4 cuốn sách không thể bỏ qua dành cho “dân marketing chân chính”
Dân marketing chân chính đọc gì? Có hàng loạt đầu sách trên thị trường, bạn cần chọn lọc một danh sách chất lượng, không lỗi thời, giúp bạn vừa nắm vững cái gốc của nghề, vừa đuổi kịp những xu hướng mới.
4 cuốn sách gợi ý dưới đây sẽ giúp các nhà tiếp thị có một vị thế tốt hơn và vững vàng hơn trên thị trường.
1. "Khác biệt hay là chết" - Chiến lược cho mọi thời đại
Đầu tiên, người làm marketing cần cuốn sách cung cấp cho họ những tư duy chiến lược cốt lõi nhất - "Khác biệt hay là chết".
Tại sao một thương hiệu phải "khác biệt hay là chết"? Theo Jack Trout - một trong những nhà tiếp thị có ảnh hưởng nhất mọi thời đại - trong kỷ nguyên "bùng nổ" quyền chọn lựa, người tiêu dùng đang "bị nhấn chìm bởi vô số các lựa chọn khiến họ gần như tê liệt". "Giải pháp duy nhất là tạo sự khác biệt", ông tuyên bố.
Jack Trout dành hơn nửa thời lượng cuốn sách để làm sáng tỏ cho bạn đọc "những điều có-vẻ-là-khác-biệt nhưng thực sự lại rất tương đồng". Chẳng hạn, nhiều công ty chọn trở nên khác biệt bằng giá cả, nhưng cách này không bền vững. "Nếu bạn tồn tại bằng giá cả, bạn cũng có thể sẽ chết bằng giá cả", ông nói.
Ngoài ra, chất lượng sản phẩm tốt, sự phục vụ tận tâm, hiệu quả hoạt động vượt bậc - đó là những điều "tất yếu", theo Jack Trout, chứ không phải sự khác biệt. Tương tự, một gian hàng đa dạng hay một video quảng cáo bóng bẩy cũng không tạo nên sự khác biệt bền vững.
Trong nửa sau của "Khác biệt hay là chết", Jack Trout đưa ra nhiều lựa chọn để các công ty tìm ra một điểm khác biệt độc đáo và có ý nghĩa trong lĩnh vực của mình, có thể là dựa vào lợi thế tiên phong, bề dày lịch sử, một thuộc tính đặc thù, hoặc sự chuyên biệt. Còn nhiều lựa chọn khác mà Jack Trout gợi ý trong cuốn sách, mỗi nhà tiếp thị cần soi xét trong từng tình huống cụ thể của doanh nghiệp để chọn hướng đi phù hợp.
Ngoài một chiến lược không lỗi thời, "Khác biệt hay là chết" còn trở nên kinh điển vì nó giúp dân marketing thấm nhuần những quy trình và tư duy chiến lược căn cốt của ngành: điểm yếu và điểm mạnh của thương hiệu, tâm lý tiêu dùng của khách hàng, nghiên cứu đối thủ cạnh tranh và nắm tầm nhìn về thị trường.
2. "Inbound Marketing" - Thu hút sự chú ý của thế giới trong môi trường trực tuyến
Bên cạnh những hiểu biết chiến lược căn bản, bạn cần biết cách làm chủ các công cụ và chiến thuật marketing trong môi trường trực tuyến hiện nay.
Brian Halligan và Dharmesh Shah, hai nhà sáng lập của Hubspot, mở đầu cuốn sách "Inbound Marketing" bằng lời tuyên ngôn về một cuộc cách mạng đã và đang diễn ra trong ngành tiếp thị: sự xâm lấn của Internet, Google, các trang blog và website, Facebook, Twitter, YouTube, cùng việc chúng thay đổi hoàn toàn cách thức người tiêu dùng tìm kiếm và lựa chọn sản phẩm.
Một mặt, môi trường trực tuyến "là một thế giới ăn thịt lẫn nhau", nhưng mặt khác, đó là nơi người làm marketing được giải phóng khỏi các phương thức marketing tốn kém lỗi thời. "Tạo ra nội dung trang web và thu hút người tiêu dùng trên các mạng xã hội đã trở nên quyền lực hơn hẳn", các tác giả viết.
Trên trang web của mình, thương hiệu có thể cung cấp những thông tin hấp dẫn, hữu ích, truyền tải vào đúng thời điểm mà mọi người đang có hứng thú với những thông tin ấy. Từ đó, khách hàng sẽ tự động tìm đến bạn. Đây cũng là cách vận hành của inbound marketing - khái niệm được khởi nguồn từ Brian và Dharmesh, và đã trở thành xu hướng chủ đạo trong marketing hiện đại.
Trong "Inbound Marketing", Brian Halligan và Dharmesh Shah cung cấp những nội dung cơ bản và tổng quan nhất của một chiến lược inbound marketing: cách sản xuất nội dung (để được tìm thấy trên Google, các trang blog, các kênh mạng xã hội), các quy trình chuyển đổi khách hàng (từ người truy cập sang khách hàng tiềm năng, từ khách hàng tiềm năng thành khách hàng thực sự), các hướng dẫn liên quan đến đội ngũ làm inbound (lựa chọn các thành viên thế nào, chọn công ty PR ra sao…).
Không có những hướng dẫn chung chung, trong mỗi chủ đề, các tác giả chỉ dẫn đến từng những "chân tơ kẽ tóc", giúp bạn biết tới tận các nút cần thêm trên website, cách có thêm lượt theo dõi trên Twitter, Instagram, hay nhận nhiều sự chú ý trên YouTube.
"Bạn có thể thực hiện ngay chiến lược này, song song với quá trình đọc sách. Bạn sẽ nhìn thấy ngay những khách hàng đầu tiên tự tìm đến sau khi gập lại những trang cuối cùng", một chuyên gia marketing ở Việt Nam đã không hề quá lời khi nhận xét về cuốn sách này.
3. "Quyền lực mới" - Chiếm lấy quyền lực mạng xã hội
Cuốn sách này bàn sâu về một loại quyền lực chưa được các doanh nghiệp Việt Nam hiểu và tận dụng hết mức: quyền lực từ truyền thông xã hội.
Ai đang nắm giữ quyền lực "cũ"? Hãy nghĩ về những hệ thống khép kín, phân tầng và những người đang đứng ở tầng cao nhất: sếp của bạn, hiệu trưởng trường cấp ba, các chuyên gia, người nổi tiếng. Vậy còn quyền lực mới? Chúng nằm trong tay những người vô danh, bình thường - nhưng có khả năng thu hút sự chú ý thông qua các cú nhấp chuột, lượt thích, bình luận, chia sẻ trên Facebook, Instagram hay TikTok. Qua đó, họ hình thành và nuôi dưỡng những cộng đồng, lan toả những ý tưởng, tác động đến hành vi của cả một đám đông.
Nếu bạn vẫn chưa nghiêm túc thừa nhận về quyền lực của truyền thông xã hội, thì hãy thử tìm hiểu về việc Facebook bị tận dụng để thay đổi kết quả bầu cử Mỹ năm 2016, việc #Metoo được khởi nguồn từ một vài bài đăng kèm hashtag để rồi hạ bệ ông trùm Hollywood Harvey Weinstein, hay việc một cô gái bình thường đã tạo nên "cuộc di dân" về phía ISIS (tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng) chỉ bằng cách sử dụng khéo léo các công cụ của Tumblr và Twitter. Sau cùng, dù muốn hay không, bạn cũng phải thừa nhận quyền lực từ truyền thông xã hội đang góp phần định hình lại chính trị, xã hội, văn hoá đại chúng, và tất nhiên, cả kinh doanh nữa.
Về phía các nhà tiếp thị, "Quyền lực mới" giúp họ có cái nhìn sâu sắc về loại quyền lực đang trỗi dậy này, thấu hiểu bản chất của nó, để từ đó tìm cách áp dụng phù hợp vào chiến lược marketing của mình. Nhiều ví dụ về các doanh nghiệp đã sử dụng thành công quyền lực mới được nêu ra xuyên suốt cuốn sách, đây sẽ là nguồn cảm hứng cho các nhà tiếp thị về cách lan tỏa ý tưởng, quảng bá sản phẩm, tác động đến hành vi của số đông khách hàng tiềm năng.
4. "Quyền lực biểu tượng" - Hướng tới sự trường tồn
Cuối cùng, dù bạn đã tạo dựng một định vị khác biệt cho thương hiệu, đã biết cách thu hút khách hàng về phía bạn trong môi trường Internet và mạng xã hội, thì cuộc chơi marketing vẫn chưa dừng lại.
Nếu bạn nghiêm túc với hành trình của thương hiệu mình, bạn cần hướng tới nó tới vị thế biểu tượng, như cách Amazon, Apple, Coca-Cola đã nắm giữ vị trí vững chắc trong tâm trí khách hàng qua hàng chục năm.
Điểm ấn tượng nhất của "Quyền lực biểu tượng" nằm ở những bí kíp để một thương hiệu "giữ lửa tình yêu" với khách hàng, thông qua việc duy trì sự mới mẻ vừa đủ, liên tục cải tiến theo thời gian, và khuếch đại tầm ảnh hưởng của mình trong "vũ trụ" của riêng nó.
Bạn không cần phải là một doanh nghiệp lớn để áp dụng "Quyền lực biểu tượng". Bởi một quán ăn nhỏ, một shop thời trang online, một quán cà phê góc phố… cũng cần biết cách để bản thân không nhạt nhoà theo năm tháng, chống đỡ tốt trước những biến động của thị trường, và sau cùng là trường tồn trong tâm trí khách hàng.
"‘Quyền lực biểu tượng’ sẽ giúp bạn hiểu tại sao một số thương hiệu luôn phát triển và trường tồn dù thị trường đầy biến động, trong khi số nhiều thương hiệu khác lại đối mặt với nguy cơ phá sản, thậm chí đã sụp đổ", tác giả nổi tiếng Adam Grant nhận định về cuốn sách.
Thảo Thảo
Theo Trí Thức Trẻ