4 điểm cầu đặc biệt của Chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2022

Chia sẻ Facebook
30/09/2022 08:58:06

4 điểm cầu truyền hình trực tiếp được đặt tại 4 địa danh mang tính biểu tượng và là niềm tự hào của mỗi tỉnh và thành phố tại Việt Nam.


Tại Thái Bình, Hải Phòng, Sơn La và Hà Nội, ê-kíp thực hiện chương trình Đường lên đỉnh Olympia đã lựa chọn 4 địa danh mang tính biểu tượng của địa phương để đặt cầu truyền hình trực tiếp cổ vũ cho bốn nhà leo núi. Đó là Khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Đôn (Thái Bình), Nhà hát lớn Hải Phòng, Quảng trường Tây Bắc (Sơn La) và Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Điều đặc biệt, cả 4 địa điểm danh tiếng này đều là lần đầu tiên Olympia đưa được cầu truyền hình trực tiếp về trong lịch sử hơn 20 năm phát sóng chương trình.


1. Điểm cầu tại Khu lưu niệm Nhà bác học Lê Quý Đôn - Thái Bình

Thí sinh Đặng Lê Nguyên Vũ - trường THPT Bắc Duyên Hà - Nhất Quý I

Nằm ở xã Độc Lập, huyện Hưng Hà (Thái Bình), khu lưu niệm Nhà bác học Lê Quý Đôn là Di tích lịch sử văn hóa và là điểm du lịch thú vị đối với du khách thập phương.

Khu lưu niệm Nhà bác học Lê Quý Đôn được xây dựng nhằm bảo tồn những di sản mà ông để lại, đồng thời tôn vinh công lao to lớn của ông đối với quê hương đất nước, góp phần giáo dục các thế hệ người Việt Nam noi gương học tập và làm theo. Đây cũng là một điểm đến cho du lịch Hưng Hà, Thái Bình nói riêng và Việt Nam nói chung.


2. Điểm cầu tại Nhà hát lớn Hải Phòng

Thí sinh Vũ Bùi Đình Tùng - trường THPT chuyên Trần Phú - Nhất Quý II

Tọa lạc trên con phố Hoàng Văn Thụ, ngay khu vực trung tâm thành phố Hải Phòng, Nhà hát Lớn được coi là một trong những biểu tượng của mảnh đất hoa phượng đỏ.

Nhà hát được xây dựng từ thời Pháp thuộc và hoàn thiện công trình vào năm 1912. Nhà hát Lớn Hải Phòng mang một vẻ đẹp kiến trúc kiêu sa, khi nó được xây dựng dưới sự chỉ đạo của kiến trúc sư người Pháp và vật liệu cũng được chuyển trực tiếp từ Pháp sang Việt Nam.

Nhà hát Thành phố Cảng là địa điểm chứng kiến những dấu ấn, mốc son của lịch sử cách mạng dân tộc. Là công trình tiêu biểu, đặc sắc nên giờ đây, nó luôn là địa điểm tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, chính trị, xã hội và du lịch lễ hội của TP Hải Phòng.


3. Điểm cầu tại Quảng trường Tây Bắc - Sơn La

Thí sinh Bùi Anh Đức - trường THPT chuyên Sơn La - Nhất Quý III


63 năm, kể ngày Bác Hồ về thăm Tây Bắc (1959-2022). Quảng trường Tây Bắc vô cùng đặc biệt khi nó mang trong mình tượng đài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính vì thế đây không chỉ là một địa điểm du lịch thông thường, mà còn là "địa chỉ đỏ" để giáo dục về truyền thống cách mạng, lòng tự hào, tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc...

Quảng trường Tây Bắc nằm ở trung tâm thành phố Sơn La, có quy mô xây dựng 24ha. Phía trước Quảng trường là dòng Nậm La uốn lượn, ao cá Bác Hồ, hệ thống đường bàn cờ với 79 ô cỏ tượng trưng cho 79 mùa xuân của Bác.


4. Điểm cầu tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội)

Thí sinh Vũ Nguyên Sơn - THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam - Nhất Quý IV

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là di sản văn hóa của nhân loại, là biểu tượng cho truyền thống hiếu học của Việt Nam.


Chung Kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2022 vô cùng vinh dự khi lần đầu tiên trong lịch sử chương trình, đem dược cầu truyền hình trực tiếp tại Hà Nội về đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám - một biểu tượng của tri thức trường tồn mãi với thời gian.


Trận Chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 22 sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV3 lúc 8h30 Chủ nhật (ngày 2/10/2022) và tường thuật trực tuyến trên Báo điện tử VTV News.

Chia sẻ Facebook