'4 không' khi chăm trẻ sốt xuất huyết tại nhà

Chia sẻ Facebook
06/05/2022 21:34:16

Gần 4.500 ca nhiễm, 109 ca nặng tính từ đầu năm đến giữa tháng 4-2022 là những con số báo động về sự bùng phát của sốt xuất huyết. Để tránh nguy cơ trẻ trở nặng, phụ huynh cần lưu ý khi chăm con bị sốt xuất huyết.

Một bệnh nhi được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue nặng ngày 4, suy hô hấp, rối loạn đông máu, được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) - Ảnh: XUÂN MAI


Thận trọng khi dùng thuốc hạ sốt

BSCKII Nguyễn Minh Tiến, phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP (TP.HCM), cho biết khi trẻ sốt cao hơn 38 độ C, nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol đơn chất với liều 10-15mg/kg cân nặng, uống lặp lại 4-6 giờ, không dùng thường xuyên. Nếu dùng thuốc hạ sốt quá liều liên tục sẽ dẫn đến tổn thương gan, kể cả thuốc hạ sốt nhét hậu môn đối với trẻ em.

“Để giảm sốt, người nhà nên cho trẻ mặc đồ mỏng, nằm nơi thoáng mát, chườm khăn có thấm nước ấm. Ngoài ra, tuyệt đối không dùng thuốc aspirin và ibuprofen cho trẻ nhiễm bệnh vì 2 loại thuốc này có thể gây xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng”, BS Tiến chia sẻ.

Bên cạnh đó cần bổ sung đủ nước cho trẻ. Có thể cho trẻ uống từng ly nhỏ, uống nhiều lần trong ngày, tránh uống một lúc quá nhiều nước. Những loại nước dùng cho trẻ uống có thể là nước đun sôi để nguội, nước bù điện giải, nước trái cây, nước canh...


Cho trẻ ăn uống thế nào?

Theo ThS.BS Đỗ Cao Vân Anh - trưởng bộ môn nhiễm, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, khi trẻ sốt sẽ biếng ăn, do vậy cần cho trẻ dùng thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, ăn nhiều lần trong ngày, mỗi bữa một ít. Nếu trẻ nôn ói thì đừng vội cho ăn lại ngay, cần nghỉ ngơi 1 - 2 giờ, khi trẻ bớt cơn ói hãy cho ăn ít lại dần.

Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường: nước điện giải Oresol, nước lọc, nước sôi nguội, nước trái cây, nước cam, nước chanh. Cung cấp thêm vitamin từ các loại trái cây, tăng cường miễn dịch, sức đề kháng cho cơ thể chống lại bệnh tật.

Cùng với đó, cần tắm rửa, vệ sinh cho trẻ, không kiêng cữ nước và đưa trẻ đi khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.

“Virus dengue có 4 type huyết thanh D1, D2, D3, D4 khác nhau nên người đã từng bị sốt xuất huyết dengue (sơ nhiễm) vẫn có thể bị nhiễm dengue vài lần nữa (thứ nhiễm) do các type huyết thanh khác. Vì vậy, trẻ mắc sốt xuất huyết có thể bị lại do các chủng nhỏ khác nhau”, BS Vân Anh lưu ý.


Các chuyên gia nhắc nhở khi chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà, c ần đưa trẻ đi viện ngay khi thấy các dấu hiệu: tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống; bé đau bụng, nôn nhiều, nôn khan; bé quấy khóc, bứt rứt, trăn trở khó chịu hoặc li bì hoặc chảy máu cam, máu răng hoặc nôn ra máu, tiêu phân đen.


"4 không" khi chăm trẻ sốt xuất huyết

Lo lắng, sốt ruột khi con bị sốt xuất huyết, nhiều phụ huynh thường nghe theo các phương pháp điều trị dân gian, tiềm ẩn nguy cơ khiến bệnh trở nặng hơn. Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo phụ huynh:

- Không tự ý cho trẻ uống thuốc mà không đi khám bệnh vì có thể bỏ sót các triệu chứng nặng của trẻ và khiến chủ quan.

- Không cho trẻ uống những loại nước có màu đen hoặc đỏ như coca, xá xị… vì có thể gây nhầm lẫn với tình trạng xuất huyết tiêu hóa.

- Không nên cạo gió, cắt lể vì sẽ làm đau và có thể gây chảy máu, nhiễm trùng cho trẻ, đôi khi sẽ khiến trẻ chảy máu không cầm.

- Không cho trẻ sốt xuất huyết truyền dịch tại các phòng khám tư hoặc cơ sở y tế không đủ điều kiện vì nguy cơ sốc dịch truyền hoặc bỏ sót các triệu chứng nặng của bệnh.

Ngày 4-5, Sở Y tế TP.HCM cho biết tính đến giữa tháng 4, TP.HCM ghi nhận gần 4.500 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, trong đó có 109 ca nặng đang điều trị tại các bệnh viện.

Chia sẻ Facebook