4 đề án của TP.HCM được kỳ vọng năm 2023
Cơ chế đặc thù mới, điều chỉnh quy hoạch chung đến 2040, xây dựng trung tâm tài chính, và nâng cấp 5 huyện là 4 đề án TP HCM phải hoàn thành năm nay nhằm tạo đột phá phát triển.
4 nội dung này đang trong giai đoạn hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội, Thủ tướng hoặc Thành ủy TP HCM xem xét, thông qua. Để hoàn thành nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ 11 đặt ra trong nhiệm kỳ 2020-2025, chính quyền thành phố cần sớm ban hành, thực hiện các đề án này trong 2023.
Trong đó, Đề án Xây dựng dự thảo Nghị quyết về chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP HCM, thay Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế đặc thù cho thành phố được đánh giá có ý nghĩa rất quan trọng. Chính sách mới hướng tới tăng nguồn thu ngân sách, giải quyết điểm nghẽn trong thu hút đầu tư, và tăng phân cấp, phân quyền cho thành phố.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhận định Nghị quyết 54 chưa đạt được mục tiêu đề ra, 5 năm thực hiện chưa đủ để đánh giá toàn diện vì gặp nhiều thách thức về kinh tế thế giới, cục diện chính trị và đại dịch. Do đó, thành phố cần có chính sách mới để khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển trở lại.
Nghị quyết mới đề xuất hơn 50 nội dung theo ba nhóm: tiếp tục các chính sách có tác dụng tốt trong Nghị quyết 54; chính sách không có trong Nghị quyết 54 nhưng đã thí điểm ở một số địa phương; và cho phép TP HCM được áp dụng sớm những sửa đổi, bổ sung trong một số dự án như Luật Đất đai, Luật Khám chữa bệnh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá đề án này cần thiết và cấp bách để đầu tàu kinh tế củng cố các động lực tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững hơn. Ông yêu cầu dự thảo cần xác định rõ nội hàm và thẩm quyền thực hiện để sau khi ban hành có thể triển khai ngay.
Khi được thông qua, chính sách mới thay Nghị quyết 54 cũng mở đường cho Đề án xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP HCM , vốn được kỳ vọng sẽ hiện thực hóa "giấc mơ" thành phố ấp ủ hơn 4 nhiệm kỳ.
Định hướng TP HCM thành trung tâm tài chính của cả nước và khu vực đã được Bộ Chính trị nêu trong Nghị quyết năm 2002 và nhắc lại trong Nghị quyết năm 2012. Tuy nhiên qua 4 nhiệm kỳ lãnh đạo, mục tiêu này chưa thành hiện thực. Năm 2022, dựa trên kiến nghị của TP HCM, Bộ Chính trị một lần nữa ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM với mục tiêu đến năm 2030 là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại của Đông Nam Á và của khu vực châu Á đến 2045.
TP HCM được đánh giá có tiềm năng xây dựng trung tâm tài chính quy mô quốc tế khi có 2.138 đơn vị ngân hàng, tổ chức tín dụng trong và ngoài nước đang hoạt động. Quy mô các hoạt động tài chính là 119.000 tỷ đồng, chiếm đến 35,2% cả nước. Tổng giá trị vốn hóa tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM chiếm hơn 95% toàn thị trường và gần 65% GDP cả nước năm 2020. Còn tổng giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đạt hơn 33.000 tỷ đồng. Thành phố cũng là địa phương duy nhất Việt Nam xếp hạng 561 theo Chỉ số Trung tâm Tài chính toàn cầu (GFCI).
Về vị trí địa lý, TP HCM có lợi thế nằm ở múi giờ khác biệt so với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu. Đây được xem là lợi thế "riêng và đặc biệt" trong việc thu hút dòng vốn nhàn rỗi khi các trung tâm này nghỉ giao dịch.
Dự kiến, quá trình xây dựng trung tâm tài chính TP HCM gồm ba giai đoạn: 2021-2025 - củng cố vị thế tại quốc gia; 2026-2030 phát triển thành trung tâm tài chính khu vực; và sau 2030 là toàn cầu. Mục tiêu cụ thể, thành phố được xếp hạng trong nhóm 50 trung tâm tài chính hàng đầu thế giới của GFCI năm 2030 và trong nhóm 20 trung tâm hàng đầu thế giới năm 2045.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá việc lập trung tâm tài chính quốc tế TP HCM có vai trò rất quan trọng. Ông cho rằng đề án này "không thể chậm trễ hơn" và phải cố gắng làm nhanh nhất có thể, không để mất cơ hội.
Nội dung thứ ba được kỳ vọng là Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060. Đây sẽ là công cụ quản lý để đô thị 10 triệu dân giải quyết các điểm nghẽn hạ tầng hiện nay và định hướng phát triển cho tương lai. Thành phố đang nỗ lực hoàn thành đồ án này trong năm nay để Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng.
Mục tiêu nhằm điều chỉnh Quy hoạch chung TP HCM phù hợp định hướng phát triển của toàn vùng, hướng tới trở thành trung tâm giao thương quốc tế của vùng và quốc gia; trung tâm văn hóa, tri thức sáng tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, công nghiệp công nghệ cao tầm khu vực; trung tâm du lịch, tài chính - thương mại và dịch vụ logistics tầm quốc tế.
Theo nhiệm vụ của đồ án được Thủ tướng thông qua năm 2021, TP HCM sẽ phát triển theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng; định hướng giao thông công cộng (TOD), phát triển đô thị mật độ cao, kết hợp nhiều chức năng xung quanh các nhà ga giao thông công cộng sức chở lớn; hình thành các hạt nhân của trung tâm chính và trung tâm phụ như tài chính, thương mại dịch vụ, y tế, văn hóa, nghiên cứu, giáo dục đào tạo... Đồ án sẽ điều chỉnh toàn bộ ranh giới hành chính TP HCM với diện tích 2.095 km2 và 28,7 km2 khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.
Đề án đầu tư các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP HCM) giai đoạn 2021-2030 nhằm định hướng phát triển 5 huyện ngoại thành trở thành các đô thị vệ tinh xung quanh thành phố, giảm bớt áp lực cho nội đô. Cơ sở là những năm qua, các địa phương này có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu đô thị, hạ tầng, tuyến cao tốc đã và đang hình thành, trình độ dân trí, lối sống đô thị không khác nhiều quận nội thành. Các huyện lại nằm ở cửa ngõ thành phố, kết nối các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ, thuận lợi cho phát triển kinh tế vùng.
Ngay khi thông tin về đề án được công bố, lần lượt 5 huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè và Hóc Môn đều có đề xuất lên thành phố thay vì quận, giá đất tại các khu vực này tăng nóng. 5 huyện cho rằng lên thành phố dễ hơn bởi tiêu chí lên quận là 100% đơn vị hành chính cấp xã phải đạt tiêu chuẩn phường, tức địa phương phải bỏ hẳn vùng nông thôn.
Tuy nhiên, Sở Nội vụ đánh giá cả 5 huyện hiện đều chưa đạt tiêu chí lên quận cũng như thành phố. Cụ thể, Bình Chánh đạt 26/30 tiêu chí, Nhà Bè và Củ Chi đạt 23/30 tiêu chí, Hóc Môn 22/30 tiêu chí, Cần Giờ thấp nhất với 19/30 tiêu chí. Tháng 11 vừa qua, chính quyền thành phố yêu cầu 5 huyện không xin chủ trương lên quận hoặc thành phố mà chờ sau khi đạt chuẩn TP HCM mới quyết định mô hình phù hợp với từng địa phương.
Trên cơ sở đáp ứng các điều kiện về phân loại đô thị và loại đơn vị hành chính, thành phố sẽ xây dựng các đề án thành lập đơn vị hành chính mới, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đề án này hiện cũng chậm nhịp so với kế hoạch, dự kiến sẽ trình Thành ủy TP HCM trong quý 1/2023.