35 tuổi sở hữu hơn 20 tỷ nhân dân tệ: tốt nghiệp đại học không có tiếng, tay trắng lập nghiệp nhưng vẫn thành công, bí quyết nằm ở đâu?
Tỷ lệ sở hữu hiện tại của Vương Ninh tại Pop Mart là 49%, theo giá trị thị trường mới nhất, tài sản của anh đã vượt quá 20 tỷ nhân dân tệ. Từ vô danh tiểu tốt đến một ông chủ được săn đón khắp nơi, từ một ô vuông cửa hàng ban sơ đến sau này sở hữu 288 cửa hàng trên khắp thế giới.
Khi được các phóng viên hỏi nghĩ thế nào về trải nghiệm khó khăn nhất, Vương Ninh vẫn bình tĩnh đáp: "Mọi thứ đều là sự sắp xếp tốt nhất".
1. Gia đình thương gia: lòng háo thắng thúc đẩy tham vọng của tôi
Vào cuối những năm 1990, Vương Ninh 10 tuổi làm việc trong cửa hàng băng đĩa của ba mẹ, sau này cũng có bán thêm đồng hồ và dụng cụ câu cá. Là con trai của chủ cửa hàng, Vương Ninh đã dành hầu hết thời gian rảnh rỗi của mình ở cửa hàng trong suốt thời thơ ấu của mình, do đó Vương Ninh đã sớm tiếp thu với kinh doanh và được gieo mầm buôn bán trong người.
Lần kinh doanh đầu tiên của Vương Ninh là vào mùa hè sau kỳ thi tuyển sinh đại học. Vương Ninh đã tổ chức một lớp huấn luyện bóng đá và chiêu mộ được hơn 20 học sinh.
Anh nói: "Mặc dù số tiền đầu tiên tôi kiếm được không nhiều nhưng nó đã cho tôi một khởi đầu. Hơn nữa, từ khi còn nhỏ, tôi đã rất thích bóng đá và tinh thần cạnh tranh mạnh mẽ đó. Sau này, chính tinh thần cạnh tranh đó đã hun đúc nên tham vọng của tôi và cho phép tôi đi xa hơn mà không hề sợ hãi."
2. Kinh doanh vườn trường: kinh doanh offline là một hành trình lâu dài
Năm 2005, Vương Ninh trúng tuyển vào một trường tư thục, vốn không phải là một trường có yêu cầu cao, cho nên có thể thấy xuất phát điểm học vấn của Vương Ninh thực tế không cao.
Nhưng anh hùng không hỏi xuất thân. Nếu tôi phải dùng một tiêu đề để mô tả cuộc sống đại học của Vương Ninh, thì đó sẽ là khởi nghiệp. Khi đó, Vương Ninh đã vay mẹ 1.000 nhân dân tệ để mua một chiếc máy ảnh kỹ thuật số 5 megapixel và thành lập studio "Days Studio".
Anh ghi lại cuộc sống của các sinh viên năm nhất trong nửa năm, làm thành DVD và VCD, sau đó đóng gói và bán chúng. Hơn nửa số sinh viên năm nhất đã mua đĩa CD có ghi hình họ. Vương Ninh ngay lập tức trở thành người nổi tiếng tại trường. Nhờ đó mà nhiều bạn học đã tìm đến để tham gia "Days Studio". Nhiều người trong số họ thậm chí đã theo Vương Ninh khởi nghiệp từ đó.
Nhưng vào cái thời internet bắt đầu phổ biến thì công việc kinh doanh băng đĩa của Vương Ninh cũng sa sút. Do đó, Vương Ninh bắt chước ba mẹ, anh bắt đầu kinh doanh bán lẻ.
Anh dày công cực khổ gom góp mở được một cửa hàng dạng ô vuông đối diện trường đại học, tuy kinh doanh khấm khá nhưng anh cũng gặp phải sự cạnh tranh của hơn 12 gian hàng cùng hình thức gần đó.
"Kinh doanh offline thật sự rất cô đơn. Là người điều hành, bạn chỉ có thể ở trong cửa hàng chờ người khác đến, hoặc trang hoàng để thu hút mọi người. Quá trình này giống như một quá trình luyện tập lâu dài, nó bảo tôi phải bình tĩnh, tôn trọng thời gian và kính nghiệp" - Vương Ninh chia sẻ.
3. Từ chức tập thể: gặp vấn đề thì giải quyết vấn đề
Sau khi tốt nghiệp đại học, Vương Ninh một mình đến Thượng Hải và Bắc Kinh để học hỏi thêm. Anh làm qua nhiều công ty nhưng cuối cùng cũng từ chức vì không thấy được ý nghĩa công việc, anh quyết định đi ra khởi nghiệp.
Khi đó, Vương Ninh phát hiện một cửa hàng ở Hong Kong trưng bày và bán các sản phẩm thời thượng như siêu thị đã rất thành công nên anh quyết định nhân rộng mô hình này tại Bắc Kinh. Vương Ninh gom góp tiền dành dụm đã tập hợp các đối tác đồng sáng lập cũ của mình tập trung lại ở Bắc Kinh và thành lập Pop Mart, chuyên về các sản phẩm thời thượng.
Trong vòng nửa năm, nhóm của Vương Ninh khi đó đã bị vô số trung tâm thương mại từ chối. Để thu thập được nhiều hàng hóa, Vương Ninh đi khắp nơi để tìm kiếm nhiều mặt hàng mới lạ. Cuối cùng, vào ngày 17 tháng 11 năm 2010, cửa hàng đầu tiên của Pop Mart đã khai trương thành công tại một góc nhỏ của Trung tâm Âu Mỹ ở Trung Quan Thôn, Bắc Kinh.
Khó khăn nối tiếp khó khăn, Vương Ninh không có kinh nghiệm quản lý nên đã thuê cô gái tên Lưu Tử Quang giúp anh, với mức lương cơ bản 3.000 nhân dân tệ. Nhưng bạn biết không, nhóm sáng lập của Vương Ninh chỉ được trả 2.000 nhân dân tệ mỗi tháng vào thời điểm đó thôi.
Thời điểm cuối năm đến gần, Vương Ninh trả trước tiền lương và tiền thưởng cho các nhân viên theo yêu cầu của Lưu Tử Quang. Nhưng sau khi vừa phát lương xong, tối hôm đó anh liền nhận được một tin nhắn của Lưu Tử Quang: "Vương Ninh, chúng tôi từ chức tập thể rồi. Ngày mai các anh có thể tự mình mở cửa, chìa khóa để ở trong..."
Sáng hôm sau, tất cả các thành viên đồng sáng lập đều ra cửa hàng làm nhân viên. Tết năm đó chẳng ai trong bọn họ trở về quê cả.
Vương Ninh nói: "Thành thật mà nói, với Pop Mart, mọi giai đoạn dường như đều có những khoảnh khắc rất khó khăn. Nhưng thật ra thì những lúc như thế tôi thường không quá bi quan. Gặp vấn đề thì giải quyết thôi."
4. Quý nhân ghé cửa: ba, hôm nay con trai ba là triệu phú
Năm 2011, điều ước trong năm mới của Vương Ninh là mở thêm 3 cửa hàng mới. Nhưng thực tế thì cửa hàng đầu tiên của Vương Ninh vẫn đang phải vật lộn để tồn tại.
Biến chuyển xảy ra vào một ngày tháng 8 năm 2012. Hôm đó, có một người đàn ông tóc dài bước vào và nói với Vương Ninh: "Chúng ta có thể nói về Pop Mart chứ!"
Người đàn ông tóc dài này tên là McGon. Năm 2005, ông và Tim Draper, một nhân vật huyền thoại trong giới đầu tư mạo hiểm ở thung lũng Silicon còn cùng nhau thành lập công ty đầu tư tư nhân.
Thực ra, Vương Ninh đã gửi kế hoạch kinh doanh của mình vào hộp thư của McGon từ ba tháng trước. Sau khi gặp Vương Ninh 3 lần trong 5 ngày, ông ấy đã quyết định đầu tư 2 triệu. Sau khi nhận được khoản đầu tư, Vương Ninh gọi cho cha mình, giọng điệu có chút kích động: "Ba, hôm nay con trai ba là một triệu phú!"
5. Tập trung vào đồ chơi
Sau khi nhận được khoản đầu tư, Vương Ninh cuối cùng đã hiện thực hóa ước muốn đầu năm mới của mình: mở ba cửa hàng mới. Nhưng nhìn chung, thời điểm đó Pop Mart vẫn thua lỗ.
Vào thời điểm đó, Vương Ninh nhận thấy đồ chơi búp bê Nhật Bản Sonny Angel đang chiếm phần lớn doanh thu. Năm 2014, anh đã đưa ra một quyết định chiến lược quan trọng tại Pop Mart: giảm loại hàng và tập trung vào đồ chơi.
Do mua bản quyền của Sonny Angel không được, Vương Ninh lên Weibo đăng một bài viết, hỏi mọi người thích sưu tập đồ chơi nào nhất. Đa số mọi người đều trả lời là: Molly.
Sau khi nhận được phản hồi từ người dùng, Vương Ninh đã lập tức bay sang Hong Kong đến xưởng thiết kế của Kenny Wong để mua bản quyền của Molly. Trước lời mời của Vương Ninh, lo lắng lớn nhất của Kenny chính là sự can thiệp của một "công ty lớn" tiến hành sản xuất hàng loạt, điều này sẽ khiến người hâm mộ thấy Molly không còn khan hiếm nữa.
Nhưng logic của Vương Ninh đã thuyết phục được Kenny: "Chúng tôi muốn cùng bạn tạo ra một triệu người yêu thích Molly".
Sau khi giành được ủy quyền, Pop Mart nhanh chóng đầu tư phát triển loạt đồ chơi thời thượng đầu tiên của chòm sao Molly Zodiac. Vào tháng 7 năm 2016, Molly Zodiac đã bán hết nhanh chóng ngay khi vừa ra mắt. Kể từ đó, Molly đã trở thành nhận diện thương hiệu của Pop Mart, và doanh thu của nó chiếm hơn 40%. Trong nửa đầu năm 2017, công ty đã chuyển lỗ thành lãi và tiếp tục tăng vọt.
Vương Ninh nói với Tencent News: "Đây là sự kiên trì của chúng tôi. Đôi khi nhiều chính là ít, ít chính là nhiều, nhanh là chậm, chậm là nhanh. Chúng tôi có rất nhiều chi tiết chưa làm được tốt, trong quá trình mở rộng nhanh chóng, mặc dù ưu điểm và tốc độ được khuếch đại, nhưng đồng nghĩa những thiếu sót cũng sẽ được khuếch đại. Vì vậy, khi chúng tôi chưa sẵn sàng, chúng tôi phải tôn trọng thời gian và tôn trọng kinh doanh."
Trần Anh
Theo Trí Thức Trẻ