36,7% lao động trình độ cao đi làm shipper: Lãng phí chất xám?

Chia sẻ Facebook
12/11/2022 01:58:28

“Năm 2018, tôi nghỉ việc ở bệnh viện để chạy xe ôm. Đỉnh dịch Covid-19, tôi về lại trạm y tế chống dịch, tổng thu nhập mỗi tháng là 4.135.000 đồng. Cố gắng được gần 1 năm, tôi lại nghỉ, về chạy grab”,


Báo Lao Động dẫn lời anh Thanh cho biết, anh từng làm điều dưỡng nhiều năm ở một bệnh viện đa khoa với thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Vì mức lương “không sống nổi” đó, năm 2018, anh bỏ nghề, đi chạy grab.


Dịch Covid-19 ập đến. Lúc bấy giờ, người chết vì Covid-19 lên đến cả trăm ca mỗi ngày, nguy hiểm vô cùng. Và anh Thanh muốn “chung tay cùng thành phố” nên đã trở lại làm việc tại Trạm Y tế phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM.


Nhưng khi hết dịch, công việc “tối mắt tối mũi” , trong khi lương tháng 4.135.000 đồng “giữa đất Sài Gòn” , giá cả chóng mặt. Anh Thanh còn có vợ và con nhỏ 8 tuổi phải lo. Vậy là anh lần thứ 2 bỏ nghề, để “đi chạy grab”.

Có thể sau tấm áo shipper này là một cử nhân, một bác sĩ, một thạc sĩ. (Ảnh minh hoạ qua Lao Động)

Tương tự anh Thanh, Phạm Chiến (24 tuổi, Hà Nội, shipper công nghệ) dù tốt nghiệp Cao đẳng nghề Bách khoa song anh lại chọn giao hàng qua ứng dụng.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời Chiến kể ban đầu thích học sửa chữa ô tô vì mê công nghệ, nghĩ nghề này lương cao, nhưng thu nhập của sinh viên mới ra trường ở gara chỉ khoảng 5 – 6 triệu đồng/tháng. Để nhận lương hậu hĩnh hơn, anh phải có bằng kỹ sư, có 4 – 5 năm kinh nghiệm.

Muốn có tiền học tiếp và chi trả sinh hoạt phí đắt đỏ ở thủ đô, Chiến chọn làm shipper công nghệ, thời gian rảnh xin làm thêm ở một xưởng nhỏ để tích lũy kinh nghiệm.

Trong khi đó, Tuấn Anh (23 tuổi, sinh viên mới tốt nghiệp, quê Quảng Ninh) chia sẻ nhiều bạn học xong đại học vẫn chạy xe ôm, ship hàng công nghệ.


“Thu nhập của sinh viên mới ra trường từ 6 – 8 triệu đồng/tháng, muốn hưởng cao hơn thì phải có nhiều năm kinh nghiệm. Trong khi đó, nếu chở khách và ship hàng online thì thu nhập tốt. Nếu mình làm 8 tiếng, trung bình kiếm khoảng 350.000 – 500.000 đồng/ngày, tùy từng hôm và tip thêm của khách”, Tuấn Anh chia sẻ.


Tuấn Anh bộc bạch vì lập gia đình sớm nên để trang trải cho cuộc sống, anh phải chọn chạy xe công nghệ. “Mình chỉ coi đây là công việc tạm thời. Mình muốn tìm công việc văn phòng như sales, quảng cáo… để tiếp tục nuôi ước mơ học lên thạc sĩ” , Tuấn Anh nói.

Được biết, anh Thanh, Chiến và Tuấn Anh chỉ là một trong số 36,7% lao động trình độ cao đang làm shipper, theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Dân số, Lao động – việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.


Anh Thanh, Chiến và Tuấn Anh cũng như các đồng nghiệp mới của họ, hiện đang phải đối mặt với tình trạng “6 không”: Không có hợp đồng lao động; Không được hỗ trợ tiền ăn; Không chế độ nghỉ phép; Không khám sức khỏe định kỳ; Không bảo hộ lao động; Không thưởng lễ Tết.

Vậy nhưng họ sẵn sàng đánh đổi. Bởi nhờ số tiền bình quân 300.000 – 400.000 đồng/ngày, họ có thể trang trải chi phí sinh hoạt cần thiết.


Anh Thanh cho biết, nhờ số tiền chạy grab mà anh có thể nuôi và chăm lo được cho vợ con. Điều mà nếu sống với đúng nghề được đào tạo, anh không thể thực hiện được. Anh Thanh nói trên VietNamNet rằng anh vẫn nhớ nghề y, nhưng chắc chắn sẽ không quay lại trạm y tế!

Trong khi Chiến cho biết, với mức thu nhập từ 300.000 – 400.000 đồng/ngày từ chở khách và ship hàng, đủ để Chiến trả tiền trọ, ăn uống, sửa xe…

Liên quan đến tình trạng nhiều lao động có trình độ cao đi làm shipper, trong kết quả khảo sát trên, một chi tiết đáng chú ý là có tới 82,2% lao động coi đây là việc làm chính của họ và 94,1% không hoặc chưa có dự định chuyển việc trong khoảng 2 – 5 năm tới.


“Shipper, giúp việc gia đình, rửa bát quán phở, cò đất, tiếp thị, bán hàng online… đó có thể là một cách kiếm tiền, trong những thời điểm khó khăn mang tính nhất thời. Nhưng nếu đối với những người 12 năm phổ thông, 4 năm đại học… nó trở thành công việc chính, thành một nghề hoàn toàn không giống những gì được đào tạo thì phải chăng đó là sự lãng phí, rất lãng phí chất xám?! ”, báo Lao Động nhận định.


Xuân Hạ (t/h)

Từ Khóa : Grab

Chia sẻ Facebook