39% sinh viên Trung Quốc muốn vào doanh nghiệp nhà nước

Chia sẻ Facebook
31/08/2022 10:28:13

Hàng triệu thanh niên Trung Quốc đang phải vật lộn tìm việc làm sau khi tốt nghiệp trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại do Covid.

“Đã mấy tháng trôi qua mà tôi không nhận được cuộc hẹn phỏng vấn nào cả. Tôi rất mệt mỏi và rất muốn bỏ cuộc”, Ivy Chen, một cô gái 23 tuổi đến từ tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, chia sẻ.

Cô Zhao Yuting, 22 tuổi, cho biết cô đã nộp hồ sơ xin việc cho hàng chục công ty sau khi tốt nghiệp vào tháng 7, nhưng chỉ có một số ít gọi cho cô hẹn lịch phỏng vấn. Nhưng rồi những cuộc điện thoại càng khiến cô thất vọng, vì họ bảo rằng không cần những người thiếu kinh nghiệm như cô.

Các công ty không muốn tuyển nhân viên khi nền kinh tế đang ảm đạm. Ngay cả những người có kinh nghiệm cũng đang tranh giành nhau để làm những vị trí không đòi hỏi kinh nghiệm gì, khiến những sinh viên vừa tốt nghiệp như cô phải “ra rìa”.

Chen và Zhao chỉ là 2 trong số gần 11 triệu sinh viên vừa tốt nghiệp và gia nhập thị trường việc làm ảm đạm của Trung Quốc, nền kinh tế tăng trưởng 0,4% trong quý II/2022, mức yếu nhất trong 2 năm qua.

Dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố cho thấy, tỉ lệ thất nghiệp của những người từ 16 đến 24 tuổi lên tới 19,9% trong tháng 7. Điều này đồng nghĩa với việc cứ 5 người trẻ thì có một người thất nghiệp. Con số này gấp hơn 3 lần mức trung bình trên toàn quốc và là mức cao nhất được ghi nhận ở quốc gia tỉ dân kể từ tháng 1/2018.

Cứ 5 người trẻ Trung Quốc thì có 1 người thất nghiệp. Ảnh: People

Tại một hội chợ việc làm ở trung tâm công nghệ Thâm Quyến, một hàng dài phụ huynh và những sinh viên trẻ mới tốt nghiệp lo lắng chờ đợi cơ hội trò chuyện với các nhà tuyển dụng.

Nhưng các công ty tuyển dụng tại hội chợ cho biết, họ chỉ ưu tiên những sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học hàng đầu, vì chỉ có một số vị trí còn trống.

“Mục tiêu của tôi là làm việc ở Thâm Quyến, trong Thung lũng Silicon của Trung Quốc”, Luo Wen, một sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học máy tính, chia sẻ.

“Nhưng sau hơn 4 tháng tìm kiếm, giờ đây tôi sẵn sàng làm việc ở một thành phố nhỏ hơn, với một mức lương thấp hơn”.

Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều thanh niên Trung Quốc không có việc làm.


Cầu vượt quá cung

Nguyên nhân cơ bản nhất chính là Trung Quốc có quá nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học.

Zak Dychtwald, Giám đốc điều hành của Young China Group, một công ty tư vấn chuyên nghiên cứu thị trường ở giới trẻ Trung Quốc, cho biết: “Giáo dục ở Trung Quốc vừa thừa vừa thiếu. Ngày nay, số người trẻ học đại học ở Trung Quốc nhiều hơn 2 thập kỷ trước. Năm 1998, chỉ có 1 triệu sinh viên được nhận vào các trường cao đẳng, đại học của Trung Quốc. Số sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học trong năm nay là 11 triệu người".

Trong khi đó, thị trường việc làm Trung Quốc đã tụt hậu. “Thật khó để thay đổi toàn bộ nền kinh tế theo tốc độ của những người trẻ tuổi được đi học chỉ trong 20 năm”, ông Dychtwald nói.

Ngoài ra, những sinh viên tốt nghiệp đại học đang tìm kiếm công việc văn phòng cũng không có đủ cơ hội. Chỉ có 0,71 việc làm cho mỗi sinh viên tốt nghiệp trong quý I/2022, theo Zhaopin, một trang web tuyển dụng việc làm của Trung Quốc. Mặt khác, Trung Quốc không có đủ người được đào tạo về sản xuất tiên tiến.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thức rõ rằng việc đào tạo người trẻ trong các ngành như sản xuất chất bán dẫn và máy bay sẽ rất quan trọng đối với sự tăng trưởng trong tương lai của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã đầu tư vào các chương trình dạy nghề, thu hút hàng triệu thanh niên kể từ năm 2019.

Tuy nhiên, các chương trình đào tạo dành cho sinh viên Trung Quốc vẫn chưa thực sự phù hợp với nhu cầu công việc trên thực tế. Vấn đề này không thể giải quyết được trong một sớm một chiều.

Người tìm việc tại một hội chợ ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Le Monde


Siết quản lý về c ông nghệ và giáo dục

Nguyên nhân thứ hai là do Trung Quốc siết chặt quản lý ngành công nghệ và giáo dục.

Các nhà quản lý Trung Quốc đã phạt các gã khổng lồ công nghệ bao gồm Alibaba và Tencent hàng tỷ USD vì các hoạt động độc quyền. Chính sách này khiến nhiều công ty công nghệ tư nhân phải sa thải hàng loạt nhân viên.

Lĩnh vực giáo dục tư nhân cũng bị ảnh hưởng khi các hoạt động học thêm, dạy thêm bị cấm. Houze Song, một nhà kinh tế tại Viện Paulson, cho biết: “Gia sư từng là công việc chính của những sinh viên mới tốt nghiệp đại học”, nhưng giờ đây, 3 triệu người có nguy cơ bị mất việc, theo một báo cáo của Đại học Sư phạm Bắc Kinh.


New Oriental Education & Technology Group Inc, tập đoàn giáo dục tư nhân khổng lồ của Trung Quốc đã phải sa thải hơn 60.000 nhân viên và chuyển sang bán hàng nông sản để bù lỗ do ảnh hưởng của chính sách này.


Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 . “Các doanh nghiệp nhỏ, số thì đã đóng cửa, số thì có thể đang gặp khủng hoảng dòng tiền nghiêm trọng. Tồn tại là ưu tiên số một của họ ngay lúc này. Vì thế, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu họ cung cấp ít cơ hội việc làm hơn, hoặc tạm dừng các kế hoạch tuyển dụng cho đến khi mọi việc trở nên thuận lợi hơn”, nhà nghiên cứu Tianlei Huang nói.

Tập đoàn giáo dục tư nhân hàng đầu Trung Quốc New Oriental mất 80% doanh thu năm 2021. Ảnh: Caixin Global


Loay hoay tìm hướng đi


Trước đại dịch, Xu Chaoqun, 22 tuổi, đã chuẩn bị tư tưởng làm việc trong các ngành công nghiệp sáng tạo của Trung Quốc. Tuy nhiên, sau 4 tháng không tìm được việc làm, anh bắt đầu đặt mục tiêu vào khu vực nhà nước. “Dưới sự bùng phát của Covid, nhiều công ty tư nhân rất bất ổn. Đó là lý do tại sao tôi muốn làm việc cho doanh nghiệp nhà nước”, anh nói.

Xu không phải trường hợp duy nhất. Theo công ty tuyển dụng 51job Inc., khoảng 39% sinh viên tốt nghiệp coi doanh nghiệp nhà nước là lựa chọn hàng đầu vào năm 2021, cao hơn 14% so với năm 2017.

Hơn 2 triệu người đã đăng ký tham dự kỳ thi công chức của Trung Quốc vào tháng 12/2021, với hy vọng có được công việc dịch vụ công với mức lương thấp hơn nhưng mức độ đảm bảo việc làm cao hơn.

Thị trường việc làm siêu cạnh tranh khiến nhiều người trẻ bàn luận về xu hướng “nằm im” khi không thể đáp ứng được sự kỳ vọng của cha mẹ và xã hội.

Ngoài ra, họ cũng nói nhiều về mong muốn rời khỏi Trung Quốc để tìm kiếm một tương lai tươi sáng hơn ở nơi khác sau những tháng ngày đằng đẵng tìm việc không có kết quả.

Trong khi đó, nhiều du học sinh Trung Quốc ở nước ngoài cũng đang nỗ lực xây dựng kỹ năng tuyển dụng, kinh nghiệm làm việc để có thể trở về Trung Quốc khi đã sẵn sàng theo đuổi sự nghiệp ở nước nhà.

Sinh viên mừng tốt nghiệp ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Global Times


Nguyễn Tuyết (Theo The Star, Grid News, Channel News Asia)

Chia sẻ Facebook