4 câu chuyện truyền cảm hứng của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam năm 2022

Chia sẻ Facebook
11/09/2022 22:13:50

Sự dấn thân, tinh thần tiên phong công nghệ, sự tăng trưởng đột phá và vai trò của “thuyền lớn” là những câu chuyện vừa được đại diện Rikkeisoft, FPT Smart Cloud, TopCV và Viettel chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp CNTT Việt Nam.


Trong bối cảnh Việt Nam bước vào giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số, chương trình Top 10 doanh nghiệp CNTT Việt Nam cũng được Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT (VINASA) đổi mới. Mục tiêu không chỉ vinh danh mà còn kể những câu chuyện truyền cảm hứng cho sự phát triển của các doanh nghiệp.


Dám dấn thân

Hành trình 10 năm qua của RikkeiSoft đã cho thấy sự dấn thân của các doanh nghiệp công nghệ trẻ. Đại diện cho thế hệ doanh nghiệp công nghệ số năng động, dám mơ ước, dám dấn thân, những doanh nghiệp như RikkeiSoft không chỉ góp phần nâng tầm giá trị Việt mà còn mang những tri thức, kinh nghiệm quốc tế về giải các bài toán khó của Việt Nam, góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Chủ tịch RikkeiSoft Tạ Sơn Tùng cho biết, nếu như 10 năm trước, lĩnh vực xuất khẩu phần mềm mới chỉ có FPT Software có quy mô trên 1.000 nhân sự thì hiện con số này đã lớn hơn rất nhiều và các doanh nghiệp đều tăng trưởng tốt.

Theo đại diện RikkeiSoft, nhờ sự dấn thân của các doanh nghiệp, xuất khẩu phần mềm Việt Nam đã không còn nhỏ bé như 10 năm trước. (Ảnh minh họa)

Với Rikkeisoft, từ 5 thành viên sáng lập, sau 10 năm doanh nghiệp này đã có 1.500 nhân sự vào tháng 6/2022. Tăng trưởng hàng năm đạt 180%. Rikkeisoft đang dần hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm công nghệ Make inViệt Nam phục vụ cho thị trường thế giới như Rikkei.AI, RikkeiDigital, RikkeiAcademy và RikkeiCaptial.

Người đứng đầu RikkeiSoft chia sẻ, có 3 điều mong các doanh nghiệp công nghệ số thực hiện: Mơ lớn - Cần mơ lớn, dám nghĩ, dám làm để tự tin vươn ra biển lớn; Hiệp lực - Phải cùng nhau chia sẻ, hiệp lực tạo nên và lan toả thương hiệu CNTT Việt, sức mạnh của sự đoàn kết chính là cốt lõi để giải quyết các bài toán bức thiết của quốc gia; Đóng góp cho xã hội - Xây dựng các chương trình thúc đẩy nhân tài Việt vươn tầm thế giới và góp sức chung tay cho các chương trình của xã hội.


“Các doanh nghiệp CNTT Việt Nam hãy dấn thân, nhận những trách nhiệm lớn, giải những bài toán khó và chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng lợi thế của đất nước để nâng tầm giá trị Việt trên thế giới” , ông Tạ Sơn Tùng nói.


Tiên phong công nghệ

Đây là câu chuyện của những doanh nghiệp đã và đang nỗ lực hết mình, đầu tư nguồn lực để nghiên cứu, sáng tạo các nền tảng công nghệ tiên phong như AI, Blockchain, Cloud… Những nền tảng công nghệ Make in Việt Nam này sẽ là lõi của các giải pháp số, là chìa khóa để giải những bài toàn chuyển đổi số cho hàng triệu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. FPT Smart Cloud là đại diện tiêu biểu của nhóm doanh nghiệp này.

FPT Smart Cloud tự đặt cho mình sứ mệnh biến mọi doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp công nghệ số, bằng đột phá sáng tạo trong công nghệ là trí tuệ nhân tạo FPT AI và điện toán đám mây FPT Cloud. Doanh thu FPT Smart Cloud luôn tăng trưởng 300%/năm.

CEO FPT Smart Cloud Lê Hồng Việt chia sẻ câu chuyện tiên phong công nghệ.

FPT AI hiện cung cấp hơn 20 dịch vụ AI, nâng cao hiệu suất vận hành, mang đến lợi ích cho hơn 11 triệu người dùng cuối. Trong khi đó, FPT Cloud  cung cấp hơn 50 dịch vụ từ hạ tầng Cloud (IaaS), nền tảng Cloud (PaaS) đến dịch vụ cloud (SaaS), từ đó tăng tốc hành trình chuyển đổi số với hạ tầng linh hoạt, chi phí tối ưu và bảo mật nâng cao.


“Những nền tảng công nghệ lõi tiên phong Make in Việt Nam sẽ đưa Việt Nam sớm tự cường về công nghệ mới, giúp các doanh nghiệp tạo lợi thế cạnh tranh và Việt Nam bắt kịp chuyến tàu cách mạng công nghiệp lần thứ 4” , ông Lê Hồng Việt, CEO FPT Smart Cloud nêu quan điểm.


Tăng trưởng đột phá

Năm 2022, CEO của Startup công nghệ TopCV được vinh danh trong danh sách Forbes Under 30. Trong thời gian ngắn, nền tảng tuyển dụng TopCV tăng trưởng đột phá về mọi mặt: lượng hồ sơ tăng lên 6 triệu ứng viên, nhà tuyển dụng tăng lên 170.000 cơ quan, tổ chức, hàng tháng kết nối được trên 500.000 việc làm.

VINASA nhận định, TopCV là tiêu biểu cho doanh nghiệp tận dụng được cả “Thế”- đại dịch Covid khiến cả thế giới phải chuyển đổi số để thích ứng và “Lực’ - nguồn lực công nghệ, nguồn lực con người để tăng trưởng và phát triển đột phá. TopCV cũng là điển hình của một mô hình doanh nghiệp mới, chọn đúng hướng đi khi dùng công nghệ để giải quyết những bài toán về nhân lực và việc làm.

Ông Trần Trung Hiếu, đồng Sáng lập và Giám đốc điều hành Top CV cho biết có 3 yếu  tố giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và tăng trưởng đột phá, đó là: doanh nghiệp muốn đi nhanh, tăng trưởng đột phá thì cần ứng dụng công nghệ số; phải có sự đầu tư vào con người; người kiến tạo – nhà sáng lập cần có tư duy để có thể làm mọi thử chỉnh chu nhất, phục vụ khách hàng tốt hơn mỗi ngày.


“Thuyền lớn”

Với vai trò xung kích chuyển đổi số, những con “thuyền lớn” trong ngành CNTT khẳng định việc đồng hành cùng Chính phủ, xác định kinh doanh không phải chỉ đặt mục tiêu vì lợi nhuận, mà còn là sự đóng góp công sức, phụng sự Tổ quốc. Là một “thuyền lớn” của ngành CNTT, Viettel đã đặt cho mình sứ mệnh “Tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số”.

Với hạ tầng số lớn, tập đoàn công nghệ này đã phát triển hệ sinh thái với nhiều giải pháp công nghệ, nền tảng số phục vụ cho Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng, hướng tới sự phát triển bền vững của quốc gia. Viettel cũng nghiên cứu phát triển và làm chủ những công nghệ mới; hoàn thiện 6 lĩnh vực nền tảng trong xã hội số gồm hạ tầng số, giải pháp số, tài chính số, nội dung số, an ninh mạng, công nghiệp công nghệ cao.

Theo Phó Tổng giám đốc Viettel IDC Lê Xuân Quế, để giải các bài toán lớn, cạnh tranh công nghệ trên thị trường thế giới, đòi hỏi những chiếc “thuyền lớn” của ngành CNTT phải đoàn kết, cộng hưởng bằng cách đồng hành với nhau để cùng Chính phủ giải các bài toán lớn cho quốc gia. Đồng thời, đưa ra những định hướng, dẫn dắt sự phát triển của ngành và hỗ trợ các doanh nghiệp trong cộng đồng cùng phát triển.


Vân Anh

Chia sẻ Facebook