc.
Dù vậy, vẫn có 4 loại thức ăn để qua đêm này nên được ăn ít hơn, tốt nhất là không nên ăn để tránh mắc ung thư hoặc các bệnh nguy hiểm khác.
1. Các món ăn lạnh
Vào mùa hè nóng bức, các món ăn lạnh, đặc biệt là salad được sử dụng rất nhiều trong bữa ăn, phần không ăn hết sẽ được lưu trữ trong tủ lạnh. Tuy nhiên, các món ăn lạnh khác với các món ăn nóng, sau một đêm lưu trữ, lượng nitrite sẽ tăng lên nhanh chóng. Mặc dù lượng chất này không thể đạt đến mức gây ung thư nhưng nó vẫn có những rủi ro sức khỏe tiềm ẩn.
Hơn nữa, đa phần các món này không thể được làm nóng (nếu không sẽ mất đi hương vị hoặc không phù hợp với cách chế biến) và khử trùng, sẽ rất dễ sinh sản vi khuẩn. Lấy các món ăn lạnh này ra khỏi tủ rồi ăn trực tiếp có thể khiến vi khuẩn xâm nhập vào đường tiêu hóa gây khó chịu và tiêu chảy.
2. Hải sản
Hải sản có rất nhiều lợi ích cho cơ thể con người, không chỉ là nguồn protein chất lượng cao mà nó còn có một lượng lớn axit béo không bão hòa, canxi và taurine. Còn gì tuyệt vời hơn khi thưởng thức hải sản vào mùa hè.
Tuy nhiên, ăn hải sản để qua đêm cần phải rất thận trọng, vì hải sản để qua đêm không chỉ có chứa nitrite mà còn tạo ra chất thoái hóa protein khi hải sản được hâm nóng lại, có độc tính cho gan và thận. Ngoài ra, hải sản có thể dễ dàng sinh sản vi khuẩn khi qua đêm. Nếu không được làm nóng đủ nhiệt, đủ lâu, vi khuẩn không thể bị tiêu diệt hoàn toàn và ảnh hưởng đến sức khỏe.
3. Trứng
Trứng chứa rất nhiều protein, lecithin và các thành phần khác, trong đó, protein của trứng và sữa mẹ gần giống nhau, tỷ lệ hấp thụ có thể đạt tới hơn 90%. Đồng thời, trứng có 8 loại axit amin cần thiết cho cơ thể con người, bởi vậy có thể nói đây là một lựa chọn ngon miệng với chất lượng tốt và giá thành thấp.
Tuy nhiên, trứng được để qua đêm sẽ trở thành nơi sinh sản của vi khuẩn, đặc biệt là trứng chưa được nấu chín kỹ. Ngay cả khi được đặt trong tủ lạnh, trứng cũng có thể tạo ra vi khuẩn, chẳng hạn như E. coli , có thể gây ra đau dạ dày, tiêu chảy, buồn nôn và nôn.
4. Các món ăn để qua đêm bị hỏng
Khi thời tiết trở nên nóng bức hơn, thức ăn không ăn hết sẽ càng dễ bị hư hỏng, thậm chí là nấm mốc dù được bảo quản trong tủ lạnh. Thực phẩm hư hỏng không chỉ bị thay đổi hương vị của món ăn mà còn có rất nhiều vi khuẩn. Sau khi ăn, nó có thể gây viêm đường tiêu hóa cấp tính.
Thức ăn bị mốc khi bảo quản qua đêm thậm chí còn khủng khiếp hơn! Khi thực phẩm bị mốc sẽ sản sinh ra chất aflatoxin - chất gây ung thư hàng đầu, cực kỳ độc hại cho gan. Chỉ 1mg aflatoxin đi vào cơ thể cũng có thể làm tăng cao nguy cơ ung thư gan.
Dù bạn có cắt bỏ phần bị nấm mốc thì đó cũng chỉ là "bề nổi của tảng băng chìm" bởi thực chất, aflatoxin đã "xâm chiếm" toàn bộ thực phẩm. Do đó, tốt nhất với những thức ăn có nấm mốc khi để qua đêm, điểm đến tốt nhất của nó sẽ là thùng rác!
Thực phẩm ăn không hết được bảo quản qua đêm không phải tất cả đều có nguy cơ gây ung thư hoặc các bệnh khác, tuy nhiên, việc đun lại để sử dụng vô hình chung đã phá vỡ các chất dinh dưỡng bên trong nó. Vì vậy, t heo TS Từ Ngữ, Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, chúng ta nên tuân theo nguyên tắc "ăn bao nhiêu nấu bấy nhiêu", nếu đã nấu thừa, ăn thừa thì cần thực hiện theo 3 bước sau:
- Nấu lại ngay sau khi đã ăn xong để loại bỏ các vi khuẩn có thể bị dính vào thức ăn trong quá trình ăn uống, gắp đũa.
- Lưu trữ.
- Ở lần sử dụng tiếp theo, cần tính toán xem có bao nhiêu người ăn, khẩu phần ăn của mỗi người ở mức như thế nào để lấy lượng thức ăn vừa đủ ra hâm nóng, đun lại, không nên đun lại toàn bộ thức ăn thừa từ bữa ăn trước.