31% thanh niên ở Mỹ sống trong các hộ gia đình nhiều thế hệ

Chia sẻ Facebook
26/03/2022 12:02:52

Kết quả một cuộc thăm dò gần đây của Pew Research cho thấy, số lượng gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống tại Mỹ tăng gấp đôi trong vòng 50 năm qua.


Trong số tất cả nam giới và phụ nữ từ 25 đến 29 tuổi, gần 1/3 (31%) sống trong các hộ gia đình nhiều thế hệ . Ngay cả đối với những người từ 30 đến 34 tuổi, hơn 1/5 (22%) sống với thế hệ khác, thường là cha mẹ.

Những con số này cao hơn đáng kể so với thời gian trước, cho thấy sự căng thẳng về tài chính có thể là một yếu tố dẫn đến quyết định chuyển về sống với người thân lớn tuổi.

Theo mục đích của cuộc khảo sát, hộ gia đình nhiều thế hệ bao gồm tất cả các ngôi nhà có ít nhất hai thế hệ người lớn từ 25 tuổi trở lên, hoặc những ngôi nhà "thế hệ ngắt quãng" như ông bà sống với cháu dưới 25 tuổi. 18% người Mỹ sống trong các hộ gia đình nhiều thế hệ bao gồm tất cả các nhóm tuổi, con số này đã tăng đều đặn kể từ những năm 1970.

Bên cạnh đó, phân tích dữ liệu theo độ tuổi mang lại một số tiết lộ đáng ngạc nhiên. Trong số nam thanh niên từ 25 đến 29 tuổi, có tới 37% sống trong một ngôi nhà nhiều thế hệ. Mở rộng phạm vi từ 18 đến 34 tuổi, sống chung với cha mẹ là hình thức gia đình phổ biến nhất đối với nam thanh niên, và điều này đã diễn ra trong hơn 10 năm qua tại Mỹ.

Phụ nữ cũng vậy, ngày càng nhiều nữ giới sống trong những ngôi nhà nhiều thế hệ, mặc dù họ ít có khả năng làm như vậy hơn nam giới. Trong số những người từ 25 đến 29 tuổi, hơn 1/4 (26%) sống trong các gia đình nhiều thế hệ.

31% nam nữ từ 25 đến 29 tuổi tại Mỹ sống trong các hộ gia đình nhiều thế hệ. (Ảnh: CNN)


Những con số này có vẻ đáng ngạc nhiên với các chuẩn mực xã hội của xã hội Mỹ. Thông thường, những người trẻ tuổi sẽ "rời tổ ấm" khi tốt nghiệp trung học, tìm việc làm hoặc học đại học. Tuy nhiên, khi hầu hết các công việc đầu vào hiện nay đều yêu cầu bằng đại học, những người chỉ có trình độ học vấn trung học phổ thông có thể gặp khó khăn khi tìm việc, một thực tế phản ánh lý do vì sao số lượng những người trẻ tuổi sống với cha mẹ của họ chiếm đa số.


Lấy bằng cấp cũng không phải là "thuốc chữa bách bệnh". Nguyên nhân là do chi phí học đại học đã tăng chóng mặt trong vài thập kỷ qua và gánh nặng nợ vay sinh viên đã buộc sinh viên tốt nghiệp phải tạm thời chuyển về ở với cha mẹ nếu họ không thể tìm được một công việc được trả lương cao (hoặc một nhóm bạn cùng phòng tương thích để giảm bớt căng thẳng về tài chính). Mặc dù cuộc khảo sát của Pew Research không bao gồm các thanh niên sống với những người bạn cùng phòng không liên quan ở độ tuổi tương tự, nhưng cách sắp xếp cuộc sống như vậy đã trở nên phổ biến hơn khi những người trẻ kết hôn và lập gia đình muộn hơn, thường là vì lý do tài chính.

Số lượng nợ ngày càng tăng của những người Mỹ trẻ tuổi có nghĩa là ngay cả khi họ có thể kiếm được việc làm, lương có thể không đủ trả để cho phép họ độc lập về tài chính. Một cuộc khảo sát vào năm 2017 của Pew Research cho thấy, trong khi chỉ 5,1% người từ 25 đến 35 tuổi thất nghiệp, 15% trong số họ đang sống với cha mẹ, tỷ lệ này cao gấp đôi so với thế hệ ông bà của họ.

Kể từ năm 2000, những người Mỹ dưới 40 tuổi chiếm gần một nửa mức tăng dân số hộ gia đình nhiều thế hệ, mặc dù chỉ chiếm 17% tổng mức tăng dân số.


Số lượng thanh niên Mỹ chuyển về sống với người thân lớn tuổi trong gia đình đã tăng lên trong cuộc suy thoái vào năm 2008. Sự suy sụp của nền kinh tế cùng với đại dịch COVID-19 trong hai năm qua cũng gây ra tác động tương tự. Chỉ trong vài tháng đầu tiên dịch bệnh diễn ra, 3 triệu người Mỹ trưởng thành đã chuyển về sống với cha mẹ của họ, nâng tổng số lên tới 32 triệu người lớn sống với cha mẹ hoặc ông bà, một con số cao kỷ lục, theo công ty thị trường bất động sản trực tuyến của Mỹ Zillow.

Trong một xã hội ngày càng già hóa khi con cái ít có thời gian ở nhà chăm sóc cha mẹ thì nhà thông minh đang là một sự lựa chọn của nhiều gia đình trung lưu tại Hàn Quốc.

Chia sẻ Facebook